Cái ốc vít cho điện thoại Samsung rất nhỏ, lâu nay Samsung nhập từ nước ngoài vào Việt Nam với giá 50 đồng một chiếc. 1.000 đồng mua được những 20 chiếc. Thế mà nó lại trở thành chuyện lớn, được nêu ra nghị trường để tranh luận.
Không phải là chuyện ốc vít. Đây là chuyện về năng lực nghiên cứu – phát triển, sản xuất và bán hàng hoá công nghiệp. Nôm na là Việt Nam có biết làm công nghiệp không?
Tại diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế – Lời giải từ sản phẩm Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 1/11, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch BKAV, nói: “Việt Nam hoàn toàn sản xuất được những thiết bị công nghệ cao. Điểm yếu nhất là các doanh nghiệp không khắt khe trong các tiêu chuẩn sản phẩm”.
Cũng tại diễn đàn đó, một số diễn giả cho rằng nước ta thừa sức làm ốc vít, thậm chí cả iPhone 6, nhưng làm để làm gì?
Cuộc tranh luận này làm tôi nhớ lại một chuyện cũ. Ngày 15/11/1988, Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ con thoi sử dụng nhiều lần có tên Buran (Bão Tuyết). Khi phỏng vấn ông Valentin Glushko, tổng công trình sư dự án, phóng viên một tờ báo Liên xô hỏi: “Ngành công nghiệp Liên Xô nay đã sản xuất được tàu coi thoi Buran tốt không kém tàu con thoi Colombia của Mỹ. Theo ông, Liên Xô có thể sản xuất được tủ lạnh tốt không kém tủ lạnh Nhật không?”. Glushko đã trả lời hóm hỉnh mà thẳng thắn: “Tất nhiên được chứ! Nhưng tôi e rằng giá thành cái tủ lạnh Liên Xô đó cũng bằng cái… tàu Buran”. Chuyến bay ngày 15/11/1988 là chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của chương trình tàu vũ trụ con thoi tiêu tốn của Liên Xô 20 tỷ rúp (gần 30 tỷ USD theo tỷ giá chính thức lúc đó).
Nó cũng làm tôi nhớ lại ý của một ông giám khảo cuộc thi sắc đẹp nào đó, rằng so với các thí sinh hoa hậu quốc tế thì thí sinh của ta chỉ kém hơn về thể hình, ứng xử và kiến thức. “Chỉ” kém họ ở mấy điểm thế thôi, chứ các mặt khác đều ổn cả. Về các sản phẩm công nghiệp cũng vậy. Ta cũng chỉ kém người về khả năng nghiên cứu – phát triển, thiết kế, sản xuất quy mô lớn, kiểm soát chất lượng sản phẩm và năng lực bán hàng. Các mặt khác đều ổn cả.
Rất nhiều người Việt Nam nghĩ cái gì thế giới đã làm tốt rồi thì Việt Nam chẳng nên làm nữa, mua về mà dùng. Họ nghĩ Việt Nam chỉ nên làm những gì thế giới chưa làm tốt. Tôi nghĩ mãi không ra thứ gì thế giới còn chưa làm tốt và đang trông chờ lời giải từ Việt Nam. Hình như mọi thứ đều có ai ở đâu đó đang làm và làm tốt.
Tôi cũng thắc mắc tại sao khi Nhật đã làm hàng điện tử tốt rồi; Pháp đã làm nước hoa, mỹ phẩm tốt rồi; Italy đã làm thời trang tốt rồi; Mỹ đã làm điện ảnh tốt rồi; Đức đã làm ôtô tốt rồi… Hàn Quốc lại nhảy vào tất cả lĩnh vực đó để rồi… thành công? Họ đầu tư nhiều cho nghiên cứu – phát triển (R&D), cử nhiều người ra nước ngoài học, mời nhiều chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Rồi họ làm được hết và làm rất tốt. Trung Quốc cũng đã và đang sản xuất tất cả mọi thứ lâu nay thiên hạ đã sản xuất tốt rồi. Họ làm không hẳn tốt hơn, nhưng làm số lượng cực lớn, giá cực rẻ và bán hàng cực giỏi. Trung Quốc nay đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) về đầu tư cho R&D. Mỗi năm họ chi 2% GDP, bình quân mỗi ngày gần 1 tỷ USD cho R&D. Họ đứng thứ ba về số lượng đăng ký bản quyền sáng chế PCT (sau Mỹ và Nhật Bản).
Trong lĩnh vực công nghiệp, đối với trí tuệ và khả năng con người, không tồn tại bất kỳ giới hạn nào về chất lượng, giá cả. Mọi thứ đều có thể được làm tốt hơn. Mọi thứ đều có thể được làm rẻ hơn. Trước đây, GPS là một tính năng đắt đỏ, chỉ sử dụng cho các thiết bị quốc phòng. Nay GPS là tính năng bình dân của nhiều điện thoại di động có giá chỉ vài chục USD mỗi chiếc. Trước đây, Boeing của Mỹ là nhà chế tạo máy bay “bất khả cạnh tranh”. Mấy năm gần đây, Airbus của châu Âu đã soán ngôi của Boeing về số loại và số lượng máy bay bán ra mỗi năm. Không có gì là không thể.
Chúng ta đã và đang ngụy biện cho năng lực công nghiệp kém cỏi của mình. Khái niệm “làm được” được hiểu một cách hời hợt. “Làm được” phải là thiết kế được, sản xuất được với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, giá thành có tính cạnh tranh và bán được hàng. Nếu chưa phải như thế thì chưa thể nói là “làm được”.
Hơn 30 năm trước, chúng tôi buôn bàn là, nồi áp suất từ Liên Xô về Việt Nam. 30 năm sau, vào các siêu thị hàng gia dụng ở Việt Nam, tôi không thấy cái bàn là, nồi hầm Việt Nam nào cả. Các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp khác cũng rất hiếm. Chỉ còn 6 năm nữa là đến mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp (2020), nhưng xem danh sách 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, không thấy sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chỉ thấy bia, màn tuyn, săm lốp cao su, cửa sổ nhôm kính, dây cáp điện, đá ốp lát, đồ nhựa, hàng may mặc, phân lân, thức ăn chăn nuôi…
Không quốc gia nào sản xuất đủ và tự cung tự cấp mọi hàng hoá công nghiệp. Nhưng một nước đất chật, dân đông trên 90 triệu người như Việt Nam mà không phát triển sản xuất công nghiệp với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, chỉ gia công lắp ráp và nhập ngoại hàng hoá công nghiệp, là không ổn. Gia công lắp ráp mang lại giá trị gia tăng rất thấp, chỉ là tiền công. Nhập hàng hoá công nghiệp nước ngoài thì phải có tiền. Giá trị hàng hoá nông, thuỷ sản và dịch vụ không thể đủ để nhập khẩu hàng công nghiệp, ta buộc phải bán tài nguyên để cân đối ngoại thương. Nhưng tài nguyên không phải là niêu cơm Thạch Sanh. Nếu Việt Nam không biết làm công nghiệp thì khó mong có sự thịnh vượng.
Trong 9 tháng đầu năm, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 20,17 tỷ USD và dự kiến đạt 27 tỷ USD cho cả năm, rất đáng ngại. Tình hình nhập siêu của Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu nền sản xuất công nghiệp Việt Nam cứ đì đẹt mãi như trong mấy chục năm qua.
Thế nên chuyện này không hề nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn.
Lương Hoài Nam (vnexpress)
Trả lời