Vung tay quá trán làm nông thôn mới, chủ nợ điêu đứng

Tình hình nợ nần của UBND huyện Phước Long khiến nhiều đơn vị lao đao theo, trong đó có không ít doanh nghiệp được UBND huyện hứa trả nợ nhiều lần nhưng chỉ trả nhỏ giọt.

Ông Trần Thanh Bình – đại diện Công ty TNHH một thành viên xây dựng Kiến Phát Hưng – cho biết doanh nghiệp của ông tham gia xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo kiểu ứng trước trả sau.

Chủ nợ điêu đứng

Từ năm 2013, UBND huyện Phước Long nợ doanh nghiệp hơn 10 tỉ đồng. Đòi trầy trật trong gần ba năm qua mới được trả khoảng 3 tỉ đồng, khiến doanh nghiệp ông khốn đốn khi phải gánh lãi tiền vay ngân hàng.

Tương tự, ông Lê Văn Kiệt, chủ DNTN Lê Văn Kiệt, nói doanh nghiệp ông bị thiếu hơn 3 tỉ đồng, mấy năm qua mới chỉ được trả khoảng một nửa.

Quá bức xúc, cuối tháng 9-2015, Công ty Kiến Phát Hưng cùng DNTN Lê Văn Kiệt gửi đơn đến UBND tỉnh Bạc Liêu đòi nợ, đồng thời cho biết các doanh nghiệp này có nguy cơ phá sản bởi không còn sức chịu đựng.

Ngoài nợ doanh nghiệp, trên 1.300 giáo viên trong huyện cũng khóc ròng khi nhiều tháng trời không có lương. Chị T., một giáo viên ở huyện này, tâm sự: “Tôi và nhiều giáo viên khác bị nợ lương tháng 7, 8 và 9. Huyện có giải thích là do khó khăn về ngân sách và đề nghị giáo viên chia sẻ nhưng ai hiểu cho khó khăn của chúng tôi”.

Một cán bộ làm việc tại một phòng của UBND huyện Phước Long cho biết cán bộ như chị hiện vẫn chưa nhận lương tháng 9 và tháng 10. “Tôi có con nhỏ, phải mượn tiền khắp nơi mua sữa cho con”.

Trong khi đó, vì thiếu tiền làm tiếp, một điểm trường ở xã Vĩnh Thanh xây dở dang rồi bỏ phế. Theo người dân địa phương, đây là Trường mầm non Tường Thắng A, được khởi công từ năm 2013, khi thi công được tầng trệt rồi ngưng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hậu – chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, Trường mầm non Tường Thắng A là điểm trường cho học sinh các ấp Tường Thắng A, B và ấp 10, đơn vị chủ đầu tư là Phòng giáo dục – đào tạo huyện Phước Long, trường bị ngưng xây dựng là do thiếu vốn nên học sinh phải học tạm ở nhà văn hóa ấp.

Còn ông Nguyễn Hữu Tới cho biết trường được xây dựng bằng nguồn vốn vận động xã hội hóa, xây được bấy nhiêu đó thì… hết vốn nên sẽ phải đợi có vốn mới xây tiếp.

Ưu tiên ngân sách để… trả nợ

Theo lãnh đạo huyện, không tiền trả lương giáo viên là do ngân sách huyện đã cạn, đang chờ hỗ trợ từ cấp trên. Nhưng khi được tỉnh rót bổ sung thì dòng tiền này lại ưu tiên chảy về túi các sếp và người thân.

Ngày 21-9, huyện Phước Long được tỉnh bổ sung trên 6,873 tỉ đồng. Trong ngày, số tiền này được Phòng kinh tế – hạ tầng huyện nộp vào tài khoản Ban quản lý quỹ an sinh xã hội – xây dựng nông thôn mới.

Từ tài khoản của quỹ này, 5,8 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của lãnh đạo huyện và người nhà của lãnh đạo huyện.

Cụ thể, chuyển cho bà Nguyễn Hồng Hoa (vợ của ông Trần Hoàng Duyên, nguyên bí thư Huyện ủy Phước Long) 1,8 tỉ đồng (bà Hoa vừa rời nhiệm sở), chuyển cho ông Lâm Thành Sáo (phó chủ tịch UBND huyện) 2,5 tỉ đồng, chuyển cho ông Nguyễn Hữu Tới (chánh văn phòng UBND huyện) 1,250 tỉ đồng và chuyển cho bà Phạm Thị Huệ (vợ ông Tới) 250 triệu đồng.

Tất cả chứng từ chuyển tiền kể trên do ông Nguyễn Trung Kết, trưởng Phòng lao động – thương binh và xã hội huyện Phước Long, ký chủ tài khoản.

Theo ông Kết, ông không phải là chủ tài khoản của quỹ an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, chỉ ký theo lệnh chi của chủ tài khoản là phó chủ tịch UBND huyện.

Ông Kết chỉ biết mục đích chi là trả nợ cho các cá nhân này. Còn trước đây mượn để chi vào việc gì thì ông Kết không biết.

Chúng tôi liên hệ với ông Trần Hoàng Duyên để hỏi về số tiền 1,8 tỉ đồng vợ ông nhận thì ông Duyên mới giải thích bằng một câu chuyện khác.

Ông Duyên nói: “Lúc này mình mua chịu ximăng trên Sóc Trăng. Người ta đòi. Mình mới vận động anh em cho mượn tiền để thanh toán bên kia. Khi nào có nguồn sẽ trả. Chúng tôi lựa ra mười mấy người nhưng cuối cùng chỉ có bốn, năm người cho mượn. Tui lấy sổ nhà đi vay ngân hàng. Nhưng lúc đó ngân hàng không cho vay. Tui phải động viên mượn chỗ này chỗ kia mới phát sinh nợ như vậy”.

Ông Phan Thành Đông cũng xác nhận ngân sách huyện có “mượn” của các cá nhân bên ngoài, nhưng mượn để… trả lương. Ông Đông nói việc ngân sách “mượn nợ bên ngoài” là do nội bộ lãnh đạo huyện Phước Long bàn bạc chứ không xin ý kiến cơ quan cấp trên.

Khi chúng tôi đặt vấn đề đến bao giờ huyện Phước Long sẽ trả dứt nợ cho các chủ nợ, ông Phan Thành Đông cho biết huyện đang xin hỗ trợ từ cấp trên, đồng thời tranh thủ nguồn bán tài sản công để trả nợ.

Rút kinh nghiệm

Tại văn bản cho chủ trương huyện ứng trước 50 tỉ đồng được ký vào tháng 9-2015, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng UBND huyện Phước Long nhận thức chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Đề nghị huyện rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thời gian qua và chủ động tìm biện pháp khắc phục khó khăn, giải quyết nợ đọng.

Riêng ông Nguyễn Hữu Tới thì nói với khoản tiền nợ 373 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới, nếu không đầu tư công trình gì, trong vòng ba năm tới huyện sẽ trả hết nợ.

Theo TTO


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề