Bảo hiểm Mỹ lâm đại nạn trong cuộc chiến giá dầu

Một trong những vấn đề cốt lõi quan trọng nhất trong cuộc chiến giá dầu đang diễn ra giữa OPEC với hai đối thủ là Mỹ và Nga là giới hạn khả năng chịu đựng của các bên đối với sự sụt giảm giá dầu dài ngày ở tình hình hiện tại. Khổ nhất sẽ là các tập đoàn bảo hiểm của Mỹ.

Nếu như Nga gần như đã xác quyết rằng nước này có thể giữ nguyên sản lượng đến hết năm 2015 còn OPEC thì vẫn cứng rắn với quan điểm sẽ không thảo luận về vấn đề này cho đến cuộc họp tới diễn ra vào tháng 6.2015, thì câu hỏi về giới hạn chịu đựng chỉ còn được đặt ra với Mỹ. Nhưng, trước hết phải trả lời được câu hỏi, ai mới đang là đối thủ thực sự của OPEC ở Mỹ.

Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu rằng OPEC phát động cuộc chiến giá dầu hiện tại là để nhắm vào Mỹ. Trong rất nhiều năm, bức tranh thị trường dầu thế giới đã tương đối rõ ràng với OPEC nắm quyền lực tối thượng với 40% sản lượng toàn thế giới và một số nước xuất khẩu dầu hàng đầu khác như Nga. Nhưng sự trỗi dậy của Mỹ với tư cách là một cường quốc xuất khẩu dầu mới sau khi cuộc cách mạng dầu đá phiến đã nâng sản lượng khai thác của nước này lên thuộc mức hàng đầu, thì OPEC cảm thấy cần phải hành động.

Dễ dàng nhận ra, các doanh nghiệp dầu đá phiến với chi phí khai thác cao hơn loại dầu thông thường là đích mà OPEC nhắm tới trong cuộc chiến ghìm giá dầu hiện nay, dù việc Nga bị rơi vào khủng hoảng kinh tế trước đó cũng là điều kiện thuận lợi để tổ chức đầy quyền lực này tính toán việc một tên trúng hai đích.

Và thực tế có vẻ diễn ra đúng như những gì OPEC kỳ vọng, khi giá cổ phiếu của các hãng dầu đá phiến Mỹ sụt giảm, còn nợ thì cứ ngày càng tăng. Nhưng nếu cho rằng đó là biểu hiện của việc ngành khai thác dầu của Mỹ dễ tổn thương thì có lẽ vẫn còn hơi sớm. Đơn giản vì các hãng dầu Mỹ vẫn có không ít những hệ thống bảo vệ hữu hiệu, đó là các tập đoàn bảo hiểm khổng lồ vốn đang sở hữu một tiềm lực và nguồn tài chính hàng đầu thế giới.

“Các công ty đều được bảo hiểm đến giữa năm hoặc cuối năm, vì vậy phải chờ ít nhất là đến hết quý đầu tiên để xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Al-Mazroui, bộ trưởng năng lượng UAE khẳng định với hãng thông tấn Reuters hồi tháng trước về tình hình tương lai giá dầu thế giới. Điều này cho thấy hầu hết các hãng dầu đá phiến Mỹ đều được bảo hiểm đến ít nhất là hết quý đầu tiên của năm 2015 và thậm chí kéo dài sang đến nửa năm hoặc cả năm 2015.

Điều này cho thấy hệ thống bảo hiểm của Mỹ với đại diện là các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu mới đang là đối thủ thực sự của OPEC trong cuộc chiến giá dầu lần này. Các tập đoàn bảo hiểm này đang là chỗ dựa vững chắc cho các hãng dầu Mỹ, theo nhiều cách khác nhau.

Gần nhất là các hợp đồng hoán đổi để tự bảo hiểm một phần sản xuất của năm 2015 đang được khá nhiều các hãng dầu sử dụng, theo đó các hãng khai thác dầu này được bảo hiểm giá trị mỗi thùng dầu ở mức giá 90 USD/thùng bất kể mức giá hiện tại trên thị trường chỉ là hơn 60 USD một chút.
Với các gói bảo hiểm này, hầu hết các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ có thể tiếp tục thăm dò và khoan thêm các giếng mới, ít nhất là đến giữa năm 2015 trùng với thời điểm diễn ra cuộc họp tiếp theo của OPEC để quyết định xem có tiếp tục chính sách ghìm giá dầu bằng việc giữ nguyên sản lượng hay không. Đây được xem là tối hậu thư của Mỹ về giới hạn chịu đựng của nước này trong cuộc chiến giá dầu.

“OPEC không nên mong đợi để nhìn thấy bất cứ tác động nào vào việc làm suy giảm ngành dầu đá phiến của Mỹ trong nửa đầu năm 2015 và sự giảm hỗ trợ của bảo hiểm trong nửa sau của năm 2015”, ông Ed Morse, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, một trong những ngân hàng lớn nước Mỹ liên quan đến bảo hiểm rủi ro, cho biết.

Không có gì khó hiểu khi các tập đoàn bảo hiểm của Mỹ chấp nhận tham gia cuộc chơi, vì đây là một cuộc chiến mà nếu thắng ngành bảo hiểm ở Mỹ sẽ có một siêu lợi nhuận thông qua thị phần mới giành được của các hãng dầu. Bảo hiểm rủi ro từ lâu đã là một lĩnh vực bảo hiểm mà người Mỹ đứng đầu thế giới, và không có lý do gì để bỏ qua cơ hội ngon ăn này. Và có vẻ như ở thời điểm hiện tại OPEC mới là người yếu thế nhất, khi mà cả Mỹ và Nga đều có thể giữ nguyên sản lượng đến hết năm 2015.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề