Từ xưa đến nay, hình như chẳng ai nói rằng, nhà sư phải làm kinh tế để tự nuôi mình và cứu độ chúng sinh bằng truyền Phật pháp mà hầu hết đều cho rằng, nhà tu hành phải sống bằng sự bố thí của chúng sinh, vì thế mới có những nhà sư mang bát đi khất thực…
Vậy mà ở Việt Nam, có một nhà tu hành, nhưng đồng thời còn là một doanh nhân giỏi và điều đáng để chúng ta suy ngẫm là ông đã mang tư tưởng, chân lý của Phật giáo vào làm kinh tế. Đó là Thượng tọa Thích Huệ Đăng, Giảng sư Trung ương GHPGVN, Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội phó Hội Hoa lan Đà Lạt, Hội viên Hội Doanh nghiệp Lâm Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam.
Ở đời, đúng là vạn sự tùy duyên. Bấy lâu nay, ta cứ hay nói đến “nhân duyên” thì quả là đúng thật. Có “nhân” mà không có “duyên”, khác nào có hạt lúa gieo xuống nhưng lại không gặp mưa đúng lúc.
Hình như giữa tôi và Thượng tọa Thích Huệ Đăng có cái “duyên” thì phải, nên sau cuộc đàm luận ngắn ngủi với Thượng tọa tại Tòa soạn Báo Năng lượng Mới, tôi cứ bị ảm ảnh…
Sau buổi gặp ấy, tôi có gọi điện khoe với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay khi nghe tôi nói, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói như reo lên: “Thế à. Thượng tọa Huệ Đăng là thầy tôi đấy. Thượng tọa uyên bác lắm…”.
Trời ạ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, nguyên là cử nhân của Trường Đại học Kinh tế, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), một người từng học tập và tu hành tại Ấn Độ, Đài Loan, nói tiếng Anh, tiếng Tàu như gió, là giảng sư về môn Lịch sử Phật giáo – mà đã gọi là “thầy”, thì ắt không phải là người thường.
Và thế là tôi lên Đà Lạt, đến nơi Thượng tọa đang tu hành và đang… sản xuất! Đó là Công ty TNHH Sâm Ngọc Linh, nằm cạnh một nơi du lịch nổi tiếng của Đà Lạt – Hồ Tuyền Lâm.
Tranh thủ lúc Thượng tọa đi Hà Nội chưa về kịp, một đệ tử của thầy và cũng là một bác sĩ, Chủ tịch HĐQT của 2 công ty dược khá danh tiếng đưa tôi đi thăm cơ ngơi của Thượng tọa – đó là nơi thờ tự, các mật thất để tu luyện theo Mật Tông, và luyện yoga theo phương pháp của Thượng tọa; rồi các khu trồng phong lan và đặc biệt ấn tượng là các khu trồng sâm Ngọc Linh và các phân xưởng cấy mô nhân giống sâm Ngọc Linh…
Nơi thờ tự của Thượng tọa Thích Huệ Đăng rất trang nghiêm, nhưng cực kỳ giản dị và không giống bất cứ ngôi chùa nào mà tôi đã biết. Và đặc biệt là không có khói hương nghi ngút, cũng không có lò đốt vàng mã, tiền giấy.
Tòa nhà vừa là văn phòng làm việc vừa là nơi thờ tự của Thượng tọa, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Phật giáo Nhật Bản, nom như một con chim đang xòe hai cánh.
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi, đó là những khu nhà trồng phong lan và nhà trồng sâm Ngọc Linh.
Không thể thống kê hết được rằng, hiện nay ở đây có mấy trăm nghìn cây sâm và có bao nhiêu gốc phong lan. Mà chỉ biết rằng, doanh thu về phong lan của Thượng tọa Thích Huệ Đăng mỗi năm trung bình từ 3-4 tỉ. Số tiền này ngoài việc dùng để chi trả lương cho hơn 50 công nhân đang làm việc tại đây (tất cả đều có trình độ đại học và trên đại học), rồi để tái sản xuất và quan trọng nhất là dành cho việc nuôi cấy, trồng sâm Ngọc Linh. Còn thừa đồng nào Thượng tọa đem in Kinh Phật và các bài luận giảng của mình về Kinh Phật mang đi biếu không cho đệ tử khắp nơi. Chỉ riêng trong 2 năm 2013-2014, Thượng tọa đã in 7.000 bộ luận giảng về Kinh Phật và các bộ khai thị luận do Thượng tọa viết mà mỗi một bộ sách này là 18 cuốn, cuốn mỏng nhất cỡ 150 trang.
Có lẽ, phải khẳng định rằng, Thượng tọa Thích Huệ Đăng là nhà tu hành làm doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng là người đã được cấp bằng độc quyền sáng chế về cấy mô sâm Ngọc Linh.
Thượng tọa cũng là người duy nhất không cần đến sự trợ giúp của chúng sinh và đệ tử, mà Thượng tọa chính là người mang tiền do mình kiếm ra đi cứu độ cho chúng sinh.
Đây chính là một điểm khác hoàn toàn của Thượng tọa Thích Huệ Đăng so với các nhà sư hiện nay.
Các nhà trồng phong lan và trồng sâm Ngọc Linh đều được nuôi trồng theo công nghệ cao. Hệ thống chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, hệ thống tưới nước đều được tự động hóa. Còn trong các phân xưởng cấy mô sâm Ngọc Linh thì như một phòng thí nghiệm rất hiện đại và quy trình bảo vệ, giữ gìn vệ sinh ở đây cực kỳ nghiêm ngặt.
Chúng tôi muốn chụp ảnh thì chỉ được đứng ngoài cửa kính chứ không được bén mảng vào trong phòng.
Riêng hệ thống điều hòa nhiệt độ của hệ thống nuôi trồng sâm cũng được Thượng tọa đầu tư hơn 1 tỉ đồng.
Toàn bộ khu trang trại trồng phong lan và sâm Ngọc Linh được bảo vệ nghiêm ngặt mà tôi chưa từng thấy, đó là hệ thống camera 42 chiếc; hệ thống báo động khi có người đột nhập; và bên cạnh đó là hàng chục chú cảnh khuyển. Thầy nằm ở trong phòng của mình vẫn có thể theo dõi được tất cả hoạt động của toàn bộ tòa nhà và các khu trồng phong lan, trồng sâm Ngọc Linh.
Cơ sở nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh của Thượng tọa xem ra thì có vẻ đơn giản nhưng cũng được tự động hóa rất cao. Một ví dụ nhỏ là trước đây, mỗi ngày phải cần 14 công nhân rửa chai lọ nhưng thầy đã đầu tư một hệ thống rửa chai tự động và nay chỉ cần 1 người làm mà công việc chủ yếu là soi xem bình thủy tinh đó đã được sạch hay chưa.
Thượng tọa trồng sâm Ngọc Linh và mơ ước sẽ có một ngày mang những cây sâm thầy trồng phát cho nhân dân, để sâm Ngọc Linh – một cây thuốc quý bậc nhất thế giới sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Và hy vọng ngày đó sẽ không còn xa nữa, bởi số lượng sâm Thượng tọa trồng hiện nay đã rất nhiều và cũng cho những kết quả mà ngay lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ khi đến cơ sở của thầy cũng đã phải thốt lên: Chưa một doanh nghiệp Nhà nước nào có thể làm được như thế này.
Nhưng thôi, chuyện về cây sâm Ngọc Linh cũng như chuyện thầy đi trồng phong lan, bán phong lan và chuyện thầy tu hành, rồi trở thành một đại sư yoga… chúng tôi sẽ đề cập đến trong một phóng sự khác.
Còn trong phóng sự này tôi muốn nói về những quan điểm của thầy, mà đó là những tư tưởng, chân lý của Phật giáo về việc làm kinh tế hiện nay.
Thầy giảng thế này: “Sự thật là ngày nay cư sĩ dễ hơn tu sĩ trong việc tu. Vì người tu ra ngoài chợ mà bán dứa thì người ta chửi, người tu phải nhẫn nhục, chịu đựng. Còn cư sĩ thì rất dễ, người đời mà, mà Đạo và đời trong tứ chúng của Tăng đoàn Đức Phật có bốn hạng người: tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di… đều có thể hành được mà không phân biệt. Tuy nhiên, cư sĩ ngược lại cũng khó hơn các vị tu sĩ ở chỗ bị ràng buộc nhiều bởi danh lợi tình, nếu chuyển hóa được danh lợi tình thì sẽ đạt được. Phải đối đầu với danh, lợi tình, vì mở mắt thức dậy các vị đã phải đối đầu, đụng chạm ngay với danh, lợi, tình… Người tu sĩ ít phải đối đầu hơn vì họ ở chùa. Vậy phải làm sao mình chuyển hóa được thành tình thương chân thật đối với cộng đồng thì danh lợi tình mới thành ra Trí Tuệ. Hai bên cư sĩ và tu sĩ đều gặp khó, mỗi bên có những cái khó khác nhau.
Làm thế nào để chuyển hóa được cái danh và cái lợi?
Đó là khi mình chuyển hóa được cho cộng đồng, biết dừng lại được đúng thời đúng lúc. Nếu làm doanh nghiệp không có lợi nhuận hay thành công thì đừng làm. Ai cũng mong cầu nhiều lợi lạc nhưng mà sử dụng đồng tiền thế nào để đừng mất tâm, cái đó là quan trọng nhất của cuộc đời mình không bị lệ thuộc, giả dối chiếm lĩnh.
Như sâm Ngọc Linh ở Việt Nam này. Tôi dùng Callus sinh khối từ sâm Ngọc Linh đem biếu cho những người bệnh. Cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý của quốc gia, mà mình làm được sinh khối để đem biếu cho người chữa bệnh. Vậy nếu đem bán thì bán bao nhiêu? Bán ra thì những người làm giả sẽ xen vào, trong khi chưa hoàn chỉnh quy trình, mình ham tiền bán ra là người làm giả xen vào để phá ngay. Thà chịu khổ một chút để đem biếu thì người ta không phá được, vì trên thị trường không có Callus sinh khối sâm Ngọc Linh. Làm ra đồng tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đừng mất Tâm. Nếu mình bán ra ba triệu, năm triệu thì rất dễ nhưng làm sao để giữ được uy tín đừng để mất Tâm ban đầu vì tôi đã nguyện: “Lấy Tâm làm Cha; Lấy Trí tuệ làm Mẹ; Lấy cộng đồng làm quyến thuộc”.
Gần ba chục năm trước, tôi đến Đà Lạt với hai bàn tay trắng và một túi nải… quần áo. Theo lời Phật, tôi nhập thế, bằng cách tự mình nuôi trồng phong lan để kiếm sống, mà không mang bát đi khất thực. Để trồng được địa lan, rất cần phân bò và thế là tôi hót từng đống phân bò đem về ủ. Phật dạy rằng: “Gian khổ là nấc thang thành công của người trí, cũng là vực thẳm của kẻ hèn nhát và lười biếng”. “Dao bén nhờ mài trên đá, người trí nhờ luyện nơi đời”. Phải có sự trải nghiệm để phát hiện kỹ năng.
Phải nói thêm rằng, muốn thành công, người tu hành phải có bốn đoạn đường: Đoạn thứ nhất là hành giả, tức là người tu; đoạn đường thứ hai là học giả, đoạn đường thứ ba là sứ giả rồi cuối cùng mới đạt thành tựu giả là Trí Tuệ giải thoát.
Trước nhất là tu, sau phải học, thứ ba là phải đi dạy và hoằng pháp dạy người để có trải nghiệm và ba cái đó cộng lại mới là thành tựu giả.
Nhưng điều buồn là bây giờ chúng ta thường bỏ qua hành giả nên không đạt được thành tựu giả.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua bốn bước này để thành tựu. Nhưng thế hệ chúng ta bây giờ làm được như Đức Phật được không?
Kinh Bát Nhã Đức Phật thuyết 22 năm từ Sơ Địa đến Thập Địa, tôi rút lại còn một đoạn đường như vậy, rồi còn tới Đẳng Giác và Diệu Giác tương ứng qua các giai đoạn điều thân, điều tức và điều tâm. Nhưng mà mình có làm được hay không là chuyện khác, việc này có một lộ trình rất rõ ràng. 5 năm cầu pháp là điều Thân, 6 năm khổ hạnh là điều Tức, 49 năm mang đi xin ăn là điều Tâm. Và khi đã điều được Tâm thì Trí Tuệ mới hiện bày ra. Muốn có Trí Thức thì phải học tập. Nhưng muốn có Trí Tuệ thì phải chấp nhận nhập thế hành Bồ Tát Đạo.
Lộ trình ứng dụng Trí Tuệ và sức khỏe vào cuộc sống để có an lạc và hạnh phúc trên tinh thần Thập Độ Ba La Mật của Bát Nhã lấy Bát Nhã chia ra làm mười lộ trình.
Chúng ta giờ phải ứng dụng làm sao để phù hợp với cuộc sống của một doanh nghiệp, một người nhập thế của hiện tại ngày nay, chứ không phải tới chùa mới là tu, mà chúng ta tu ngay nơi việc làm của mình để phát huy được kỹ năng của chính mình.
Khi một người sanh ra, vào chùa lúc 6 tuổi rồi đến khi học đại học mất đi 17 năm, qua Ấn Độ học 8 năm nữa lấy tầm bằng tiến sĩ, về nhận một chức vụ của giáo hội, thành ra học giả chứ không phải là hành giả. Ở đây chúng ta là người tu sĩ chứ không phải là học sĩ, chỗ này hiện nay phần nhiều đang bị kẹt. Đã là người tu, người xuất gia là tu sĩ thì phải có tu qua mới đạt tới hành giả, rồi đem trải nghiệm đó ra dạy người rồi mới trở thành thành tựu giả được, đây đang là một lỗ hổng rất lớn trong hệ thống đào tạo tăng tài của chúng ta.
Nếu chúng ta có cái Tâm rộng lớn thì trí rộng lớn, trí rộng lớn thì đức rộng lớn, đức rộng lớn thì phương tiện rộng lớn, phương tiện rộng lớn thì uy tín rộng lớn, uy tín rộng lớn thì cộng đồng rộng lớn.
Ví dụ như ở một doanh nghiệp có được những người quản lý và người điều hành là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành biết được Chân lý của Phật giáo, từ đó phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để có được tâm rộng lớn thì có trí rộng lớn, trí được như vậy thì đức rộng lớn thì ứng dụng vào quản lý và điều hành rất khác so với những người không hiểu Chân lý.
Tại sao vậy? Vì với họ công ty, là phương tiện để hành cái Tâm rộng lớn vì cộng đồng để hiển bày đạt được Trí Tuệ.
Họ không nghĩ tới lợi ích riêng cá nhân họ, mà công ty để luyện cái Tâm hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng, luyện cái trí đó, luyện cái lực đó và luyện cái kỹ năng đó, tạo ra của cải vật chất để tự lo cho mình, cho người thân, và cho cộng đồng. Họ biết cuộc đời này chết đi rồi cũng bỏ lại, nên chỉ mượn cái công ty đó làm phương tiện hoàn thiện kỹ năng Trí Tuệ chính mình. Họ dùng cái Tâm để tạo ra của cải vật chất, cho nên họ luôn phấn đấu đến phải làm hàng hóa có chất lượng cao, phải chăm lo cho người làm công, phải đóng góp lớn nhất cho xã hội…
Chúng ta mượn phương tiện (công ty) này là để rèn luyện cái Tâm, làm sao cho phát triển kỹ năng, chứ không phải là để mình thu lợi cho cuộc sống riêng thỏa mãn cho cá nhân mình, nếu vậy thì thành ra cái Tâm nhỏ hẹp. Khi chúng ta biết được chân lý của Phật giáo thì chúng ta mượn cái phương tiện của doanh nghiệp là để phát huy Trí Tuệ, phát huy Tâm Lực của mình.
Để tìm ra Chân lý, Đức Thích Ca Mâu Ni là một Thái tử phải mang bát đi xin ăn, chỗ này cũng là vì Ngài mượn cộng đồng để phát huy Tâm Lực và Trí Lực của Ngài, chứ không phải vì để cất chùa cao, đúc tượng lớn. Khi vua cha Tịnh Phạn năm lần sai sứ giả mời Ngài về để cất cho một tịnh xá và nuôi hết tăng chúng nhưng Ngài đều từ chối.
Bây giờ, người ta đua nhau xây cất chùa cho to, đúc nhiều tượng Phật, rồi đua nhau cúng kiếng, lễ bái, dâng lên Phật đủ thứ sơn hào hải vị, thậm chí đua nhau nhét tiền vào tay tượng Phật và cứ nghĩ đó là “thành tâm”, thật là nhầm?
Ta phải nghĩ rằng, khi chúng ta đến lạy Phật là chúng ta kính lạy một bậc giác ngộ, một tấm gương về đạo đức, lạy một bậc trí giả, người đã giác ngộ hoàn toàn, đạt đến độ giải thoát và nguyện đi theo con đường của Đức Phật. Cũng như chúng ta thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị Đại Bồ Tát, đã trải qua bao gian nan để tìm đường cứu cả dân tộc, đất nước – là nguyện theo gương đạo đức của Người, chứ chả lẽ cầu xin Người phù hộ cho được lên chức, lên quyền, mua được ôtô, xây nhà to hay sao?
Còn nếu đến cửa chùa, lạy Đức Phật để cầu xin vật chất, danh vọng, thì chúng ta đã biến tín ngưỡng Phật giáo thành mê tín dị đoan, biến Phật thành siêu quyền lực, biến Phật giáo là Trí Tín thành Mê Tín. Đấy là chúng ta đã làm hỏng tư tưởng của Phật giáo.
Giá như bây giờ, tiền bạc để xây chùa to, đúc tượng lớn, mà đem giúp đỡ người nghèo, hay đầu tư cho sản xuất, tạo công ăn việc làm cho chúng sinh… Thì có phải tốt bao nhiêu không và đó mới là thấu hiểu Chân lý của Phật giáo.
Nếu mà chúng ta làm được như vậy thì xã hội và đất nước của chúng ta sẽ rất phát triển và hạnh phúc.
Tôi làm thí nghiệm với cây sâm Ngọc Linh đã nhiều năm rồi, khi lên núi Ngọc Linh đem 98 mẫu sâm, về cấy mô đến nay chưa bán ra, chỉ lấy sinh khối đem biếu người. Tôi lấy cái đó để luyện cái Tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục.
Hằng năm tiền bán được hoa lan tôi đem về đầu tư để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đó là sự thực tập, thí nghiệm của tôi đối với luồng vận hành Trí Tuệ, và cái Tâm đúng như vậy theo tư tưởng của Đức Phật.
Cốt lõi của Đạo Phật là phải vào đời, hiện thực nơi đời, làm lợi lạc cho đời, đó là Chân lý Phật giáo. Làm thế nào vào đời nhưng đừng để đời ràng buộc, vào doanh nghiệp nhưng đừng để doanh nghiệp cột mình lại hoặc buộc được mình mà phải làm trong giải thoát, đừng bị danh lợi tình ràng buộc, phải chuyển hóa nó thành từ bi Trí Tuệ, thế mới gọi là giải thoát, chứ không phải chết rồi tụng kinh cầu siêu mới là giải thoát. Giải thoát ngay trong việc làm, trong ý niệm, không bị ràng buộc dính rấp. Bởi vậy tôi tuyên bố Công ty Sâm Ngọc Linh của tôi cần làm thì làm mà không cần thì dẹp. Không ai ràng buộc được tôi, vì đó chỉ là phương tiện để tôi phát triển kỹ năng và luyện tâm. Chỉ có tình thương và sự chân thật mới ràng buộc được tôi. Chúng ta làm doanh nghiệp phải có cái Tâm, cái lực đó mới là thành công. Còn nếu chúng ta dùng: sắp, bị, tại, sẽ (trì hoãn công việc) thì không bao giờ thành công được, thành công có chăng chỉ trong sự giả dối, không phải thành công trong chắc chắn và chân thật. Làm hết sức mình nhưng không để bị ràng buộc, cột trói mình vào đó.
Có người nói tài sản, sự nghiệp ai dám buông, khi mình vào được chiều sâu của vấn đề mình quán thì sẽ thấy mọi việc thật rõ ràng: buông mà không bỏ, mất mà vẫn còn. Vì sao? Vì trong tự tâm của chúng ta không có cái chấp, do chúng ta buông những cái chấp đó ra, luôn trở về cái vắng lặng thanh tịnh trong tự tâm, nhưng bề ngoài chúng ta phải sử dụng đúng thời đúng lúc tất cả các phương tiện cốt làm sao có lợi lạc cho cộng đồng. Đó là hành dụng được Trí Tuệ của Đạo Phật. Đó mới chính là Chân lý của Đạo Phật đã trao truyền”.
***
Nghe những điều Thượng tọa giảng giải về quan điểm làm kinh tế, quả thật là rất thú vị, bởi Thượng tọa đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng Chân Lý Phât giáo với cuộc sống hiện thực ngày nay.
Có lẽ, các doanh nhân nên suy nghĩ về những điều mà Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã giảng.
Trí Lê (Theo PetroTimes
- Warren Buffett: Có tiền mà cất mãi trong túi thì vô nghĩa!
- Văn hóa kinh doanh ở Nhật Bản qua góc nhìn một người Việt
- Tỷ phú trẻ nhất Evan Spiegel: Mang điên rồ chinh phục thế giới
- Chuyện về một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở phố Wall
- Marketing như Rolex
- Vua đạo nhái Trung Quốc: Sáng tạo không quan trọng, quan trọng là sao chép một cách thông minh
Trả lời