Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết như trên trong cuộc trao đổi với báo chí về khó khăn ngân sách, bên hành lang Quốc hội ngày 2-11.
Ông Phùng Quốc Hiển nói: Căng thẳng cân đối thu – chi là chuyện của nhiều nước, đối với Việt Nam càng khó khăn hơn.
Trong những năm qua chúng ta thực hiện chính sách khoan sức dân, thực hiện miễn, giảm, hoãn về thuế để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cho nên huy động GDP vào ngân sách giảm, giai đoạn trước khoảng 26%, giai đoạn 2006-2010 khoảng 24,6%, giai đoạn này khoảng 21-22% thôi, thậm chí huy động GDP vào ngân sách năm 2015 chỉ đạt 19,4%.
Đi vào cụ thể, chúng ta thấy thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 32% xuống 28%, xuống 25%, rồi 22% và năm 2016 thì còn 20%. Thuế thu nhập cá nhân cũng giảm theo.
Phần lớn các nước khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, họ sẽ điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân để bảo đảm sự hài hòa. Còn chúng ta cả hai đều giảm, thậm chí thuế giá trị gia tăng cùng với thuế xuất nhập khẩu cũng giảm.
Rồi yếu tố giảm thu ngân sách do giá dầu, nguồn thu ngân sách hụt đến 63 nghìn tỷ vì các yếu tố liên quan đến dầu.
Mặt bằng chi thì không giảm, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt với người nghèo, người có công, hiện nay còn điều chỉnh chính sách nghèo đa chiều…
CÁI GÌ CẤP THIẾT THÌ LÀM TRƯỚC
Trong khi ngân sách khó khăn như vậy, người dân vẫn chứng kiến những khoản chi xây dựng tượng đài, bảo tàng, xe công,… Những khoản chi đó không cho thấy sự “thắt lưng, buộc bụng” cần thiết?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đó là câu chuyện đã xảy ra và người dân đều nhìn thấy.
Chính sách của Quốc hội đưa ra là tiết kiệm triệt để, trong đó có giảm chi thường xuyên. Chúng ta cắt ngay từ khâu dự toán là 10% rồi, cộng với các khoản chi hội nghị, khánh tiết…
Đặc biệt, năm nay chúng tôi đã dự thảo một nghị quyết mà ngày mai (3-11) Quốc hội sẽ thảo luận, có những điểm rất quan trọng, như hạn chế tối đa những hội nghị, hội thảo không cần thiết, và sẽ thực hiện cơ chế khoán xe công đối với một số chức danh.
Tất nhiên, tất cả những việc đó được đề xuất với tinh thần tiết kiệm, cơ cấu lại nguồn chi, nhưng chỉ là một phần.
Ta cứ nói 45.000 xe công, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, xe công không phải chỉ là xe cho những người có chức vụ quyền hạn, còn xe cứu thương, xe chở rác, xe quân đội, xe công an…
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng tượng đài có thể cần thiết nhưng không phải cấp thiết. Ông nghĩ sao?
Ông Phùng Quốc Hiển: Tất cả những việc này đều có sự phân cấp quản lý. Ở từng địa phương, người dân phải giám sát, kiểm tra xem có cấp thiết hay không.
Chúng ta phải hiểu rằng nhiều khi phải tính toán các yếu tố, không chỉ có tượng đài mà còn có quảng trường, vườn hoa,… để tạo ra quần thể.
Ví dụ, Hà Nội đang rất thiếu công viên, khu cây xanh làm nơi vui chơi, giải trí, thư giãn cho giới trẻ, trong công viên đó có thể có tượng đài các danh nhân, nhà văn hoá, trí thức lớn, người có công với đất nước. Các nước khác cũng vậy thôi.
Tất nhiên điều quan trọng nhất là trong thời điểm hiện nay, tượng đài đó có thực sự ưu tiên.
Vấn đề của chúng ta là phải bảo đảm trật tự ưu tiên, cái gì cấp thiết thì làm trước.
Là chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, ông có chia sẻ lo lắng trước những căng thẳng ngân sách, phải vay mượn để chi tiêu?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đó là điều đương nhiên rồi. Nếu thu được để chi là hạnh phúc nhất. Với các quốc gia đang phát triển như nước ta thì phải có đầu tư, do thu chi chưa cân đối được cho nên phần lớn đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta là phải đi vay, ví dụ như vay ODA.
Cần khẳng định rằng chúng ta vay về là để đầu tư phát triển chứ không phải chỉ để “ăn”.
Nhưng, như các đại biểu Quốc hội đã nói, làm sao để cân đối giữa chi đầu tư và chi thường xuyên, phải dành một phần cho đầu tư, không nên tất cả cho chi thường xuyên.
Ở các nước khi căng thẳng ngân sách thì một trong những việc đầu tiên là cắt giảm chi tiêu công, giảm người làm công ăn lương từ ngân sách. Ví dụ như Nga mới đây đã cắt giảm 110.000 viên chức chính phủ. Sao chúng ta không tính đến việc này?
Ông Phùng Quốc Hiển: Cái gì cũng có hai mặt. Chúng ta đã bắt đầu tinh giản biên chế, cứ 2 người nghỉ mới có 1 người vào, tức là “2 ra 1 vào” theo lộ trình.
Nếu làm thành cú sốc thì không được, không thể sa thải hàng loạt ngay và cũng không thể không tuyển người mới, vì có những bạn sinh viên tài năng thì chúng ta phải thu hút vào bộ máy chứ. Chúng ta làm từng bước, đến một giai đoạn bộ máy sẽ tinh giản…
Làm từng bước liệu có khả thi, ví dụ như khoán xe công cũng đã được nói tới cả chục năm nay rồi nhưng không có nhiều sự chuyển động, thưa ông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta phải có quyết tâm. Việc này (khoán xe công) sẽ theo một Nghị quyết của Quốc hội nếu Quốc hội đồng ý ban hành Nghị quyết, và Quốc hội sẽ giao Chính phủ thực hiện.
KHÔNG BAO GIỜ NÂNG TRẦN NỢ CÔNG
Khó khăn của ngân sách hiện nay không chỉ vì gánh nặng chi thường xuyên mà còn vì sự lãng phí trong đầu tư công, thưa ông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta phải cương quyết nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện minh bạch, công khai, có kiểm tra.
Luật đầu tư công đã có thay đổi rất căn bản, và tới đây trong nghị quyết của Quốc hội phải giải quyết rất căn bản bằng cơ chế chính sách, khi cơ chế chính sách được xử lý tốt thì mới tránh được.
Ví dụ, vừa rồi Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 dù còn ý kiến khác nhau, nhưng cũng là lần đầu tiên chúng ta thấy các công trình sau khi được thi công còn có những khoản dôi ra. Có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là tổ chức thi công tốt, cấp trên tích cực chỉ đạo… Những việc như vậy sẽ dần dần thay thế cho những yếu kém.
Chính phủ vừa trình Quốc hội cho phép trong năm 2015 và 2016 bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thu về khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây là khoản thu một lần, vì vậy khi đưa nguồn thu này vào cân đối ngân sách nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước tăng chậm, thì việc cân đối NSNN từ năm 2017 sẽ rất khó khăn. Ông nghĩ sao?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đây là những khoản thu mang tính cá biệt. Những cái đó để bù đắp vào ngân sách do giá dầu sụt giảm.
Ở đây, có ý kiến nói rằng giá dầu tụt mạnh như vừa qua là bị lũng đoạn, không thể giá dầu cứ thấp như thế mãi được.
Hơn nữa, trong số 40.000 tỷ đồng đó thì chỉ có 10.000 tỷ đồng là cân đối ngân sách, còn 30.000 tỷ đồng là thoái vốn để đầu tư phát triển, chứ không phải để “ăn” nên không ngại chuyện đó.
Vấn đề là làm thế nào để cân đối ngân sách?
Ông Phùng Quốc Hiển: Đây là vấn đề hết sức cơ bản. Tới đây chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán NSNN. Chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay nợ 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm.
Trong xây dựng dự toán, còn có xây dựng dự toán theo phương thức cuốn chiếu, đó là 1 năm dự toán, 2 năm dự báo. Ví dụ Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2017 thì sẽ có hai cột dự báo là 2018 và 2019. Dự báo đó là dựa trên cơ sở kế hoạch 5 năm.
Về đầu tư công thì làm cho mọi người đều biết tổng đầu tư công quốc gia là bao nhiêu, từng địa phương là bao nhiêu, vốn cho các chương trình như thế nào. Cho nên chuyện địa phương cứ trông chờ vào trung ương hoặc không biết mình có bao nhiêu tiền sẽ được giải tỏa, sẽ có kế hoạch để các địa phương chủ động.
Có phải là địa phương không lo lắng ngân sách, mà chỉ trung ương?
Ông Phùng Quốc Hiển: Vì những yếu tố vừa qua, ví dụ như giá dầu thì chỉ ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương. Nói chỉ trung ương lo là không phải đâu. Anh nào cũng lo cả thôi. Đi làm việc với địa phương mới thấy chuyện này không đơn giản.
Vấn đề là làm thế nào phân cấp cho rõ giữa trung ương – địa phương, phân bổ ngân sách cho 5 năm tới cũng phải rõ ràng để các địa phương chủ động. Từ chủ động đó, nếu địa phương nào đầu tư quá mức, nhất là quyết định một dự án mà không tính được nguồn thì phải chịu trách nhiệm.
Trước đây thì không có việc này, cứ quyết định mà không biết lấy từ đâu, rất lung tung, thì nay rất rõ ràng, ai ký thì phải chịu trách nhiệm.
Trong tương lai gần ta có phải điều chỉnh nâng trần nợ công?
Ông Phùng Quốc Hiển: Quan điểm của tôi là không bao giờ, chỉ có làm cho giảm đi. Ngay trong định hướng đến năm 2020 thì trần nợ công phải giảm nữa, không phải ở mức 65%/GDP và bội chi cũng phải giảm nữa, theo thông lệ quốc tế. Có như thế thì mới bảo đảm an toàn tương lai.
Theo TTO
Trả lời