Miếng ngon đem bán xứ người

Thủy sản VN ngon nổi tiếng trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu nằm trong nhóm đứng đầu nhưng người tiêu dùng trong nước muốn ăn hàng ngon không dễ.

Sáng chủ nhật, chị Hương, ngụ Q.7, TP.HCM đi chợ Tân Thuận mua tôm về nấu lẩu. Những con tôm sống, mình dài, to gần bằng 2 ngón tay búng nhảy lách chách, được bán với giá 140.000 – 160.000 đồng/kg tùy kích cỡ. “Khoảng 5 – 6 tháng nay gia đình tôi mua được tôm vừa to vừa tươi roi rói. Trước đây toàn tôm nhỏ bằng một nửa mà giá tới 220.000 – 240.000 đồng/kg”, chị Hương hồ hởi nói và cho biết chị tăng phần chi tiêu cho tôm và giảm phần thịt lại, vì “không dễ có cơ hội ăn những món xa xỉ chỉ có ở nhà hàng như tôm luộc nước dừa, tôm hấp bia với giá khá mềm”.
“Ế” ngoại mới bán nội địa
Miếng ngon đem bán xứ người - ảnh 1
Chỉ những khi xuất khẩu thủy sản gặp khó,
như năm nay chẳng hạn, trong nước mới có con cá con tôm ngon để ăn
Miếng ngon đem bán xứ người - ảnh 2
Ông Bảy Ch., kinh doanh thủy sản ở chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM

Theo người bán tôm tên Cúc, sở dĩ có tôm to và ngon bán vì đây là tôm xuất khẩu. Thời gian qua, công ty xuất khẩu gặp khó nên người nuôi đưa một phần tôm đúng ra để bán cho xuất khẩu bán chợ. “Vì vậy mình mới được ăn tôm ngon, chứ bình thường đâu dễ gì có, nhất là ở chợ đông công nhân này”, chị Cúc vừa đưa tay chỉnh bộ sục ô xy cho tôm vừa cho biết.

Tại hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2015 ở TP.HCM, đại diện Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối thừa nhận việc tiêu thụ thủy sản nội địa còn gặp nhiều khó khăn, như chất lượng sản phẩm còn ở mức thấp, không bằng sản phẩm xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm chưa phong phú đa dạng, mẫu mã chưa đẹp… Còn theo thương nhân Bảy Ch., kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền, các công ty thủy sản thường tuyển hàng ngon loại 1 dành cho xuất khẩu. “Ở phần tiêu thụ trong nước, hàng ngon hạng nhất thường được cung cấp cho nhà hàng với giá rất cao, người tiêu dùng muốn ăn ngon cũng khó. Chỉ những khi xuất khẩu thủy sản gặp khó, như năm nay chẳng hạn, trong nước mới có con cá con tôm ngon để ăn”, ông Bảy Ch. nói.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc chương trình bảo tồn thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại VN, cho biết thời gian qua WWF đã hỗ trợ ngành thủy sản VN thông qua các chương trình nâng cao năng lực phù hợp với chứng nhận nuôi trồng có trách nhiệm ASC và chứng nhận MSC quy định đánh bắt bền vững. Cả nước hiện có 60 vùng nuôi đạt ASC và 20 vùng nuôi khác đang hướng đến tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ASC và MSC đều được xuất khẩu, thị trường nội địa muốn mua cũng khó. Chủ một doanh nghiệp cũng tiết lộ, một số lô hàng không đạt chuẩn xuất khẩu về an toàn thực phẩm hay rào cản kỹ thuật thì doanh nghiệp tái chế rồi tuồn ra chợ bán.
Còn theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, chuẩn mực chất lượng thủy sản tại thị trường nội địa chưa rõ ràng. Chẳng hạn, có cơ sở sản xuất công bố một chuẩn, bán một chuẩn khác, cơ sở không có chứng nhận ISO, HACCP vẫn bán hàng trong siêu thị. “Người tiêu dùng không biết nên vẫn mua, siêu thị vẫn bán”, bà Lâm nói.
Bán trong nước khổ hơn
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế xảy ra, thị trường xuất khẩu thu hẹp, hàng rào kỹ thật ngày càng dày, các doanh nghiệp mới quay về thị trường nội địa.
Tại sao thị trường nội địa đầy tiềm năng với gần 100 triệu người mà các nước đang nhòm ngó lại bị chính doanh nghiệp nội địa không mặn mà? Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, bán trong nước nhiều khi lại khổ hơn đi bán nước ngoài. Theo đó, giá bán thấp, hệ thống siêu thị chiết khấu lớn, vòng quay vốn chậm (1 – 2 tháng sau mới thu tiền), khâu bảo quản lạnh ở nhiều siêu thị còn kém dẫn đến hao hụt nhiều. Đặc biệt, giá hàng thủy sản đông lạnh trong nước thấp nhưng do chi phí vận chuyển, bảo quản, thương hiệu… nên giá bán lẻ đến người tiêu dùng nhiều khi cao hơn giá xuất khẩu, khó cạnh tranh. Chưa kể, 90% người tiêu dùng Việt có thói quen dùng hàng thủy sản tươi sống, không thích hàng đông lạnh.
Quan tâm đến thị trường nội địa từ những năm 2003 nhưng sau 12 năm “cày xới”, bà Lâm cho biết đến nay tỷ trọng xuất khẩu/nội địa vẫn còn chênh lệch ở mức 70/30 và công ty đặt mục tiêu đạt tỷ trọng 50/50 vào năm 2020. Theo bà Lâm, khó khăn lớn nhất là các nhà chế biến thủy sản trong nước không có tiềm lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng mà phải nương theo sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại – nơi có điều kiện trữ đông bảo quản thủy sản. Song, mức chiết khấu cho các hệ thống siêu thị lại rất cao, năm sau luôn cao hơn năm trước. Các siêu thị trong nước mức chiết khấu cao nhất là 10%, nhưng các siêu thị nước ngoài tại nội địa đòi mức chiết khấu lên đến 20 – 30%/doanh thu. “Dù vậy, đa số doanh nghiệp phải chấp nhận mọi điều kiện, vì sản phẩm chưa phải là thương hiệu lớn trên thị trường, phản đối hay rút lui sẽ có doanh nghiệp khác sẵn sàng thế chỗ. Mỗi sản phẩm đưa vô nộp phí ban đầu là mười mấy triệu đồng. Bị “bắt chẹt”, la thì vẫn la mà bán thì vẫn bán là vậy”, bà nói. Vì thế, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ âm thầm giảm chất lượng sản phẩm, chẳng hạn tăng tỷ lệ mạ băng, ngâm nước tăng trọng… ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Tiến Dũng, thị trường nội địa khá dễ tính, chỗ nào rẻ hơn là mua mà không đòi hỏi những sản phẩm có trách nhiệm; ngay cả siêu thị cũng không yêu cầu. Trong khi những nước phát triển chịu áp lực từ người dân, đã yêu cầu nhà cung cấp mua những sản phẩm có trách nhiệm môi trường, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn nhất định. “Vì vậy, đồ ngon cứ nườm nượp xuất ngoại”, ông Dũng nói.
Theo thanhnien.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề