Trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các biến động trên thị trường thế giới. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải cố gắng để cứu lấy mình, vượt qua khó khăn bằng chiến lược và mục tiêu rõ ràng.
Doanh nghiệp Việt đang “suy dinh dưỡng”?
Chương trình Gặp nhau cuối năm Xuân Bính Thân 2016 được mở màn với bài báo cáo của Táo Kinh tế về các sự kiện nổi bật trong năm qua như nợ xấu giảm mạnh, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, mua ngân hàng 0 đồng hay ký kết các hiệp định thương mại tự do…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các vấn đề khác của nền kinh tế cũng được đề cập tới như việc nông sản được mùa mất giá, lãng phí sử dụng xe công, bội chi ngân sách ở mức cao, hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo “hoành hành” khắp nơi.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp xuất hiện trong chương trình là các nhân vật Doanh và Nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Điểm đáng lưu ý, doanh nghiệp được xuất hiện với hình ảnh nhỏ bé do các diễn viên là người lùn đảm nhận.
Trước câu hỏi của Ngọc Hoàng: “Ngoài may mặc ra thì còn biết làm gì”, Táo Kinh tế cho biết, doanh nghiệp hạ giới còn rất giỏi làm xiếc và tung hứng.
Trước hình ảnh này, Nam Tào bất ngờ hỏi: “Tôi tưởng doanh nghiệp hạ giới thế nào, sao trông như teo cơ, suy dinh dưỡng thế này?”.
Ngọc Hoàng thì lo lắng: “Vóc dáng như vậy có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ở cung đình hàng xóm không?” Trong khi đó, Bắc Đẩu thì cho rằng, doanh nghiệp hạ giới như vậy khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài cao to, vạm vỡ và nhiều tiền.
Về phần mình, Táo Kinh tế lý giải: “Sự chăm sóc cho doanh nghiệp còn nhiều thiếu thốn, môi trường còn nhiều bất cập nên “xíu xịu” thế này”.
Còn theo Ngọc Hoàng: “Muốn cho doanh nghiệp phát triển thì phải tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp thì phải ăn uống bồi dưỡng cho tốt, trau dồi kiến thức chứ làm kinh tế không phải là làm xiếc với tung hứng”.
Doanh nghiệp cần phải cứu lấy mình
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, chia sẻ về cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trong năm nay các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới biến động từ nền kinh tế Trung Quốc.
“Tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt Nam có ưu điểm như năng động, có sự phấn đấu nhưng doanh nhân Việt Nam cần bổ sung tính chuyên nghiệp và vượt qua cách kinh doanh dựa trên mối quan hệ; cần có chiến lược dài hạn và mục tiêu rõ ràng, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nhân lực”, TS Doanh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2016 sẽ là năm đầy thách thức với doanh nghiệp Việt và theo chiều hướng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là doanh nghiệp phải cố gắng để cứu lấy mình chứ không thể chờ Chính phủ cứu.
“Chính phủ nên tập trung cao vào việc hạn chế những khoản thu bất hợp lý để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Tôi mong doanh nghiệp có thể đứng vững trước đợt sóng gió mới và doanh nghiệp nào vượt qua được trong 3 – 5 năm tới thì sẽ có cơ hội phát triển lâu dài”, bà Lan nói.
TS Võ Trí Thành từng cho rằng: “Việt Nam là anh hùng hay liều? Tôi nghĩ liều cũng thể hiện một phần anh hùng. Bởi chúng ta phải chấp nhận chọn rủi ro để phát triển hoặc không rủi ro và đứng yên tại chỗ”.
TS Thành phân tích thêm, để phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, doanh nghiệp Việt phải chú trọng tới khâu sử dụng người tài, phát triển công nghệ tốt nhất. Tiếp đó, phải quan tâm tới tài chính, tiền và quản trị rủi ro cũng như hiểu biết về pháp luật để bảo vệ chính mình. Ông cũng lưu ý tới việc phát triển thị trường ngách khi Việt Nam mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trong nước.
Phương Dung (dantri.com.vn)
Trả lời