Một bác sĩ tuyên bố rằng, con người có thể hồi sinh vài giờ sau khi họ dường như đã chết. Điều này mở ra hy vọng về việc cứu sinh mạng người từ tay của tử thần.
Bà Carol Brothers, 63 tuổi, không thể nhớ chính xác giây phút bà qua đời. Tuy nhiên, chồng của bà, David, có ký ức rõ ràng hơn về ngày đó cách đây 3 tháng, khi ông mở cửa ngôi nhà của họ ở Wiltshire và nhìn thấy vợ ngã lăn trên sàn, thở đứt quãng và sắc diện khuôn mặt nhanh chóng trở nên nhợt nhạt, tim ngừng đập.
May mắn thay, một người hàng xóm lớn tuổi nắm rõ các nguyên tắc cơ bản của việc cấp cứu hồi sinh tim – phổi (CPR) và nhanh chóng thực hiện những kỹ thuật đó.
Xe cấp cứu cũng mau chóng xuất hiện sau đó. Và khoảng 30 – 45 phút sau khi bà Carol bị đột quỵ (không ai nhớ rõ thời gian chính xác), tim bà Carol bắt đầu đập trở lại.
“Trong khi 45 phút là khoảng thời gian đủ dài để nhiều người tin đã vĩnh viễn mất bà ấy, chúng ta hiện biết một số trường hợp người vẫn được cứu khỏi tay tử thần 3, thậm chí 4 – 5 tiếng đồng hồ sau khi chết và về sau sống rất tốt”, tiến sĩ Sam Parnia, giám đốc phụ trách nghiên cứu hoạt động hồi tỉnh tại Đại học Stony Brook, nói.
Hầu hết mọi người coi việc tim ngừng đập đồng nghĩa với cái chết. Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết cho sự sống.
Các bác sĩ từ lâu tin rằng, nếu ai đó không có nhịp tim trong hơn 20 phút, bộ não của họ thường hứng chịu những tổn thương không thể cứu chữa được. Nhưng, theo tiến sĩ Parnia, hiện tượng này có thể phòng tránh được nhờ việc thực hiện tốt kỹ thuật CPR và chăm sóc sau hồi tỉnh cẩn thận.
Ông Parnia nhấn mạnh, điều tối quan trọng là ấn nén lồng ngực đúng tốc độ với lực phù hợp, giúp bệnh nhân không bị tràn ứ khí. Kỹ thuật CPR có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của máy móc. Các bác sĩ cũng có những cách thức mới để chăm sóc bệnh nhân sau khi tim của họ bắt đầu đập trở lại.
Như tiến sĩ Parnia lý giải trong cuốn sách mới của mình nhan đề “Hiệu ứng Lazarus” (hay “Xóa bỏ cái chết” trong ấn bản phát hành tại Mỹ), sau khi bộ não ngưng nhận nguồn cung oxy thường xuyên thông qua sự lưu thông máu, nó chưa bị diệt vong ngay lập tức mà rơi vào trạng thái ngủ đông – một cách chống lại quá trình tự phân rã.
Quá trình “đánh thức” bộ não ngủ đông như vậy có thể là thời điểm đầy rủi ro nhất, vì oxy có thể gây độc hại tiềm tàng ở giai đoạn này. Ông Parnia mô tả, hiệu ứng này giống như tác động của một đợt sóng thần tiếp sau một trận động đất, và cách ứng phó tốt nhất là làm mát bệnh nhân từ 37 độ C xuống còn 32 độ C.
“Liệu pháp làm mát thực sự hiệu quả vì nó làm chậm lại quá trình phân rã của các tế bào não”, ông Parnia cho biết thêm.
Tuấn Anh (Theo BBC)
Trả lời