Kinh tế Việt Nam “trên nền không vững chắc”

“Trong ngắn hạn, các chỉ số vĩ mô có vẻ như đang trên xu hướng tốt lên. Nhưng về trung hạn, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ thấy con đường khó khăn phía trước,” theo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Pháp.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế Natixis (Pháp) vừa phát hành tuần này, ngày 2-11, bản Báo cáo nghiên cứu kinh tế đặc biệt mang tên “Vietnam: Maybe under-rated, but structurally shaky” (Tạm dịch: Việt Nam – Có thể (bị) đánh giá thấp nhưng cấu trúc lung lay), cập nhật về kinh tế Việt Nam.

Nhìn tổng thể, các tác giả báo cáo cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang được xây dựng trên một nền tảng không vững chắc. Mặc dù đã xuất hiện những cải cách, nhưng ngành ngân hàng vẫn ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn bị tiếp cận hạn chế với tín dụng…

Trong khi triển vọng ngắn hạn dường như đang được cải thiện với sự áp đảo của những thông tin vĩ mô tích cực, tổ chức này cho rằng tốc độ chậm cải cách của khu vực tài chính sẽ làm giảm tăng trưởng trong dài hạn.

”Chúng tôi cho rằng tốc độ cải cách khu vực tài chính chậm chạp sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng dài hạn. Trong khi GDP có thể nhích lên trong vài năm tới nhờ dòng vốn FDI, nền kinh tế vẫn được xây dựng trên một nền tảng không vững chắc,” theo bản báo cáo.

Cụ thể hơn, báo cáo phân tích rằng mặc dù đã được xây dựng trên một nền tảng không vững chắc nhưng mức độ đòn bẩy của tín dụng với GDP vẫn còn rất đáng lo ngại ở Việt Nam.

Các chuyên gia cho biết hiệu quả tín dụng của Việt Nam rất thấp. Một đồng tín dụng đổ ra không tạo ra một đồng sản lượng GDP đương đương. Tỷ lệ này (giá trị tín dụng/giá trị GDP) tăng mạnh tới 107% vào năm 2015 (giả định tốc độ tăng trưởng tín dụng 15% và GDP danh nghĩa có thể lên tới 8%).

Nhưng nếu tín dụng có thể tăng đến 20% năm nay thì tỷ lệ đòn bẩy này sẽ đẩy nhanh đến 111% GDP. Nói cách khác, trong vòng ba năm qua, nền kinh tế của Việt Nam gia tăng thêm 17% nợ tính theo giá trị GDP mà không có kết quả đầu ra rõ ràng minh chứng cho hiệu quả của những đồng tiền đã được đổ ra này.

Vì sao điều này xảy ra? Vấn đề là Việt Nam đối mặt với hai “ổ gà”: sự suy yếu sức cầu trong nước và sự suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội. Hai vấn đề này là hệ quả của việc cải cách khu vực ngân hàng với tốc độ rùa bò.

Việt Nam vẫn đang vay thêm nợ để cải thiện hình ảnh trong khi không cải thiện nội lực để tạo ra thu nhập. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giải quyết cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng theo cách quảng bá nhưng không làm cho nguy cơ giảm đi. Nhiều vấn đề cản trở hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng năm 2011 vẫn còn tồn tại đến nay. NHNN phân loại các ngân hàng thành “tốt” và “xấu” mà không ưu tiên giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến chất lượng tài sản xấu đi trên bảng cân đối của các ngân hàng.

Không phải chính phủ không có nỗ lực, ví như việc đưa ra thông điệp về tháo dỡ các giới hạn sở hữu nước ngoài đối với hầu hết các lĩnh vực, cổ phần hóa, bán nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, sự phân bổ của tín dụng vẫn không bình đẳng và hiệu quả, các ngân hàng quốc doanh vẫn ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước như một căn bệnh của nền kinh tế.

Chính phủ tạo ra VAMC như một “ngôi nhà của nợ xấu”. Các ngân hàng nhờ đó có thể bỏ nợ xấu ra khỏi sổ sách nhưng rủi ro vẫn còn đó.

Ngoài ra, chính phủ đã cố gắng để cải thiện sức cầu đối với lĩnh vực bất động sản bằng cách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, phát triển nhà ở thu nhập thấp… nhằm làm ấm thị trường bất động sản, và đó là hậu thuẫn cơ bản để bảo vệ tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là như thế nào và ai được phân bổ tín dụng chưa được giải quyết ở đây. Về trung hạn, Việt Nam sẽ tìm thấy một con đường khó khăn phía trước. Các xu hướng trong hai năm qua đã không có hiệu quả tích cực.

CPI rất thấp thời gian qua phản ánh giá hàng hóa thấp hơn cũng như số tiền dành cho nhu cầu tiêu dùng rất thấp của dân chúng. Khi các công ty khu vực tư nhân phải đối mặt với gánh nặng nợ nần nặng nề và thiếu tiếp cận với tín dụng, họ không có quyền tiếp cận với các nguồn vốn cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã khác. Các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu Việt Nam đang mất dần thị phần. Trong khi đó, ngành xuất khẩu đầu tư nước ngoài đang lợi dụng chi phí tiền lương lợi thế so sánh của đất nước, ghi kỷ lục thặng dư thương mại lớn. Cán cân thương mại thể hiện thế yếu hơn của các doanh nghiệp trong nước và sự suy giảm xuất khẩu càng thêm sâu sắc trong năm nay không chỉ là với các ngành định hướng xuất khẩu. Doanh nghiệp tư nhân trong nước, vốn là người làm ăn hiệu quả nhất, đang bị yếu đi do hạn chế tiếp cận tín dụng.

Các tác giả báo cáo cho rằng “có thể đây là sự đánh giá hơi thấp với Việt Nam (trong báo cáo này, so với các báo cáo của các tổ chức khác), nhưng chỉ trừ khi Việt Nam chọn cách tạo ra một mô hình tăng trưởng bền vững hơn mà mô hình đó có thể giúp doanh nghiệp phát huy được tối đa hiệu quả”.

Nguồn thesaigontimes.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề