Cảnh báo lừa đảo mang “tính pháp lý” cao

3-1_opt (Custom)_DHUS.jpeg

Người dân bị Cty Cát Nam Phong lừa mất sổ đỏ kéo đến Tòa soạn Báo Lao Động kêu cứu.Ảnh: Đỗ Văn

Bằng thủ đoạn thực hiện đầy đủ các quy định về chuyển nhượng nhà đất, công chứng, thế chấp ngân hàng hợp pháp… đối tượng lừa đảo đã ung dung chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của xã hội, bỏ mặc người dân mắc nạn, ngân hàng… vào vòng xoáy tranh chấp.

Bài 1: Chủ nợ bỏ trốn, phát bệnh tâm thần (?!)

Trong khi các chủ cho vay nặng lãi lấy mức lãi suất 5 – 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày thì Cty CP Cát Nam Phong đưa ra mức lãi suất hấp dẫn 1 nghìn đồng/triệu đồng/ngày, nhưng kèm theo đó con nợ phải ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo cho khoản vay. Điều lạ lùng hơn là khi con nợ ôm tiền đi trả thì chủ nợ cắt liên lạc, phát bệnh tâm thần, bỏ trốn… Tại sao lại như vậy? Điều gì ẩn chứa đằng sau những giao dịch tín dụng này?

Nhà đất 6-7 tỉ đồng, ký giấy “bán” 200 triệu đồng

Từ giữa tháng 6.2014 Tòa soạn Báo Lao Động nhận được hàng chục lá đơn của người dân tố cáo Cty CP Cát Nam Phong (địa chỉ tại A105 tòa nhà M3,M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, Đống Đa, HN và số 30 ngõ 144 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, HN) lừa đảo chiếm đoạt giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân của họ; sau đó Cty này đem giấy tờ nhà đất lừa được đi thế chấp vay vốn ngân hàng.

Do có nhu cầu vay 200 triệu đồng để làm ăn, qua giới thiệu vợ chồng ông Vũ Anh Tuấn (SN 1958), bà Lê Thị Hồng Thanh (1960) đã tìm đến Cty Cát Nam Phong để hỗ trợ vay vốn. Tại đây, anh Tuấn gặp Giám đốc Cty Nguyễn Thị Hải Yến. Bà Yến cho biết để làm thủ tục vay, ông Tuấn sẽ phải làm công chứng “treo” hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho người của Cty.

Ông Vũ Anh Tuấn kể: “15h ngày 28.8.2013 vợ chồng tôi đến Cty Cát Nam Phong. Tại đó tiếp chúng tôi là Yến, Tùng (nhân viên Cty) và một người tên là Khánh nhân viên của Văn phòng Công chứng Lạc Việt. Lúc đó vợ chồng tôi rất băn khoăn về việc lập hợp đồng mua bán nhà đất khống này. Tuy nhiên, bà Yến luôn mồm khẳng định: “Đây chỉ là ràng buộc thôi, sợ làm xong hồ sơ vợ chồng anh chị lại đặt sổ đỏ chỗ khác thì sao? Tất cả mọi người đến đây làm thủ tục vay tiền đều như vậy” và Yến còn lấy một số bộ hồ sơ khác để làm vợ chồng tôi yên tâm. Bà Yến còn khẳng định: “Không ai chấp nhận bản hợp đồng chuyển nhượng này vì trị giá chuyển nhượng chỉ có 200 triệu đồng trong khi nhà của anh chị có giá trị thật là 6-7 tỉ đồng”.

Bị Nguyễn Thị Hải Yến thuyết phục và đang cần khoản tiền 200 triệu, vợ chồng anh Tuấn đã chấp nhận ký vào “Hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ – quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” toàn bộ lô đất tại địa chỉ số 24 ngõ 108, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, HN cho Nguyễn Mạnh Quyết là phó giám đốc Cty và giao sổ đỏ cho Cty Cát Nam Phong. Hợp đồng này được công chứng viên Bùi Huy Cường – Văn phòng Công chứng Lạc Việt chứng nhận.

Để tạo sự tin tưởng của người vay, anh Tuấn còn được ký một “Văn bản thỏa thuận về tài sản – kiêm giấy nhận nợ” đóng dấu treo của Cty CP Cát Nam Phong, trong đó khẳng định “Hợp đồng công chứng (chuyển nhượng nhà đất) giữa hai bên với nhau chỉ để đảm bảo nghĩa vụ dân sự để vay vốn ngân hàng”.

Hoạt động quy mô lớn, chuyên nghiệp

Đến hạn thanh toán khoản vay anh Tuấn liên lạc với Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Mạnh Quyết nhưng hai người này lảng tránh nhận lại tiền và trả sổ đỏ cho gia đình anh Tuấn.

Một trường hợp bi hài khác là gia đình anh Lê Đăng Hiếu (SN 1983, trú tại số 4B ngách 11/44 đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, Tây Hồ, HN). Gia đình anh Hiếu vay của Cty Cát Nam Phong 300 triệu đồng và ký hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ cho trực tiếp Nguyễn Thị Hải Yến từ ngày 10.1.2013. Nửa năm sau, anh Hiếu mang tiền đi trả thì té ngửa ra là Yến đã sang tên sổ đỏ, mang đi đặt ngân hàng lấy ra một số tiền lớn hơn rất nhiều số tiền đã cho vợ chồng anh Hiếu vay.

Nhận định đây là một loại lừa đảo mới có quy mô lớn, chuyên nghiệp, Tòa soạn Báo Lao Động đã cử PV điều tra vụ việc (xem bài “Vụ việc tại Cty CP Cát Nam Phong (Hà Nội): Công an đang làm rõ dấu hiệu lừa đảo quy mô lớn” ra ngày 4.6.2014). Kết quả cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là bỏ ra khoản tiền trung bình từ 200 – 300 triệu đồng cho người dân vay để lấy được hợp pháp sổ đỏ và các giấy tờ liên quan của nạn nhân; sau đó đem giấy tờ hợp pháp này đi thế chấp ngân hàng để lấy ra khoản tiền tương ứng với tài sản thế chấp, lớn hơn rất nhiều khoản tiền cho người dân vay. Hậu quả là người dân tuy vẫn ở trong ngôi nhà của mình nhưng mất quyền định đoạt với tài sản của mình. Trong khi đó khi ngân hàng đi xiết nợ thì loay hoay với “khoản nợ xấu” vì “phát hiện” ra tài sản thế chấp “hợp pháp” đang nằm trong tay của những chủ nhà chưa bao giờ có ý định bán nhà, đất thực sự.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, CA quận Đống Đa (HN) cho biết, đã nhận được nhiều đơn tố cáo của công dân dạng này và “đang xác minh vì có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, theo trình bày mới đây của anh Lê Đăng Hiếu với PV Báo Lao Động, ngày 17.9.2014 anh có nhận được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan CSĐT CA quận Đống Đa do Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT thượng tá Cao Văn Lộc ký. Theo thông báo này: “Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hải Yến lấy lý do điều trị bệnh tâm thần nên không đến cơ quan CA làm việc. Cơ quan CA đã xác định Yến có điều trị tại Bệnh viện Tâm thần HN và Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1. Hiện Yến đã ra viện, chưa xác định được Yến đang ở đâu làm gì”.

Theo Lao Động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề