Chủ quyền và lòng dân

Những tiếng nói từ lòng dân quan tâm và lo lắng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được truyền tải qua các vị đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình, đang vang lên gấp gáp tại nghị trường.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội (QH) ngày 25-5, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH, cho biết như không khí sôi sục cách đây 1 năm khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lần này cử tri cả nước lại muốn QH bày tỏ chính kiến về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Là người vừa đi thăm Trường Sa trở về, được “mắt thấy tai nghe” những diễn biễn tại vùng biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, vị đại biểu này không khỏi lo lắng trước điều mà ông cho là “đến mức một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ đẩy chúng ta vào thế rất khó khăn”. Thậm chí, ông đang lo lặp lại kịch bản năm 1988 – năm mà quân Trung Quốc với hỏa lực vượt trội đã nổ súng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, bắn chìm 2 tàu vận tải của Việt Nam, làm 64 chiến sĩ hải quân hy sinh.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng chính là người đã đề nghị bổ sung báo cáo về vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII này và được QH chấp nhận. Tuy nhiên, theo như đại biểu QH, nhà sử học Dương Trung Quốc, đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng cho thấy rõ QH chưa quan tâm đúng mức, chưa sâu sát với nguyện vọng của người dân là muốn được biết thật đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình biển Đông, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc xây dựng và có nhiều hành động trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Gần 1 năm qua, Trung Quốc đã ồ ạt cải tạo đất bất hợp pháp trên 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta. Hành động biến những đảo đá ở quần đảo Trường Sa mà họ chiếm giữ trái phép thành các đảo nổi đã và đang khiến người dân, cử tri cả nước quan tâm với sự lo lắng sâu sắc.

Thế nên, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 9 này đã nêu rõ họ rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nói như đại biểu Dương Trung Quốc, người dân càng muốn biết thái độ, hành động, phương án đối phó của nhà nước ta đối với tình hình trên biển Đông ra sao.

Bức xúc, lo lắng từ lòng dân trong vấn đề biển Đông đã đến được với QH. Nay cử tri và nhân dân cả nước muốn có thông tin chính thức, minh bạch về những gì đang diễn ra tại một phần biển đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó không chỉ giúp trấn an mà quan trọng hơn sẽ kết lòng dân thành một sức mạnh vô cùng to lớn để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước trong bất kỳ tình huống nào.

Vũ Văn (Theo NLĐ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề