“Super Mario” của Châu Âu

Thực chất việc ECB tung ra 1.100 tỷ euro mua lại nợ là một cách bơm tiền cho nền kinh tế để kích thích nền kinh tế lục địa thoát khỏi sự già nua và trì trệ nhiều năm qua.

Tờ Libération (Pháp) đã chạy tít lớn trong số báo tuần qua: “Mario Draghi cho nổ tung ngân hàng”, bên trên hình vẽ ông Mario Draghi trong trang phục của nhân vật game điện tử nổi tiếng Super Mario, đang phá tung một kết sắt đồng euro.

So sánh có phần hài hước này là để khen ngợi quyết định lịch sử của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khi tung ra một kế hoạch mua lại nợ tổng cộng hơn 1.100 tỷ euro. Việc mua lại nợ chủ yếu sẽ do ngân hàng trung ương của 19 quốc gia khu vực euro thực hiện, nhằm đối phó với nguy cơ giảm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Mario Draghi được ví như Super Mario trên báo Pháp Libération.

Ông Mario Draghi được ví như Super Mario trên báo Pháp Libération.

Theo ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, các khoản nợ này sẽ được mua trung bình là 60 tỷ euro mỗi tháng, kể từ tháng 3/2015 đến cuối tháng 9/2016, cho đến khi nào lạm phát tăng trở lại ở mức khoảng dưới 2%. Chương trình mua lại nợ đã từng được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sử dụng, nhằm tác động lên các lãi suất, thúc đẩy hoạt động kinh tế qua việc huy động tín dụng và đẩy giá cả tăng trở lại.

Ngay sau khi có thông báo nói trên của ECB, lãi suất vay tiền thời hạn 10 tháng của Pháp đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, giống như Tây Ban Nha và Ý.

Đồng euro giảm giá so với đồng USD, xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng 9/2003. Trước quyết định trên, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt khởi sắc, Paris tăng thêm 1,52%, trong lúc Frankfurt đạt kỷ lục mới sau khi tăng 1,32%.

Quyết định bất ngờ này của ông Draghi đã được báo chí Pháp khen ngợi là “Ngón đòn bậc thầy của Mario Draghi trên thị trường tài chính”. Trị giá kế hoạch mua lại nợ công đã vượt quá mong đợi của các nhà đầu tư, “gấp đôi quy mô từng được dự định”. Giới đầu tư tán thưởng vì mang tính chất linh hoạt cao, không chỉ giới hạn việc mua lại ở thời hạn cuối tháng 9/2016, mà có thể kéo dài thêm.

Ông Draghi được khen ngợi là “Super Mario” vì đã thành công trong việc thuyết phục được Hội đồng quản trị ECB phá bỏ một “cấm kỵ” được ghi trong các hiệp định châu Âu “không được tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách in thêm tiền”.

Thực chất, gói kích thích kinh tế 1.100 tỷ euro là một cách bơm tiền cho nền kinh tế với mục tiêu tăng cường lượng lưu thông tiền tệ, qua đó tăng thanh khoản, kích thích đầu tư và chi tiêu, đối phó với tình trạng giảm phát. Ngoài ra, việc in thêm tiền sẽ góp phần cân đối ngân sách và giải quyết tạm thời vấn đề nợ công.

Tuy nhiên, tờ Libération hoan nghênh ông Draghi cho rằng: “Ít ra có một lãnh đạo ngân hàng thông minh. Rõ ràng là từ nhiều năm qua các chính sách đeo đuổi ở châu Âu đã dồn thẳng chúng ta vào bức tường kinh tế đình trệ và chủ nghĩa dân túy trên bình diện chính trị”.

Vấn đề trầm kha của kinh tế châu Âu nhiều năm qua là tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và khó khăn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nó là kết quả của việc năng lực cạnh tranh của nhiều nước châu Âu suy yếu, trong khi họ vẫn sử dụng đồng tiền chung nên chẳng có cách nào mà phá giá đồng tiền nước mình để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Đức, nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Âu, phản đối việc mua trái phiếu vì lo ngại rằng biện pháp kích thích kinh tế này sẽ khiến những nền kinh tế yếu nhất của khối, như Hy Lạp, có ít động lực để cải cách những chính phủ ngập trong nợ nần của họ.

Chủ tịch ECB vẫn khẳng định, chương trình mua lại nợ sẽ góp phần đẩy lạm phát tăng trở lại, nhưng ông Draghi khuyến cáo chính phủ các nước khu vực euro và Ủy ban Châu Âu không nên chỉ dựa vào chính sách tiền tệ, mà phải có chính sách đẩy mạnh đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù việc bơm tiền cho thị trường có thể cải thiện tình trạng giảm phát nhưng lượng tiền tràn ngập cũng mang lại nhiều rủi ro.

Gói QE lần này thực ra chỉ để bù lại số tiền 1.000 tỷ euro ECB đã rút về trong vòng hai năm qua. Sẽ là phản tác dụng nếu chuyển những rủi ro sang cho ngân hàng trung ương các nước và ECB không tạo được một chính sách tiền tệ thống nhất.

Tuy nhiên, dường như châu Âu không có nhiều sự lựa chọn để tăng tính linh hoạt cho nền kinh tế đã trì trệ quá lâu. Và vì thế, Mario Draghi được khen ngợi vì quyết định đột phá của mình.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết ““Super Mario” của Châu Âu”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề