Cảnh báo nguy cơ Việt Nam phụ thuộc nước ngoài

Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo, nếu Việt Nam không phát triển công nghiệp hỗ trợ, chắc chắn phụ thuộc lớn vào bên ngoài.

Không thể tránh khỏi phụ thuộc

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện nay, trong tổng số hơn 18.000 dự án FDI còn hiệu lực thì có 9.800 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 143,8 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.

Báo Dân trí dẫn thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cơ cấu đầu tư như trên là đúng hướng và có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Theo đó, công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng trong nội tại nền kinh tế. Nếu không làm được điều này thì dù có đầu tư nước ngoài nhiều, giá trị gia tăng của Việt Nam là hạn chế.

“Nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài” – Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo.

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không có nghĩa chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công , không phải chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lắp ráp mà còn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới. Đây là vấn đề then chốt nhất của công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, các ngành có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhất thiết phải quan tâm, phát triển được lực lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi đây lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát triển một cách mạnh mẽ thì không chỉ tạo động lực lớn hơn cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm mà còn tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn phục vụ cho sản phẩm công nghiệp chính, những công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng này.

Doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam

Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, sự phụ thuộc vào nước ngoài về việc nhập linh phụ kiện của nền kinh tế Việt Nam không còn là nguy cơ nữa.

Tổ chức JETRO (Nhật Bản) từng cho biết số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp, trong khi của Trung Quốc và Thái Lan chiếm tới 50-60%. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ dao động từ 15 đến 30% trong sản phẩm công nghiệp, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài dẫn lại số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ cung ứng cho cho nước ngoài nhưng cũng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử, nhiều sản phẩm không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, công nghiệp ô tô đã từng đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%. Ngành dệt may dự kiến nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 nhưng hiện vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.

Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hoặc đang đánh tiếng rời bỏ Việt Nam nếu không được ưu đãi thêm, đẩy Việt Nam vào nguy cơ ngày càng chịu thiệt.

Vào tháng 4/2015, Toyota Việt Nam sau khi dậm doạ đã có văn bản xin hàng loạt ưu đãi lên Chính phủ. Tiếp đó, đến lượt hãng GM cũng cân nhắc tiếp tục duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về.

Trí Lê (Theo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề