Trò phù thủy ‘làm ăn thua lỗ’ của Coca-Cola ở Việt Nam

Doanh thu của Coca-Cola tại Việt Nam không ngừng tăng, tuy nhiên lại liên tục báo lỗ và lợi nhuận nếu có cũng chẳng đáng là bao.

Nếu như năm 2004 doanh thu của Coca-Cola Việt Nam chỉ đạt 728 tỷ đồng thì đến năm 2010 con số này tăng lên 2.529 tỷ đồng, gần gấp 3,5 lần.

Với số liệu trên, có thể tính toán ra giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu Coca-Cola Việt Nam đạt khoảng 23,06%. Với giả định doanh nghiệp này duy trì tốc độ tăng trưởng trên, ước tính của chúng tôi năm 2014 công ty này đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng.

2

Chú thích: Doanh thu 2011-2014 là số ước tính, được tính dựa trên giả định đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR bằng giai đoạn 2004-2010 theo số liệu cục thuế Tp.HCM công bố. Lợi nhuận năm 2013 và 2014 là số liệu công bố của cục thuế Tp.HCM tương ứng 150 và 357 tỷ đồng.

Mới đây, cục thuế Tp. Hồ Chí Minh vừa thành lập lực lượng chống chuyển giá nhằm thu thập, nghiên cứu các dấu hiệu chuyển giá đang được các doanh nghiệp sử dụng và Coca- Cola Việt Nam lọt vào tầm ngắm.

Theo đó doanh nghiệp này bị cục thuế xếp vào vị trí số 1 trong danh sách có dấu hiệu chuyển giá khi kê khai lỗ trong nhiều năm và đến nay vẫn chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Điều đáng nói là Coca Cola có mặt rất sớm tại Việt Nam và hoạt chính thức kinh doanh hơn 20 năm qua tại Việt Nam. Lịch sử hoạt động của Coca-Cola tại Việt Nam cũng có nhiều vấn đề đặt ra.

Năm 1960, Coca-Cola hiện diện tại Việt Nam.

Năm 1994, công ty này bắt đầu chính thức kinh doanh.

Tháng 8/1995, Coca-Cola Đông Dương và công ty nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex thành lập liên doanh đặt trụ sở tại miền Bắc. Tuy nhiên phía Vinafimex đã bán lại 30% cổ phần cho Coca Cola sau nhiều năm thua lỗ triền miên với giá khoảng 2 triệu USD.

Tháng 1/1998, tập đoàn Coca-Cola lập thêm một liên doanh với công ty nước giải khát Đà Nẵng đặt tên Coca-Cola Non Nước đặt tại miền Trung. Ngoài ra còn một liên doanh khác của Coca-Cola đặt tại miền Nam là Coca-Cola Chương Dương.

Tháng 10/1998, Chính phủ cho phép các công ty Liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh này này lần lượt thuộc sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương khi công ty này lần lượt mua lại cổ phần của đối tác Việt Nam khi hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên.

Từ tháng 3 đến tháng 8/1999, 3 liên doanh lần lượt chuyển hình thức sở hữu. Đến tháng 6/2001, 3 công ty này hợp nhất thành một và quản lý bởi Coca-Cola Việt Nam. Việc hợp nhất 3 nhà máy thuộc 3 công ty này có tổng công suất khổng lồ gần 400 triệu lít.

Năm 2012, Coca-Cola xác nhận lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng năm 2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca-Cola tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư lên nửa tỷ USD trong 5 năm.

Năm 2014, Coca-Cola đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Qua số liệu công bố của cục thuế Tp.HCM cho thấy doanh thu của tập đoàn đa quốc gia này tại Việt Nam không ngừng tăng tuy nhiên luôn thua lỗ. Nguyên nhân do ông Lê Duy Minh, trưởng phòng Kiểm tra số 1, Tp.HCM lý giải là tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao.

Những nguyên vật liệu này do công ty mẹ ở nước ngoài độc quyền cung cấp, giá mà Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm trên 60% giá bán sản phẩm.

Trí Lê (Theo TRÍ THỨC TRẺ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề