Khác Nhật, một số nhân viên người Việt thường giấu sai sót

Tôi đã ở Việt Nam được hơn ba năm và hiện đang làm quản lý cho một công ty Nhật chuyên về tài chính ở Hà Nội. Tôi thấy văn hóa doanh nghiệp ở đây rất khác so với ở Nhật.

Bà Trần Thị Kim Thu, chuyên gia thống kê Công ty tư vấn OCD, phát biểu tại buổi công bố kết quả khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp tại VN - Ảnh: Trần Quốc Tuấn
Bà Trần Thị Kim Thu, chuyên gia thống kê Công ty tư vấn OCD, phát biểu tại buổi công bố kết quả khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp tại VN – Ảnh: Trần Quốc Tuấn

Trong đó, có nhiều điều khiến tôi vô cùng thất vọng, chẳng hạn như thủ tục hành chính rườm rà và một số nhân viên người Việt thường che giấu sai sót.

Bị sa thải vì nói dối

Ở Nhật, hầu hết công ty đều yêu cầu toàn thể nhân viên tuân theo bộ quy tắc đạo đức, trong đó quy tắc hàng đầu là phải tuyệt đối trung thực.

Ví dụ, khi đến công sở làm việc, việc đầu tiên nhân viên phải làm là gửi lời chào đến mọi người. Quy tắc thứ hai là nhân viên không được che giấu bất cứ điều gì và quy tắc thứ ba là không được phép đi làm trễ.

Chúng tôi cũng có chính sách cây gậy và củ cà rốt trong công ty. Nếu ai đó làm việc hiệu quả và trung thực, họ sẽ được tăng lương định kỳ. Ngược lại, nếu họ không trung thực, họ không những không được tăng lương định kỳ mà thậm chí còn có nguy cơ bị sa thải.

Ví dụ, người tiền nhiệm của tôi tại công ty ở Hà Nội cũng là một người Nhật. Khi sếp yêu cầu anh ấy viết email trả lời cho khách hàng nhưng anh ấy quên trả lời. Sau đó, khách hàng tiếp tục gửi một email yêu cầu công ty trả lời càng sớm càng tốt đến sếp nên sếp tôi gọi anh ấy lại hỏi “anh đã trả lời email chưa?”, anh ấy nói dối là đã trả lời rồi. Hậu quả là anh ấy bị sa thải sau đó.

Trường hợp này nếu anh ấy thừa nhận quên trả lời và nói lời xin lỗi thì sếp của tôi sẽ nói “nên cẩn thận hơn vào lần sau”, nhưng anh ấy lại chọn cách nói dối nên sếp không thể tin tưởng vào anh ấy nữa. Tôi nghĩ là con người bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm. Vì vậy nếu sai sót, hãy mạnh dạn nhận lỗi.

Ở các công ty Nhật Bản, khi một nhân viên bị phát hiện có hành vi gian dối, họ sẽ được cho cơ hội sửa sai nếu họ chịu xin lỗi. Trường hợp họ tái phạm lần hai sẽ bị đuổi việc.

Trong công ty của tôi cũng có nhiều nhân viên người Việt Nam. Tôi thật sự rất thích làm việc với họ nhưng đôi lúc họ cũng khiến tôi thất vọng. Thỉnh thoảng họ che giấu điều gì đó dù điều này vô cùng nhỏ nhặt. Chẳng hạn, họ gửi sai nội dung cho khách hàng và lỗi sai này không quá nghiêm trọng.

Thay vì nên xin lỗi khách hàng thì họ tìm cách chống chế, biện minh cho hành vi của mình. Tôi nghĩ nếu họ thừa nhận mình sai thì chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết vấn đề đó để tránh sai lầm lặp lại, nhưng họ lại không làm thế.

Một số nhân viên Việt Nam làm cho công ty chúng tôi có làm công việc thứ hai mà không báo cáo với lãnh đạo. Thậm chí một số người dùng giờ làm việc cho công ty để làm việc khác, chẳng hạn như lên mạng bán hàng online.

Ở nước tôi, việc gì phải ra việc đó, phải rạch ròi. Nếu bạn cùng lúc làm hai việc, bạn phải nói với lãnh đạo công ty ngay từ đầu và không bao giờ có chuyện dùng giờ làm việc của công ty để làm việc khác.

Một số công ty ở Nhật Bản có treo những tấm biển “Phải trung thực” trong các phòng họp. Và tại các cuộc họp ở các công ty vào thứ hai hằng tuần, mọi người được yêu cầu phải chia sẻ tất cả mọi thứ, không được giấu giếm điều gì…

Cô Yukako Nitta - Ảnh: Q.Trung
Cô Yukako Nitta – Ảnh: Q.Trung

Tôi thấy nhiều người Việt hiếm khi thừa nhận mình làm sai, thay vào đó họ lại tìm cách biện minh. Họ thường chỉ mong nhận sự thông cảm, ít khi nói lời xin lỗi

Sốc với thủ tục “bôi trơn”

Lúc mới sang Hà Nội, tôi muốn xin giấy phép lao động để làm việc lâu dài tại đây. Tôi nhờ một trợ lý người Việt tìm hiểu về thủ tục, quy trình.

Nhưng nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được con dấu của cơ quan chức năng vì quy trình và thủ tục cấp giấy phép lao động vô cùng phức tạp và chậm chạp. Sau đó, một số người nói tôi phải chi tiền thêm thì thủ tục mới nhanh được.

Ban đầu tôi rất sốc với kiểu “nhập gia tùy tục” như thế nhưng vì không muốn gặp rắc rối với giấy phép lao động, công ty phải chấp nhận trả tiền thêm. Quả thật, chỉ một tuần sau đó, tôi nhận được giấy phép lao động.

Điều này hoàn toàn trái ngược với đất nước tôi. Các cơ quan cung cấp dịch vụ công ở Nhật Bản cung cấp giấy tờ cho người dân rất nhanh chóng và không đòi hỏi gì. Thông thường chúng tôi không phải trả phí để lấy con dấu từ chính quyền.

Trong một số trường hợp, họ chỉ thu phí tượng trưng từ 1 – 2 USD. Ở nước tôi, nếu bạn nói sẽ “bồi dưỡng” tiền cho cán bộ công chức để được cung cấp dịch vụ công nhanh hơn thì người ta sẽ ngay lập tức từ chối, thậm chí có thể gọi điện cho cảnh sát đến tra hỏi bạn về hành vi đút lót.

YUKAKO NITTA  (người Nhật, Công ty Sofiamedix, Hà Nội)

Theo tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề