Lâu nay, giếng làng vốn là thứ quen thuộc với bao đời người dân sinh sống khắp mọi miền đất nước. Không chỉ đi vào lòng dân bản địa bởi những câu chuyện, kỷ niệm…, chiếc giếng còn thu hút sự chú ý của nhiều nhiếp ảnh gia đam mê tìm hiểu văn hóa, trong đó có Lê Bích – một phóng viên ảnh tự do.
Chụp giếng từ năm 2010, anh nhận thấy điều thú vị là chúng không chỉ có hình tròn mà còn cả hình vuông, chữ nhật, bán nguyệt, bát giác, bầu dục… Có giếng được đào rộng như chiếc ao con, xung quanh và thành thường xây gạch, xếp đá hoặc gạch đá ong.
Nơi khác lại làm giếng không xây thành, dân làng thường gọi là giếng đất. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ăn, sinh hoạt mà còn để gặp mặt, chuyện trò của người làng. Với một số giếng đặc biệt, dân làng dùng lấy nước để lễ, tế Thành Hoàng làng.
Tồn tại cùng người dân qua nhiều thế hệ, hầu như ai cũng cho rằng chiếc giếng có linh hồn và rất thiêng liêng. Nhận định này được Lê Bích trải nghiệm trong một lần chụp ở Sơn Tây, anh sơ ý làm rơi balo máy ảnh xuống giếng. Tuy vậy, sau khi sấy khô, máy ảnh lại dùng bình thường khiến bạn bè xung quanh đùa rằng “có thần giếng phù hộ”.
Còn đêm giao thừa năm 2014-2015, được đón thời khắc thiêng liêng bên giếng cùng những người dân ở làng Yên Thôn và Đụn Dương, huyện Thạch Thất, Hà Nội, phóng viên ảnh 43 tuổi này tự thấy đó là kỷ niệm đáng nhớ. Thời điểm chuyển giao năm mới, người dân thường lấy nước mang về nhà cúng tổ tiên, đổ đầy chum vại mong sung túc cả năm.
Trong quá trình tác nghiệp, giếng của người Chăm ở miền Trung được Lê Bích đánh giá là ấn tượng mạnh mẽ nhất bởi họ sống ở nơi khô cạn nên khả năng tìm mạch nước rất giỏi. Giếng Chăm thường lấy nước từ trong núi, chảy qua ba tầng.
Tầng trên cùng chỉ để dùng cúng thần thánh. Tầng hai cho người dùng còn tầng ba để rửa chân tay và cho súc vật uống. Sau cùng, nước được dẫn chảy ra ruộng đồng. “Chỉ thế thôi cũng đủ thấy văn hóa Chăm xưa rất chuẩn mực”, anh nhận xét.
Từng ghé thăm khoảng 200 ngôi làng và chụp 300 giếng cổ khắp cả nước, từ đồng bằng đến vùng cao và miền duyên hải, những giá trị tâm linh của giếng cổ là điều hấp dẫn Lê Bích nhất bởi càng tìm hiểu sâu, anh càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tiềm ẩn từ nó.
“Tôi thấy mình có trách nhiệm phải mang giá trị này chia sẻ với mọi người và thế giới. Đôi lúc nhìn lại, tôi cũng không hiểu sao mình lại yêu giếng đến thế, dường như có mối nhân duyên từ trước”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Theo anh, khó khăn nhất trong việc chụp ảnh giếng cổ là bắt gặp và tìm thông tin về nó. “Tôi có đến gặp một nhà sử học nổi tiếng hỏi về công trình nghiên cứu và những tài liệu tổng hợp chính thức đối với giếng cổ nhưng nhận được câu trả lời là chưa có”, Lê Bích bày tỏ.
Hiện anh tập hợp thông tin và nghiên cứu cho kế hoạch in một quyển sách với tên gọi “Giếng và các giá trị tâm linh”. Trong đó, bí quyết để thu thập nhiều thông tin nhất là mỗi khi đến ngôi làng nào đó, anh thường tìm gặp những vị cao niên để hỏi chuyện. Trong suy nghĩ của Lê Bích, các tập tục, bí quyết nghề, văn hóa dân gian… lưu giữ từ đời này qua đời khác chủ yếu do truyền khẩu.
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên ảnh tự do này vẫn có trăn trở với những chiếc giếng mình chụp. “Nhiều giếng bị bỏ hoang, đối xử tệ bạc. Ngẫm ra cũng là chuyện con người. Giếng chỉ cho đi, lấy xong lại đầy, càng múc càng trong, nước đầy nhưng không tràn giống như người tốt, người giỏi. Họ luôn cho đi, cân bằng trong cuộc sống”, anh ví von.
Ngoài chụp giếng, anh cũng tham gia nhiều phim tài liệu và truyền hình thực tế để giới thiệu văn hóa như: “Giếng Làng”, “Hành Trình Giếng Cổ”, “Hình tượng giếng qua ảnh của Phóng Viên Lê Bích”…
Lê Thương
Ảnh: Lê Bích
Trả lời