Báo Pháp: 5 ngộ nhận về sự kiện “Bức tường Berlin”

Hôm nay ngày 9/11/2014 đánh dấu sự kiện bức tường Berlin sụp đổ cách nay 25 năm. Nhân dịp này, nhật báo Pháp Les Echos đã nêu bật “5 suy nghĩ sai lệch về Bức tường Berlin”, RFI ghi nhận. Tờ báo kinh tế Pháp trích dẫn Hope M Harrison trên tờ báo Mỹ The Washington Post.

Ngộ nhận 1: Bức tường Berlin là một bức tường duy nhất

Thật ra, đây là hai bức – tường kép – cách nhau 146 mét. Giữa hai bức tường có “hành lang tử thần” với các chốt gác, đèn chiếu, giây kẽm gai. Lính ở trên các vọng gác chốt được lệnh bắn vào những người chạy trốn.

Mặc dù thế 5.000 người đã trốn được khỏi Đông Berlin, bằng khinh khí cầu, hay bằng những đường hầm đào dưới bức tường… Nhưng rất nhiều người đã bị thiệt mạng hay bắt giam.

Ngộ nhận 2: Việc xây tường do Liên Xô quyết định

Bài báo trên Les Echos nhắc lại vào năm 1952, Liên Xô đã đóng biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức. Nhưng Berlin thì không, vì nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp.

Vào lúc số người chạy trốn khỏi Đông Đức gia tăng, lãnh đạo Đông Đức thời đó Walter Ulbricht muốn khóa chặt ranh giới giữa hai phần Đông và Tây Berlin. Liên Xô lúc ấy không muốn vì e ngại hình ảnh của mình bị xấu đi với một quyết định như thế và đã viện dẫn lý do khó khăn về mặt kỹ thuật.

Trong vòng 8 năm, lãnh đạo Đông Đức đã cố gắng thuyết phục Moscow trước khi được Nikita Khrouchtchev chấp nhận và bật đèn xanh vào mùa hè 1961. Phía Đông Đức đã chuẩn bị trước cho sự kiện này: dự trữ vật liệu, và kín đáo thành lập một nhóm đặc trách kế hoạch đóng các con đường, hệ thống xe lửa, tàu điện ngầm …

Ngộ nhận 3: Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã góp phần làm sụp đổ Bức tường Berlin

Theo bài báo nhiều người Mỹ nghĩ là bài diễn văn của ông Ronald Reagan vào tháng 06/1987 ở Berlin, kêu gọi: “Gorbatchev hãy phá vỡ bức tường này!”đã giúp cho việc bức tường sụp đổ năm 1989.

Nhưng thực ra, công cuộc cải cách của ông Gorbatchev đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với bài diễn văn của Tổng thống Mỹ, cũng như các cuộc biểu tình phản đối ở Đông Đức, và sự kiện hàng ngàn người đã chạy đến xin tỵ nạn ở các đại sứ quán Tây Đức ở Đông Âu. Chính quyền Đông Đức đã phải quyết định giảm nhẹ thủ tục cấp visa.

Thật ra, không ai nghĩ đến việc là Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 09/11/1989. Nhưng hôm đó, Guenter Schabowski, viên chức có trách nhiệm thông báo quyết định trên, trong một cuộc họp báo, vì chưa nắm hết thông tin, đã ấp úng trả lời câu hỏi về thời điểm có hiệu lực, nói rằng: “Theo tôi biết thì… ngay lập tức”.

Như thế là hàng chục ngàn người đã đổ xô về biên giới. Lính biên phòng chưa được chỉ thị nào thì đã bị tràn ngập. Lúc 23g30, Trung tá cảnh sát biên phòng Haral Jagger, một mình lấy quyết định mở cổng, mở bức tường.

Ngộ nhận 4: Bức tường sụp đổ ngày 09/11/1989

Trong thực tế, trong đêm 9/11 và nhiều tuần lễ sau đó, người ta đã lấy búa đập bức tường, tạo thêm nhiều lối đi. Nhưng đã phải mất hai năm để tháo gỡ những công trình kiên cố chung quanh Berlin và mất 4 năm để tháo bỏ những công trình dọc biên giới Đông và Tây Đức.

Ngày nay Bức tường vẫn còn đứng vững ở một số nơi, và cũng chưa tìm ra hết hàng trăm quả mìn còn được gài tại nơi này.

Ngộ nhận 5 Người Đức hân hoan mừng ngày Bức tường sụp đổ

Thật ra, đối với nhiều người, nhất là ở Đông Đức, việc thống nhất nước Đức gây ra nhiều khó khăn hơn là dự kiến: Thất nghiệp cao, hố bất bình đẳng vẫn chưa lấp được. Hiện nay nhiều người Đức kêu gọi phải kỷ niệm một cách đúng đắn ngày bức tường sụp đổ.

Báo Les Echos cho biết là ngày mai kỷ niệm 25 năm sự kiện này, 8.000 bong bóng chiếu sáng sẽ được thả dọc theo dấu vết Bức tường trước đây, tạo thành một đường ranh giới “ánh sáng” ở trung tâm Berlin.

Nguồn: BizLive


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề