Việt Nam can dự vào vụ Philippines kiện Trung Quốc thế nào?

TS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia về Luật Biển cung cấp cho Zing.vn thông tin về việc Việt Nam tham gia trong các phiên điều trần trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

Việt Nam can dự vào vụ Philippines kiện Trung Quốc thế nào?
Từ 7-13/7, Tòa Trọng tài Thường trực tổ chức phiên điều trần kín ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình các luận điểm quanh vụ kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA

Việc xác định bản chất và danh nghĩa của các thực thể biển tạo nên các vùng biển không đòi hỏi phán quyết về chủ quyền lãnh thổ nên quyền và lợi ích của các bên thứ ba, bao gồm Việt Nam, không cần thiết phải được xác định như điều kiện tiên quyết để xem xét nội dung vụ kiện.

Kết luận này của Tòa được ủng hộ bởi Việt Nam muốn hiện diện tại Tòa. Tòa có thể đánh giá tại sao Việt Nam cũng như các quốc gia láng giềng quan tâm đến tiến trình này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về Luật Biển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới tham gia đàm phán và phân giới cắm mốc Việt – Trung và Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.

“Đường 9 đoạn” là mục tiêu nêu ra trong luận điểm 1 và 2 của Philippines và trong Công hàm của Phái đoàn Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc phản đối hồ sơ chung về ranh giới Thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia năm 2009. Tòa cũng nhắc đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam với các thực thể nêu trong luận điểm 4 và 7 của Philippines.

Ngày 7/12/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Tuyên bố lưu ý Tòa lập trường của Việt Nam ‘nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích có bản chất pháp lý của mình trong Biển Đông… mà  có thể ảnh hưởng trong tiến trình trọng tài”.

Việt Nam cũng thể hiện mạnh mẽ ủng hộ “các nước thành viên Công ước Luật biển tìm kiếm giải quyết các tranh chấp của họ liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước… thông qua các thủ tục quy định trong Phần XV của Công ước”.

Tuyên bố nêu rõ “Việt Nam không nghi ngờ Tòa có thẩm quyền trong tiến trình vụ kiện” và mong muốn quyết định của Tòa có thể “làm sáng tỏ lập trường pháp ly của các bên trong vụ kiện này và của các bên thứ ba có quan tâm”. Việt Nam nhận xét vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định biển đã được cân nhắc loại bỏ khỏi yêu sách của Philippines.

Về nội dung vụ kiện, Việt Nam “kiên quyết phản đối và bác bỏ mọi yêu sách dựa trên đường 9 đoạn… không có cơ sở pháp lý, lịch sử và hiện thực nào và vì vậy vô giá trị”.

Đối với các thực thể được nêu trong Bị vong lục của Philippines, Việt Nam cho rằng “không một thực thể nào trong số đó có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và có danh nghĩa tạo nên các vùng biển vượt quá 12 hải ly vì chúng chỉ là các bãi chỉ nổi khi thủy triều thấp nhất hoặc là đá theo điều 121 của Công ước Luật Biển”.

Việt Nam ủng hộ Tòa áp dụng các điều 60, 80, 94, 194, 206, và 300 của Công ước. Việt Nam bảo lưu quyền bảo vệ các quyền và lợi ích của mình bởi bất kỳ biện pháp hòa bình thích hợp và cần thiết nào trong Biển Đông phù hợp với Công ước.

Việt Nam tuyên bố bảo lưu quyền được can dự nếu thấy cần thiết và phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc luật quốc tế bao gồm các điều khoản thích hợp của Công ước Luật biển.

Lập trường này của Việt Nam không có sự phản đối nào từ Philippines hoặc sự nhận xét từ tài liệu lập trường của Trung Quốc. Vì vậy Tòa để ngỏ khả năng Việt Nam can dự với điều kiện có đề nghị chính thức về sự can dự đó.

Giống như Việt Nam, các bên thứ ba như Malaysia, Indonesia, Thái Lan,, Brunei, Nhật Bản đều nhận được bản sao các tài liệu của Tòa và dự quan sát phiên điều trần.

 

TS Nguyễn Hồng Thao – ĐHQG Hà Nội (Zing)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề