“Người dân hãy là bạn đọc thông thái, tỉnh táo và biết loại bỏ những thông tin xuyên tạc, bôi xấu lãnh đạo đảng nhà nước xuất hiện trên mạng xã hội”.
“Hiện trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin xấu, đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và khi chuẩn bị về công tác nhân sự. Các trang này hầu hết xuyên tạc đường lối chính sách và bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, Thứ trưởng bộ Thông tin Truyền thông trả lời zing.vn.
Cùng nhìn nhận về vấn đế này, chia sẻ với Người đưa tin, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (ĐBQH khóa XIII) cho biết: “Tham gia mạng xã hội là một quyền lợi tự do của công dân. Trên mạng, thì có những tin đúng và những tin không đúng, cũng có cả những tin có mục đích xấu…
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: “Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin sai trái”. |
Quyền đọc thông tin cũng là quyền của người dân, tuy nhiên, khi xem thì người dân cần có sự phân tích để phân biệt cái gì đúng cái gì sai để có cái nhìn nhận đúng.”
Theo tướng Rinh, trước đây, chưa có mạng facebook thì những thông tin xấu thường đi theo con đường thư tín dưới dạng thư nặc danh đi vào các cơ quan có thẩm quyền.
Để xử lý các thông tin xấu trên, các cơ quan chức năng cần có phản hồi hoặc ngăn chặn không cho những thông tin xấu đó phát tán dưới dạng trang cá nhân, mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo tướng Rinh, thường những thông tin kiểu này các máy chủ đều ở nước ngoài khiến gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, an ninh mạng.
Đối với các cơ quan báo chí, tướng Rinh cho rằng với vai trò của mình, báo chí cần thông tin định hướng để người dân được biết. Đồng thời đấu tranh lại cái xấu, không đúng sự thật.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) cho biết, trước đây tình trạng này cũng diễn ra, cứ những dịp trước ĐH Đảng lại có nhiều đơn thư.
Đại biểu Bùi Thị An: “Chúng ta đã bàn đến việc ngăn chặn những thông tin xấu để mạng xã hội lành mạnh hơn.” |
“Bây giờ thời đại internet, mạng xã hội thì tình trạng này diễn biến còn phức tạp hơn.” – Bà An phân tích.
Theo nữ đại biểu, việc tiếp cận thông tin là quyền tự do nhưng việc tiếp nhận nó đúng sai là phụ thuộc vào trình độ, dân trí.
“Chúng ta cần tự do nhưng cũng cần ngăn chặn, quản lý để mạng xã hội lành mạnh hơn” – Vị nữ đại biểu kết luận.
Trước đó, Zing dẫn lời Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh lại các thông tin xấu độc này. Trước hết, người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cần có những bài viết có tính chiến đấu sâu sắc hơn, vạch trần âm mưu thủ đoạn xuyên tạc của những kẻ xấu, những thế lực thù địch dùng các chiêu bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, cần có bài viết nâng cao tinh thần cảnh giác để người dân biết đó là thông tin xấu độc. Không chỉ dịp Đại hội Đảng, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện những thông tin xấu độc ồ ạt hơn. Hiện trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin xấu độc, đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và khi chuẩn bị về công tác nhân sự. Các trang này hầu hết xuyên tạc đường lối chính sách và bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. |
Theo nguoiduatin.vn
Trả lời