“Ông trùm” hàng hiệu

Tại một hôi nghị kinh doanh năm ngoái tổ chức tại trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM), phiên nói chuyện của chủ tịch tập đoàn xuất, nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) Johnathan Hạnh Nguyễn diễn ra trong giờ ăn tối nhưng khán phòng không còn ghế trống, nhiều khách tới trễ đứng bên lề lối đi. Trong phát biểu của mình, doanh nhân này liên tục nhấn mạnh: “TPP là cơ hội của tôi.”

Ba từ TPP tiếp tục được ông Hạnh nhắc đến tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tập đoàn tổ chức vào tháng 5.2015. Tiếp theo ông nói là “cơ hội”, “sự chờ đợi trong nhiều năm” và “thuế suất sẽ thay đổi.” Sau 30 năm lăn lộn thương trường, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, doanh nhân 64 tuổi, người đứng đầu một gia đình kinh doanh nổi tiếng hơn cả trong giới giải trí này đang kỳ vọng các hiệp định TPP và FTA sẽ đưa IPP bước sang giai đoạn “nở hoa”, khi các nhanh kinh doanh chủ chốt như thời trang hàng hiệu, rượu cao cấp hưởng thuế suất giảm mạnh so với mức hai con số hiện nay.

Hiện tại, bóng dáng của IPP hiển diện ở nhiều nơi. Ở nhánh kinh doanh thời trang với hệ thống 80 cửa hàng, tập đoàn đang phân phối các thương hiệu từ xa xỉ như Chanel, Rolex hay bán các sản phẩm hạng trung phổ biến hơn như Nike, Tommy Hilfiger. Về kinh doanh nhượng quyền, từ năm 2010, IPP đã đưa năm thương hiệu thức ăn nhanh gồm Burger King, Popeyes Chicken, Domino’s Pizza, Dunkin’ Donuts và Illy Café về Việt Nam. Dù trong thời gian đó, người tiêu dùng có xu hướng thắt lưng buộc bụng vì khó khăn kinh tế, IPP vẫn nâng chuỗi cửa hàng lên con số 80.

Ngoài chuỗi cửa hàng thời trang hàng hiệu và thức ăn nhanh, tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất diện tích mặt bằng kinh doanh của IPP trực tiếp khai thác và hợp tác lần lượt chiếm 40% và 25% diện tích khu thương mại. Ở Hà Nội, IPP đang khai thác thương mại Tràng Tiền Plaza, khu mua sắm rộng 18 ngàn m2 có vị trí đắc địa nhất nhì thành phố. Riêng các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm do IPP quản lý đã lắp đầy hai tầng lầu trung tâm mua sắm này. Tại TP.HCM, Johnathan cũng rót bốn triệu đô la Mỹ vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại tầng trệt khách sạn Rex.

Với tập đoàn IPP, gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn kiểm soát bốn nhánh kinh doanh gồm thời trang cao cấp, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền, kinh doanh trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng miễn thuế. Nhánh cuối cùng, phân phối rượu các sản phẩm cao cấp của Hennessy như XO, Rémy Martin, Glenmorangie, IPP liên doanh với tập đoàn Moet Hennessy. Ông Hạnh cho biết, năm ngoái IPP nộp hơn 1.200 tỉ đồng tiền thuế. Mảng phân phối rượu đóng góp tới 2/3. Đây là lĩnh vực duy nhất tập đoàn có lãi trong nhiều năm qua. Hoạt động kinh doanh của IPP lãi có, lỗ có, có mảng mới đạt đến điểm hòa vốn nhưng chiến lược của tập đoàn là “bao sân,” “bù đắp qua lại” nên cuối cùng “vẫn sống.”

“Các mảng kinh doanh của tôi bổ sung cho nhau: hàng hiệu – thức ăn nhanh – cửa hàng miễn thuế. Mua xong là ăn. Ăn xong là mua,” ông Hạnh giải thích về việc bỏ ra hơn 400 tỉ đồng trở thành cổ đông chiến lược của công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Theo ông Hạnh, 30 năm qua, IPP đã rót 535 triệu đô la Mỹ đầu tư vào nhiều hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2014 tập đoàn đạt doanh thu 580 triệu đô la Mỹ và kỳ vọng cuối năm 2017 cán mốc một tỉ đô la Mỹ.

Ông chủ IPP tới buổi phỏng vấn trong bộ comple màu xanh đậm, cà vạt hồng chỉn chu. Ông được các phương tiện truyền thông nội địa gán cho biệt danh “ông vua hàng hiệu” vì đang nắm 38 thương hiệu cao cấp, trong đó có những dòng xa xỉ như Versace, Chanel, Cartier, Burberry, Bulgari. Theo ông, tính đầy đủ số lượng các thương hiệu trung cao cấp thì IPP chiếm khoảng hơn 40% thị phần, nhưng nếu chỉ tính nhóm cao cấp thì IPP nắm 70% , bởi vậy “gọi vậy cũng không sai.”

Khu Arcade ở khách sạn Rex, ngay trung tam TP.HCM

Khu Arcade ở khách sạn Rex, ngay trung tam TP.HCM

Các mặt hàng thời trang xa xỉ giá đắt đỏ nhưng không hản là con gà đẻ trứng vàng. Suất đầu tư mỗi cửa hàng có thể lên tới bốn triệu đô la Mỹ vì cửa hàng rộng từ 200 m2 – 400 m2 đặt tại các khu mua sắm năm sao như Rex Arcade, Union Square hay Tràng Tiền Plaza. Với giá bán mỗi sản phẩm từ vài ngàn tới vài chục ngàn đô la Mỹ, người mua chủ yếu thuộc giới nhà giàu mới nổi, những ngôi sao giải trí và khách du lịch. Đầu tư lớn, khách hàng chọn lọc nên trung bình một thương hiệu thời trang cao cấp, theo ông Hạnh, mất 5 năm để đạt tới điểm hòa vốn. Sau đó, tỉ suất lợi nhuận (nếu có) cũng chỉ ở mức 3 – 5%.

Các nhãn hiệu thời trang cao cấp trong hệ thống 80 cửa hàng do tập đoàn IPP khai thác.

Các nhãn hiệu thời trang cao cấp trong hệ thống 80 cửa hàng do tập đoàn IPP khai thác.

Kinh doanh thời trang hàng hiệu ở Việt Nam những năm qua bên cạnh IPP nổi lên thêm một vài tên tuổi, đáng kể nhất là OpenAsia Group, Maison. Thị trường phân hạng ngôi thứ. Nếu IPP và OpenAsia Group hướng các thương hiệu xa xỉ nhất như Hermès, Versace, Chanel… thì Maison nhắm đến các thương hiệu hàng hiệu thấp hơn cỡ Charles & Keith, Bebe… Gần đây, danh sách nhãn hàng xa xỉ trong tay Johnathan được kéo dài thêm. Không chỉ các thương hiệu cũ tái ký hợp đồng, thương hiệu mới bén duyên, một số tên tuổi lớn hết hợp đồng với đối tác cũ, rẽ lối chọn gắn bó với IPP. Tại sao?

Chia sẻ về bí quyết, câu đầu tiên ông nói: “Bà xã tôi là tổng chỉ huy nhưng chuyện gì thì chuyện chứ đích thân bà phải đi chọn hàng.” Bà xã của ông là cựu diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên. Rồi sau đó: “Tôi biết trước mặt bằng đó là họ chấm. Buôn có bạn bán có phường, không đời nào thương hiệu lớn chạy sang mấy chỗ lóc cóc leng keng. Họ hỏi ai kế bên? Là Cartier, Ferragamo, kế bên nữa là Rolex, Burberry. Ông chủ nào dám bảo đảm những thương hiệu ấy. Cuối cùng qua tay tôi hết.” Cuối cùng ông nêu triết lý kinh doanh: “Khi làm ăn phải nghĩ có người có ta. Mình thắng, người ta cũng thắng. Tỉ lệ 50-50. Cùng lắm là 49-50, đôi bên cùng lợi.” “Ai 51” – người viết bài hỏi. “Tôi muốn 51, không được thì mình phải nhường,” ông cười.

Mảng kinh doanh nhượng quyền thức ăn nhanh những năm qua ngốn không ít tiền của ông Hạnh nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Suất đầu tư cho một cửa hàng trên dưới 200 ngàn đô la Mỹ, thậm chí như Burger King tốn kém 500 ngàn đô la Mỹ vì phải xây dựng hệ thống bếp đạt tiêu chuẩn. Trong bốn năm trở lại đây, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam hội tụ các “anh tài” của thế giới như McDonald’s, Starbucks, Burger King, Subway, Coffee Bean & Tea Leaf… nên cạnh tranh gay gắt. Theo ông Hạnh, nhượng quyền là mảng kinh doanh IPP đang gặp nhiều thách thức nhất. Đến nay chỉ Dunkin’ Donuts, Illy đạt tới điểm hòa vốn. Popeyes Chicken và Domino’s Pizza “nặng nợ”, còn Burger King, cửa hàng đầu tiên khai trương vào cuối năm 2012, ban đầu dự kiến đạt điểm hòa vốn sau 5 năm nhưng IPP vừa dự phòng thành 7 năm. Có tin đồn doanh nhân này đang muốn rút một chân ra khỏi cuộc chơi khi tính bán “combo” Burger King kèm Dunkin’ Donuts. Khi Forbes Việt Nam đề cập, ông phủ nhận: “Tôi chỉ bán cái gì có lãi, bán cái lỗ sẽ bị người ta ép.”

“KHI LÀM ĂN PHẢI NGHĨ CÓ NGƯỜI CÓ TA. MÌNH THẮNG, NGƯỜI TA CŨNG THẮNG. TỈ LỆ 50 – 50. CÙNG LẮM LÀ 49 – 51, ĐÔI BÊN CÙNG LỢI.”

“Ông trùm” hàng hiệu tiếp Forbes Việt Nam trong phòng họp tại trụ sở công ty nằm ở lầu 7 cao ốc Opera View trên đường Đồng Khởi (TP.HCM). Trong phòng, trên kệ ông đặt nhiều ảnh chụp lưu niệm với nhiều quan chức và một số ông chủ các hãng thời trang danh tiếng. Trên tường bốn phía treo kín bằng khen, giấy chứng nhận mà ông tuyên bố một cách tự hào là đã nhận được 264 cái. “Việt Nam không quan trọng nhưng nước ngoài, họ vào thấy mình treo huân huy chương như anh hùng đặt bút ký ngày,” ông giải thích rồi lát sau cao hứng: “Tại sao nhà tôi có bốn cái Rolls – Royce, một cái Maybach, ba cái Bentley? Đối tác đi hai chuyên cơ tới mình phải cho xe áp sát máy bay đón. Doanh nghiệp Việt Nam hàng tỉ đô la mà bèo nhèo đi Toyota thì người ta đánh giá.” “Ông trùm” kinh doanh hàng hiệu kể thường ngày trang phục thích nhất là dép da, áo buông còn đối ngoại “đi gặp ông Chanel phải bận đồ Chanel, đi gặp Louis Vuitton phải diện đồ Louis Vuitton.”

Sau 30 năm, vị doanh nhân này chưa muốn dừng lại. Dự định kế tiếp của ông là đầu tư hai trung tâm biểu diễn nghệ thuật quy mô đầu tư 250 triệu đô la Mỹ gắn với khu thương mại và mua sắm ở Hà Nội và TP.HCM, nằm trong chiến lược tổng thể thu hút du khách quốc tế thưởng thức nghệ thuật và mua sắm. Trước mắt, ông đang trông đợi TPP và FTA vì nhìn thấy cơ hội lớn khi các hiệp định thương mại này được thông qua. Theo đó trong các mảng kinh doanh của IPP, các mặt hàng xa xỉ như rượu và hàng hiệu sẽ có thuế suất giảm mạnh so với mức hai con số hiện nay. Ông nói: “Thuế giảm, tiền đi đâu? Tiền sẽ chảy vào túi tôi.”

Trí Lê (Theo Forbes VN


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề