NATO lên án Nga về tình trạng ‘leo thang đáng ngại’ ở Syria

Người đứng đầu NATO lên Nga về việc “leo thang đáng ngại” các hoạt động quân sự ở Syria, một ngày sau khi Moscow bắt đầu sử dụng phi đạn cruise trong một chiến dịch không kích ráo riết nhắm vào các phần tử nổi dậy Syria.

Ông Jens Stoltenberg hôm nay đưa ra các nhận định khi đến dự một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels, nơi sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria dự trù sẽ đứng cao trong nghị trình thảo luận.

Vấn đề mang thêm tầm quan trọng sau khi có tin trong tuần này rằng các phản lực cơ của Nga tham dự các cuộc oanh kích đã vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên trong liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Ông Stoltenberg nói, “NATO sẵn sàng và có khả năng bảo vệ tất cả các đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ trước mọi mối đe dọa. NATO đã đáp lại bằng cách tăng cường khả năng, bố trí lực lượng kể cả về phía nam, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.”

Syria trở nên nguy hiểm hơn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong cuộc họp với các bộ trưởng trong khối NATO tại Brussels, ngày 8/10/2015.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong cuộc họp với các bộ trưởng trong khối NATO tại Brussels, ngày 8/10/2015.

Các vị bộ trưởng trong khối NATO sẽ nhân cuộc họp hôm nay để tìm cách đưa ra những phương sách xuống thang vụ khủng hoảng, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon. Ông Fallon nói Moscow đang “làm cho một tình hình vốn đã nghiêm trọng ở Syria còn trở nên nguy hiểm hơn nhiều.”

Ông nói với các phóng viên trước khi bước vào cuộc họp rằng, “Điều có ích duy nhất mà Nga có thể làm được là sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn tổng thống Bashar al-Assad đừng oanh kích chính thường dân của mình.”

Cũng dự cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm qua đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Nga, và cam kết Washington sẽ không phối hợp với Moscow về việc này.

“Nga đã có một sách lược sai lầm – họ tiếp tục nhắm trúng các mục tiêu không phải là ISIL,” ông Carter ám chỉ Nhà nước Hồi giáo, là nhóm kiểm soát nhiều nơi ở Syria. Ông cho rằng đây là một sai lầm cơ bản.

Lo ngại về xung đột Nga-Mỹ

Nga nhấn mạnh rằng các cuộc oanh kích chủ yếu nhắm mục tiêu và nhóm quá khích Hồi giáo và các đồng minh của họ. Nhưng Hoa Kỳ nói nhiều vụ tấn công đã nhắm mục tiêu vào các nhóm nổi dậy khác, trong đó có một số được sự yểm trợ của Washington.

Hoa Kỳ cũng tiến hành các cuộc không kích riêng của mình nhắm vào một số nhóm nổi dậy Syria, và nhiều người lo ngại rằng chiến đấu cơ của hai bên có thể đụng nhau vì thiếu thông tin liên lạc.

Ông Carter nói, “Điều chúng tôi sẽ làm là tiếp tục các cuộc thảo luận cơ bản và kỹ thuật về những thủ tục an toàn chuyên nghiệp cho các phi công của chúng tôi bay trong khu vực Syria.” Ông loại trừ mọi sự hợp tác mở rộng thêm.

Chiến dịch Nga leo thang

Khói bốc lên sau các vụ không kích của Nga tại Syria.

Khói bốc lên sau các vụ không kích của Nga tại Syria.

Hôm qua, Nga đã tăng cường chiến dịch không kích ở Syria bằng những vụ oanh tạc nặng nề và lần đầu tiên, các vụ tấn công bằng phi đạn cruise đã được phóng đi từ biển Caspian, để yểm trợ cho một chiến dịch lớn trên bộ của quân đội Syria.

Chưa rõ đã đạt được bao nhiêu tiến bộ, nếu có, trong cuộc tấn công trên bộ đó.

Tướng Lục quân Syria Ali Abdullah Ayoub hôm nay cho biết các cuộc không kích của Nga đã làm suy yếu Nhà nước Hồi giáo. Ông loan báo khởi đầu của một cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào việc “giải phóng các khu vực và thị trấn đã hứng chịu những đau khổ và tội ác của chủ nghĩa khủng bố.”

Vị tướng lãnh này nói với các cơ quan truyền thông nhà nước rằng, “Tiếp theo những vụ không kích của Nga nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria cùng các tổ chức khủng bố khác, đã làm giảm thiểu khả năng chiến đấu của họ, quân lực Syria đã nắm được quyền kiểm soát kế hoạch quân sự.”

Giới hoạt động ghi nhận chiến sự gia tăng ở các tỉnh Hama và Idlib, và nói rằng quân đội chính phủ đang tìm cách tiến vào tỉnh Latakia.

Nga là một đồng minh trung thành của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kêu gọi ông Assad từ chức, nhưng ngần ngại không muốn vũ trang đầy đủ cho các nhóm nổi dậy để lật đổ ông ta, một phần vì những nỗi lo ngại vũ khí có thể rơi vào tay các phần tử quá khích.

Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề