Phi công tiêm kích thượng hạng của không quân Xôviết Alếchxanđrơ (Xasa) Ivanôvích Pôcrưskin

Alếchxanđrơ Ivanôvích Pôcrưskin (bạn chiến đấu thường gọi là Xasa) sinh ngày 6 tháng Ba năm 1913 tại Nôvôxibiếcxcơ. Học hết 7 năm ở trường phổ thông, anh trở thành thợ cơ khí ở nhà máy. Nhưng giấc mơ bay lên bầu trời vẫn cháy bỏng trong anh ngay từ khi nhìn thấy một chiếc máy bay đầu tiên.

Năm 1932, khi ghi tên vào trường không quân, anh được xếp vào học thợ máy và trở thành tổ trưởng tổ thợ máy của bốn chiếc máy bay trong một trung đoàn ở Cuban, nơi sau này anh gặt được phần lớn những chiến thắng trên bầu trời của mình.

Trong một kỳ nghỉ tại Khôxta (gần Xôchi) tại nhà nghỉ của lực lượng không quân Hồng quân, anh gặp Xtêpan Xuprun, lúc này đã là một phi công thử nghiệm nổi tiếng và số phận anh đã được định đoạt. Xuprun dường như đã nhìn thấy ở trong Pôcrưskin tiềm ẩn những phẩm chất của một phi công thượng hạng, và đã giúp đỡ anh đi học lái.

Năm 1941, trung đoàn của Pôcrưskin đóng tại vùng Bienxư của Mônđavi mới trở về với Liên Bang Xôviết, gần biên giới Liên Xô – Rumani, thuộc Quân khu Ôđétxa. Trung đoàn được trang bị bằng những chiếc tiêm kích I-16 và I-153s.

Thời chiến đấu bằng MiG-3

Alexander_Pokryshkin_student

Học viên thợ máy

 

Tháng Năm năm 1941, Trung đoàn được trang bị bằng những chiếc MiG đầu tiên tại căn cứ không quân Bienxư, và anh tham gia chuyển chúng về sân bay Maiaki. Chiếc máy bay giao cho anh có lẽ là một chiếc MiG1, không có rađiô và bù lại có hàng đống… khuyết điểm, đòi hỏi xưởng dã chiến của Lữ đoàn phải mất đến vài tuần để lắp ráp hoàn thiện.

Chiếc MiG-3 nhanh chóng chinh phục được Pôcrưskin, anh viết trong hồi ký “Bầu trời chiến tranh” của mình như sau: “Ta có thể ví nó như một con ngựa đua hăng hái và bất kham: dưới tay một kỵ mã giỏi thì nó bay như một mũi tên, nhưng ai không làm chủ được nó, sẽ bị nó xéo dưới chân. Nói chung, công trình sư nào cũng khó tập hợp được cùng mức độ ở máy bay mọi tính năng bay và hiệu quả của hoả lực. Mỗi kiểu đều bộc lộ những nhược điểm nhất định. Nhưng trong mỗi kiểu tiêm kích của những năm đó, chúng tôi đã thấy một thành công mới về kỹ thuật.

Tính năng chiến đấu ưu việt của chiếc MiG-3 ẩn giấu sau một số nhược điểm. Chỉ người phi công nào muốn sử dụng có hiệu quả những đặc tính đó bằng lao động cần cù, bằng cách sử dụng hợp lý mới có thể cảm thấy và nhận ra được… Bổ nhào dễ dàng, đạt được tốc độ năm trăm kilômét, rồi lại vọt lên tận bảy trăm mét, những tính năng rất quan trọng mà chiếc I16 không thể có được. Vọt lên thẳng đứng dài, bảo đảm được độ cao, mà độ cao lại là dự trữ cho tốc độ. Nói tóm lại chiếc MiG đã đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ chủ yếu của chiếc máy bay tiêm kích: tiến công!”

Trong luyện tập, Xasa Pôcrưskin say sưa với những thủ pháp chiến thuật mới, với những cú nhào lộn kinh người mà bạn chiến đấu thường gọi là những “cú móc”, và không phải từ đầu tất cả mọi người đều đồng tình với những “trò xiếc” đó.

“Nạn nhân” đầu tiên chiếc Su-2

Chàng phi công trẻ thời ở Bienxư

Chàng phi công trẻ thời ở Bienxư

Chỉ vài giờ sau chiến tranh, Xasa đã cất cánh tham gia trận đánh đầu tiên đánh chặn máy bay ném bom. Phi đội được lệnh cất cánh và anh nhìn thấy một kiểu máy bay mới lạ, một động cơ, người lái và xạ thủ ngồi cùng trong một buồng lái. Trong ánh nắng ngược chiều, anh lao vào tấn công một chiếc bay ngoài cùng và chỉ nhận ra ngôi sao đỏ khi đã bóp cò. Chiếc máy bay kiểu mới, trước đó còn trong bí mật Su2 bị bắn phải hạ cánh bắt buộc bằng bụng xuống cánh đồng. Xasa trở về với tâm trạng hết sức nặng nề, xấu hổ và chỉ đến sau chiến tranh anh mới được biết về số phận bi thảm của những người phi công trên chiếc Su2.

 

Ngày hôm sau Xasa lại tiếp tục xuất kích và tìm được chiến thắng đầu tiên. Bay trinh sát cùng phi công bay cặp Xêmiônốp, họ gặp hai tốp Métxe, một tốp ba chiếc, một tốp năm chiếc. Xasa quên mệnh lệnh không được chiến đấu khi trinh sát, lao vào những chiếc tiêm kích có cái mũi vàng bằng lòng căm thù mãnh liệt, trong khi chúng cũng đang chiếm vị trí để chuẩn bị công kích. Một chiếc bám đuôi Xêmiônốp, và Xasa lao cả chiếc máy bay nặng ba tấn rưỡi vào nó, những chiếc khác tưởng anh bỏ chạy. Ra khỏi bổ nhào, máy bay vẽ một đường cong dài lõm xuống và đã ở dưới chiếc Metxe đang bám Xêmiônốp, một loạt đạn, một loạt nữa… Tên Đức tăng hết cửa dầu nhưng không kịp, nó bùng cháy và đâm xuống đất. Anh nghiêng cánh để xem cho rõ tên Đức đâm xuống đất và chỉ khi tiếng đầu đạn chạm vào máy bay anh mới tỉnh ra. Chính là hai tên kia đã “túm” được anh, hai tên khác thấy đồng đội bị hạ đã rút từ trước. Chiếc Mi-G bị thương nặng bay một cách khó nhọc nên Xasa phải cố gắng tránh giao chiến và lẩn về sân bay. Đó là chiến công đầu tiên. Quả là phi công đã rất “son” khi viên đạn làm nát bình hơi nén mà không trúng nơi nào khác. Lần thứ hai, viên đạn trúng máy ngắm trước mặt phi công khi anh lao vào tấn công máy bay ném bom, còn lần thứ ba là khi hộ tống máy bay ném bom Su-2, các mảnh đạn đều trúng bánh xe mà không làm hại máy bay. Quả là để trở thành một phi công “Át” còn phải có một chút may mắn!

 

Chiếc MiG đầu tiên của Pocrưskin bị bắn bởi một khẩu flak AA rơi ở trong rừng gần sông Prút, ngay ở một nơi mà trận đánh vừa diễn ra ở đó. Anh chỉ trở về được đến trung đoàn sau bốn ngày lang thang. Về đến nhà, chính thời gian điều trị là thời gian anh bắt đầu ghi chép những kinh nghiệm và về những ngày chiến đấu đầu tiên của chiến tranh.

 

Lần đầu tiên được nhìn thấy máy bay cường kích IL-2, Pôcrưskin cũng có bay thử. Thực sự các phi công tiêm kích đã bị choáng trước chiếc cường kích mới: bọc thép dưới bụng, hai bên sườn, buồng lái có kính chống đạn, như một chiếc ôtô. Anh thực sự bị kích thích vì chiếc máy bay: động cơ mạnh, tốc độ tốt, pháo, đại liên, rốckét… cả bom nữa. Anh kể trong hồi ký: bay thử IL-2 theo kiểu phi công cường kích nửa mùa và hạ cánh thì đúng là phi công tiêm kích. Trung đoàn trưởng, trung tá Víchto Pêtrôvích Ivanốp hỏi anh có muốn chuyển sang lái IL không, thì Pôcrưskin thẳng thắn trả lời: Chiếc IL là cừ khôi, nhưng tôi sẽ không đổi máy bay tiêm kích lấy bất kỳ cái gì khác. Có thể các nhà thiết kế sẽ kết hợp được vài cái gì đó ở các máy bay tiêm kích. Rồi chúng ta sẽ có những chiếc tiêm kích khá hơn chiếc MiG!

 

Víchto Pêtrôvích đã nói một điều tiên tri: “Tôi hiểu, cậu là một phi công tiêm kích rất tự tin! Ai chọn đúng đường, người ấy sẽ còn đi xa…” Thế là Xasa ở lại với tiêm kích, còn Valentin Phighisép, bạn chiến đấu của anh cùng một số phi công khác chuyển sang cường kích. Khi trung đoàn chuyển về căn cứ không quân ở Côtôvét, những khẩu súng liên thanh 12,7mm BS của MiG-3 được thay bằng những khẩu SKA rất yếu, nhưng được đeo thêm 100 kilôgam bom và sau đó là thay bằng mấy trái rốckét. Công nghiệp hàng không của Liên Xô lúc đó gặp khó khăn, không có đủ súng liên thanh trang bị cho máy bay tiêm kích mới Yak-7. Một lần, anh túm được một con lợn con ở gần máy bay. Anh trói gô nó lại và để đằng sau ghế lái chiếc MiG-3, và đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát cùng với chú lợn con đó.

Bên chiếc MiG-3

Bên chiếc MiG-3

Ngày 5 tháng Mười năm 1941, chiếc MiG-3 đeo rốckét của Pôcrưskin bị một phi công Đức trên chiếc Métxe bắn bị thương phải hạ cánh bắt buộc ở gần Ôrêkhốp. Anh lao vào tấn công xe cộ Đức trên đường bằng rốckét, nhưng người hộ vệ cũng quên nhiệm vụ và tham gia, đó chính là những điều kiện thuận lợi để Métxe chiếm độ cao tấn công họ. Pôcrưskin lừa bắn cháy được một chiếc, nhưng bọn còn lại quây vào bắn. Hạ cánh bắt buộc vào một nơi chiến sự đang diễn ra, một mắt bị thương, Pôcrưskin vẫn tìm cách kéo chiếc máy bay về để dùng tiếp, và may mắn kiếm được một chiếc xe ôtô tải bị Hồng quân bỏ lại. Chiếc MiG được đặt đuôi lên thùng xe tải và lên đường. Trên đường là cả một sự hỗn loạn kinh khủng, khi mà quân Đức đang tiến như chẻ tre và Hồng quân đang rút lui. Ở Sécnhigốpca, Pôcrưskin tìm được một đơn vị không quân nhưng đồng chí thiếu tướng chỉ huy cũng không còn làm chủ được tình hình nữa. Ông khuyên Pôcrưskin đốt chiếc máy bay, vì chỉ người thoát được khỏi vòng vây cũng đã là may mắn lắm rồi. Muốn vượt được khỏi vòng vây, họ còn phải vượt hai con sông: sông Bécđa và sông Caratítsơ. Thực ra, không thực sự là vòng vây mà có lẽ là bọn nhảy dù Đức thì đúng hơn, và họ đã thoát sau hai tuần lễ, và thay vì về trung đoàn bằng máy bay MiG-3, Pôcrưskin về bằng xe tải.

 

Mùa đông năm 1941, trung đoàn chỉ còn có mười chiếc I-16, được dùng chủ yếu cho các nhiệm vụ huấn luyện. Thỉnh thoảng họ dùng chúng, đeo rốckét vào để tấn công các mục tiêu mặt đất.

 

Cuối tháng Chạp, Pôcrưskin hoàn thành nhiệm vụ trinh sát khó khăn đã “ngốn” của bộ chỉ huy Hồng quân vài phi công: tìm bằng được đơn vị xe tăng phátxít Đức của Clâyxtơ. Cùng thời gian này, do hạ được mười máy bay địch và xuất kích trên 200 lần, Pôcrưskin được tặng thưởng huân chương Lênin. Pôcrưskin nhận huân chương nhưng vẫn nhớ đến những người bạn chiến đấu đã hy sinh từ những ngày đầu tiên gian khổ của chiến tranh: Cônxtantin Mirônốp; Anatôli Xôcôlốp; Điasencô; Nadarốp; Atơraskiêvích.

 

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, thỉnh thoảng anh bay trên I-16 cho đến tận tháng Hai năm 1942, anh mới kiếm được một chiếc MiG-3 khác. Lúc này họ thiếu máy bay đến mức hai phi công phải bay chung một chiếc, Xasa bay chung một chiếc MiG-3 với phi công Đaniin Nikitin, cho đến tận khi Nikitin hy sinh. Từ đó Xasa chỉ bay một mình với một chiếc MiG khác.

 

Tháng Ba. Trung đoàn không quân độc lập 55 của Pôcrưskin được tặng danh hiệu danh dự Cận vệ và đổi thành Trung đoàn không quân tiêm kích Cận vệ 16.

 

Tháng Tư năm 1942, một phi công người Crôáttia (Nam Tư) lái một chiếc Métxesmít Bf-109F kiểu mới nhất vừa bay sang hạ cánh trên đất Liên Xô. Bộ chỉ huy Hồng quân quyết định cho các phi công “Át” của họ học tập rút kinh nghiệm bằng cách bay thử nghiệm các tính năng bay của nó. Pôcrưskin cũng tham gia vào nhóm công tác đặc biệt đó. Chiếc Bf109F và chiếc Yak-1 được chế tạo trong những điều kiện tuyệt mật ở hai nước, nhưng rất giống nhau ở các tính năng bay và chiến đấu. Các công trình sư đã cùng đạt được một số giải pháp trong một số vấn đề. Càng bay thử, anh càng nhận ra là chúng giống nhau.

Thời kỳ Yak-1

Tháng Giêng năm 1942, trung đoàn được nhận 10 chiếc Yak-1 đầu tiên, từ một trung đoàn khác. Trong mùa xuân đó, trung đoàn nhận được nhiều máy bay tiêm kích Yak-1 mới. Quá trình huấn luyện bay chuyển loại của trung đoàn không có nhiều thời gian và thường được tiến hành ngay trong điều kiện chiến đấu. Phi đội của Pôcrưskin dùng máy bay Yak- được giao nhiệm vụ yểm hộ cho máy bay MiG của phi đội khác làm nhiệm vụ oanh tạc bằng bom. Sau một thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt, anh quay trở lại phi đội từ mùa hè năm 1942, phi đội đã có người chỉ huy mới, đại uý Anatôli Cômốtxa, một phi công đã từng bị thương và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên những chiếc Yak-. Trên thực tế, phi đội trưởng thường xuyên bị đau do vết thương tái phát nên không xuất kích được, nhiệm vụ chỉ huy phi đội thường xuyên do phó chỉ huy phi đội Pôcrưskin đảm nhiệm. Anh lại được nhận một chiếc Yak-1 mới vì hầu hết những chiếc MiG cũ đều đã giao cho phi đội của Phighisép để làm nhiệm vụ cường kích.

Xasa Pôcrưskin không khoái máy bay Yak-. (Có lẽ vì thế mà Yacốplép cũng không khoái anh chăng – khi Pôcrưskin đến thăm ông ở Mátxcơva và góp ý một số vấn đề về máy bay, ông đã lạnh nhạt đón tiếp. Ngược lại với Áctem Micaian (Công trình sư các thế hệ Lagg, La-5, La-7), Pôcrưskin có quan hệ rất tốt. Trong hồi ký “Mục đích cuộc sống” của mình, Yacốplép chỉ nhắc rất sơ sơ về Pôcrưskin). Anh cho rằng những chiếc Yak- thậm chí không đáng tin cậy bằng những chiếc MiG cũ. Nó có nhiều khuyết điểm ngay từ khâu sản xuất, thậm chí Pôcrưskin không thích nó đến mức anh nói với người đồng đội Rếchcalốp: “Yak- được làm ra bởi những người thợ mộc vụng về”. Như trên đã nói, lúc đó Yacốplép là Phó Uỷ viên nhân dân công nghiệp hàng không, là người quan trọng và bản thân ông không thích một phi công ngang bướng như Pôcrưskin. Cuối năm 1941, khi xét khen thưởng anh bị xếp thứ hai trong danh sách, sau Phighisép dù xuất kích nhiều hơn và hạ nhiều máy bay địch hơn, cũng vì lẽ tay phi công ngang bướng này không được lòng nhiều thủ trưởng. Bất chấp những thành kiến đó, phi đội của anh được chiến đấu xuất sắc trên những chiếc Yak-1. Anh không phàn nàn và những chiến công đã nói lên tất cả. Anh đã hạ chiếc Me109F đầu tiên của mình, và đây cũng là lần đầu tiên phátxít Đức sử dụng loại tiêm kích mới này ở mặt trận phía nam, nơi mà trước đây chỉ có Me109E. Cũng trong thời gian này, anh làm quen và kéo về trung đoàn một phi công tiêm kích thượng hạng, thượng sỹ Vađim Phađêép. Những phi công “Át xịn” không cần nhiều thời gian để hiểu nhau và giữa họ đã hình thành mối quan hệ tình bạn chiến đấu thân ái và khăng khít.

Tháng Bảy năm 1942, khi cùng một phi công dùng chiếc U-2 đi tìm hai phi đội của trung đoàn (lúc này trung đoàn của anh đi nghỉ), anh hạ cánh xuống sân bay Stavrôpôn và bắt gặp 3 chiếc MiG-3 bị bỏ lại khi quân Đức đã chuẩn bị chiếm sân bay. Trong 3 chiếc chỉ có một là có thể bay được và anh đã cứu được nó ngay trước mũi quân Đức.

Đây là thời gian quân Đồng minh đổ bộ lên Ôran (Angiêri). Một lần, ở căngtin sỹ quan Pôcrưskin va chạm với một thiếu tá, cả hai cùng có uống tí chút. Cùng với một số va chạm cũ với một số cán bộ chỉ huy của Trung đoàn như thiếu tá Craiép, anh bị đề nghị khai trừ khỏi Đảng cộng sản. Một sự việc nữa, là va chạm với trung đoàn trưởng trung đoàn đến thay thế, thiếu tá Ibraghim Đdútxốp khi ông không chịu nhận trong số máy bay được bàn giao chiếc MiG “vằn” mà anh đã cứu thoát khỏi tay bọn Đức. Với sỹ quan dẫn đường của trung đoàn, thiếu tá Craiép, là vụ tai nạn của Xtêpan Xuprun (trùng tên với phi công nổi tiếng), người về trung đoàn sau Pôcrưskin, hạ được 5 máy bay Đức và trở thành một phi công tốt và từng trải. Khi trung đoàn di chuyển đến sân bay mới, Xtêpan bị tai nạn khi hạ cánh và hy sinh. Không chờ toàn trung đoàn đến, Craiép hạ lệnh đem anh đi chôn mà không có lễ truy điệu trọng thể, và va chạm giữa Pôcrưskin với Craiép đã xảy ra như thế.

Một phi công có nhiều lần xuất kích nhất (trên 400 lần) và hạ nhiều máy bay địch nhất (12 chính thức và một số chưa chính thức) ở tiền tuyến thì về hậu phương lại được coi là không xứng đáng là Đảng viên cộng sản và sỹ quan cận vệ! Trong suốt hai tháng, anh phải vật lộn với những thành kiến và dằn vặt, Phađêép tạm thời thay anh chỉ huy phi đội. Nhưng có các chỉ huy đã hiểu anh: Sư đoàn trưởng mới, đại tá Vôncốp đã tìm hiểu kỹ sự việc và kéo anh ra khỏi vụ rắc rối. Những người mới về trung đoàn trước đây chưa hiểu đã biểu quyết khai trừ Pôcrưskin nay đã nghĩ lại. Anh được phục hồi Đảng tịch và được đề xuất đề bạt phó chỉ huy một trung đoàn đang được thành lập trang bị bằng toàn máy bay tiêm kích La-5 mới toanh tuyệt vời. Nhưng anh không thể bỏ trung đoàn với những người bạn chiến đấu thân thiết và chấp nhận ở lại trung đoàn như một phi công thường.

Những rủi ro qua đi, nhưng anh đã bị “đánh trượt” trong lần phong danh hiệu Anh hùng Liên bang đầu tiên. Nếu không thì anh đã là phi công bốn lần đã phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô cũng không biết chừng. Nhưng bù lại, anh lại có được cái khác: khi trung đoàn đóng ở thị trấn Manát bên bờ biển Cátxpiên, anh gặp cô y tá Maria, câu chuyện đã bắt đầu kết thúc có hậu. Và còn một tin vui nữa đã đến không chỉ với họ mà với toàn thể nhân dân Xôviết: chiến thắng vĩ đại của Hồng quân tại thành phố Xtalingrát. Cuộc đời của Pôcrưskin được bước sang một trang mới. Sau sự việc đó, nhất là sau khi bắn trượt mục tiêu chỉ vì một chén rượu nhỏ, anh không bao giờ uống rượu nữa.

Pôcrưskin không chỉ là một phi công thượng hạng, anh còn là một phi công quá cá tính, và nó gây ra cho anh không ít những phiền toái.

Thời chiến đấu bằng P-39 Airacobra

Bên chiếc P-39 Airacobra

Bên chiếc P-39 Airacobra

Ở Bacu, trung đoàn nhận được tin là sẽ được trang bị lại bằng máy bay tiêm kích của Mỹ P-39 Airacobra, theo hợp đồng thuê mượn vũ khí với Chính phủ Hoa Kỳ. Họ phải chuyển chúng về bằng cách bay sang Têhêran bằng máy bay vận tải và từng người lái chúng về, vượt dãy núi Cápcadơ. Xasa rất thích chiếc máy bay mới này, nó như được chế tạo cho riêng anh vậy.

Sau một số trận không chiến, anh nhận thấy khi trở về máy bay hết đạn liên thanh mà còn khá nhiều đạn pháo, do cò súng của hai loại vũ khí ở hai vị trí khác nhau, mà của súng liên thanh thì lại thuận lợi hơn. Một sáng kiến được kỹ sư trưởng của trung đoàn, đại uý Giơmút thực hiện: đồng bộ hoá hai cò súng vào chỉ một cò duy nhất. Và từ đó những chiếc máy bay Đức gần như vỡ tan trước loạt đạn của anh. Về sau P-39 của toàn trung đoàn đều được sửa cò súng như vậy.

Từ tháng Tư năm 1943, trung đoàn không quân tiêm kích Cận vệ 16 chiến đấu trên vùng Cuban, ở Crátxnôđa, bắt đầu thời kỳ chiến đấu thành công của Pôcrưskin và toàn trung đoàn, dù lúc đó trung đoàn có một người chỉ huy không ra gì lắm, thiếu tá Craiép. Sau một thời gian khá dài, đến ngày 14 tháng Tư Xasa đã lấy lại được phong độ: trong một trận không chiến, anh hạ 4 máy bay Bf109 của địch. Chỉ trong một tuần đó, toàn trung đoàn hạ được 29 máy bay địch, riêng Pôcrưskin hạ 6 chiếc.

 

“Chúng tôi bay biên đội sáu chiếc. Rếchcalốp với đồng chí hộ vệ làm nhiệm vụ yểm hộ. Anh nổi lên hơn người ở sự nhạy cảm nắm ý định mỗi trận đánh và bất kể tình thế trên không ra sao, anh thường chiến đấu đến cùng và trở về thắng lợi.

Trên đường bay, tôi nghe trên vô tuyến:

– “Ba tốp chín chiếc Gioongke đang hướng về Crátxnôđa. Phải bảo vệ thành phố!”

Tôi trả lời sư đoàn trưởng đã nhận được lệnh và đổi ngay hướng bay. Trước khi đến Craxnôđa, tôi phát hiện tám chiếc Métxe ở phía dưới: như thế là máy bay ném bom còn đang ở trên đường. Tôi bổ nhào ngay xuống dưới trần mây và tiến công một trong những chiếc máy bay địch. Tôi có ưu thế độ cao và cú đánh như tiếng sét. Chiếc Métxe bốc lửa rơi xuống. Rếchcalốp cũng hạ một chiếc khác. Tốp máy bay địch tán loạn, bay sát đất và cuống cuồng rút lui. Sự hoảng hốt, như người ta biết, không bao giờ tăng thêm sức mạnh. Chúng tôi truy kích ngay. Đồng chí hộ vệ của tôi, một chàng trai rất trẻ lần đầu tiên bay với tôi, đuổi theo một chiếc Métxe:

– “Tôi công kích, tôi công kích, yểm hộ tôi!” Cậu ta hét lên trong vô tuyến. Tôi hiểu rõ trạng thái tinh thần của người phi công trẻ trong lần chiến đấu đầu tiên.

– “Tôi yểm hộ, tôi yểm hộ, cứ công kích!” – Tôi trả lời và bám theo cậu ta. Sốt ruột, cậu ta nổ súng ở cự ly xa.

– “Bình tĩnh, đừng vội vàng bắn” – Tôi nói với cậu ta – “Hãy lại gần hơn nữa.”

Cậu ta nghe những lời đó đúng lúc thần kinh và đầu óc căng thẳng tột độ. Lòng ham muốn bắn rơi kẻ địch và tình cảm chiến thắng đã ở trong tầm tay có thể làm lu mờ cả sự suy luận, kể cả một chiến sỹ từng trải. Câu nhắc nhở của tôi về sự cần thiết tính toán cơ động và hiệu chỉnh đường ngắm có thể làm cho đồng chí phi công trẻ có thể lấy lại được bình tĩnh. Tràng liên thanh thứ hai của cậu ta khiến kẻ thù không thể chịu đựng được: chiếc Métxe bốc cháy.

Tôi nhớ lại nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi: bảo vệ Crátxnôđa, nơi mà bọn ném bom địch đang bay đến. Theo lệnh tôi, toàn đội bay về hướng thành phố. Đồng chí hộ vệ của tôi giữ đúng cự ly gián cách, và rất tự tin lái chiếc máy bay:

– “Hoan hô! Chàng trai!” – Tôi nói với cậu ta qua vô tuyến điện.

Một tốp máy bay Gioongke đã thọc đến thành phố, và một đám khói lớn đã bốc lên lơ lửng ở vùng ngoại ô. Trên trời, quay cuồng những máy bay tiêm kích của đơn vị bạn.

Nhưng một chiếc máy bay lạ bỗng đến nhập vào sáu máy bay của chúng tôi. Tôi nhận ra đó là chiếc Kítti Hốc (Kitty Hawk) của trung đoàn Đdútxốp. Trận đánh chắc nóng bỏng, và có lẽ anh bạn bị mất liên lạc với đồng đội, không tìm thấy họ. Nhưng anh không vội quay về: khi động cơ còn quay và vũ khí còn đạn, anh còn khao khát chiến đấu. Thật là vui sướng khi nhìn thấy như vậy.

Vừa rời mắt khỏi chiếc Kítti Hốc để quan sát những đám mây, tôi bỗng phát hiện một tốp Métxe. Bọn phátxít tăng tốc độ đang đuổi theo chúng tôi. Ngoặt gấp, chúng tôi bay tới gặp chúng. Bằng một cú đòn công kích, bổ nhào rồi vọt lên bắn “vào bụng”, tôi hạ tên tốp trưởng. Máy bay hắn lao xuống đất để lại ở sau một dải khói. Những chiếc khác vội vàng lẩn vào mây.

Chúng tôi bay về hướng Crưmxcaia. Một đội hình mới Métxe bất ngờ xuất hiện chặn chúng tôi. Lại một cuộc chiến đấu mới: chúng đông gấp đôi, nhưng chúng tôi không có cách nào lẩn tránh. Chúng tôi còn phải bảo vệ một thời gian nữa trên tiền duyên. Khi những người lính bộ binh trông thấy máy bay tiêm kích ta trên vùng trời, họ cảm thấy yên tâm hơn nhiều.

Bọn Métxe vẫn còn hung hăng. Tôi thấy một chiếc tiến vào định công kích chiếc Kítti Hốc. Tôt ngoặt gấp và chiếm vị trí sau đuôi. Tôi đã bắt được nó trong kính ngắm, nhưng đằng trước nó là một chiếc máy bay ta. Nếu nổ một loạt pháo, tôi có thể bắn trúng chiếc Kítti Hốc mà không bắn trúng hắn. Đành phải dùng liên thanh bắn. Chiếc Métxe lật lại như miễn cưỡng, rồi chòng chành. Nếu chỉ chậm một vài giây thôi, chắc chiếc tiêm kích ta không phải chỉ thủng có vài lỗ.

… Trận đánh thường đột ngột kết thúc như lúc nó đã bắt đầu, và lần này tôi đã hạ bốn chiếc Métxe. Tướng Vécsinhin, tư lệnh không quân mặt trận đã trực tiếp quan sát tại tiền duyên ghi nhận cả tốp bốn chiếc của Criucốp (cùng trung đoàn không quân tiêm kích Cận vệ 16) cũng chiến đấu đặc biệt dũng cảm và xuất sắc. Riêng Criucốp trong trận đó cũng hạ được ba chiếc Métxe… Cả hai chúng tôi cùng được khen thưởng ”.

Ngày 24 tháng Năm năm 1943, Đại uý Pôcrưskin được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang lần đầu tiên, sau thành tích 354 lần xuất kích làm nhiệm vụ, tham gia 54 trận không chiến và hạ 13 máy bay địch (chiến công cá nhân), 6 chiếc trong hiệp đồng. Tư lệnh Tập đoàn quân không quân của Phương diện quân ở vùng Bắc Cápcadơ gọi anh là “phi công không chiến hạng nhất”.

Ngày 31 tháng Sáu năm 1943, Sư đoàn không quân nhận được lệnh di chuyển trung đoàn 16 về vùng mỏ Đônbát. Ba tháng chiến đấu ở đó đã mang lại cho anh nhiều chiến công. Anh trở thành một phi công có kỹ thuật bay siêu đẳng và tính hiệp đồng cao. Anh vừa là thần tượng, vừa là thày huấn luyện cho rất nhiều phi công trẻ, anh bay cùng họ trong các chuyến bay làm nhiệm vụ, và dạy họ kỹ thuật bay và tính hiệp đồng. Anh đã trở thành một thày giáo giỏi: có tới 30 học trò của anh trở thành Anh hùng Liên Xô, trong đó có ba người hai lần được phong danh hiệu Anh hùng.

Chiến thuật chiến đấu của Pôcrưskin

Khi mới bắt đầu chiến tranh, chiến thuật của không quân tiêm kích Xôviết là bay với đội hình tốp ba chiếc. Đội hình này là hết sức lỗi thời và lẩm cẩm, khi người tốp trưởng ngoặt gấp, chiếc bay ở ngoài nếu ngoặt theo nhanh quá thì dễ bị rơi vào xoáy ốc, còn nếu chậm hơn thì bị tụt lại sau. Pôcrưskin cực lực phản đối chiến thuật đó, và là người có nhiều đóng góp trong việc loại bỏ hẳn chiến thuật này và cổ vũ cho chiến thuật hai chiếc. Thời kỳ chiến đấu ở Kháccốp, họ bắt đầu áp dụng chiến thuật “lưỡi kéo”:

““Lưỡi kéo” là một trong những cải cách chiến thuật xuất hiện ở trung đoàn. Tôi không có khuynh hướng tự nhận mình đã sáng tạo ra thủ đoạn chiến thuật đó, nhưng tôi kiên quyết khẳng định: nó chỉ là kết quả của sự áp dụng đội hình hai chiếc mà tôi đã cổ vũ và đấu tranh đòi thực hiện. Muốn hình dung thế nào là “Lưỡi kéo”, ta hãy tưởng tượng một dây chuyền tám chiếc một đội. Hai chiếc máy bay, trên cùng một đường bay định kỳ tách ra và nhập vào nhau. Như vậy có thể không những yểm hộ cho nhau mà còn quan sát được một khoảng không gian rộng. Cùng với thời gian, các “lưỡi kéo” trở thành chiến thuật chủ bài chủ yếu của chúng tôi ”.

Trong thời kỳ huấn luyện trên máy bay “Côbra”, các phi công của trung đoàn đã cùng Pôcrưskin đã sáng tạo ra chiến thuật chiến đấu mới thay cho chiến thuật “lưỡi kéo”. Bây giờ, họ không phải chỉ bay trên khu vực mà phải tự đi tìm và tiêu diệt địch bằng những đòn công kích bất ngờ và nhanh như chớp. Chiến thuật chủ yếu của họ: độ cao, nhanh chóng bổ nhào xuống khu vực bảo vệ để đạt được tốc độ lớn nhất, rồi lợi dụng tốc độ dư, nhanh chóng lấy lại độ cao cần thiết; như một quả lắc khổng lồ, tốp máy bay lắc lư trên không phận vùng trời cần bảo vệ. Chiến thuật tổng hợp mọi yếu tố được ghi sau này trong công thức nổi tiếng của chiến thắng: độ cao tốc độ cơ động hoả lực! Công thức này của họ sau khi được một phóng viên báo “Sao đỏ” ghi lại và đăng lên thì nhanh chóng phổ biến trong toàn lực lượng không quân tiêm kích Xôviết.

Không quân Đức thường sử dụng máy bay tiêm kích để quét sạch vùng trời trước khi bọn ném bom đến “làm việc”. Chiến thuật bay vòng tròn trên khu vực bảo vệ trở nên lỗi thời, và đồng thời Pôcrưskin cùng các đồng đội nhận thấy họ không thể cứ thụ động chờ bọn chúng ở chính chỗ đó, trong khi họ đang “đánh lộn” với tụi Métxe thì bọn Gioongke đã làm xong việc của chúng rồi. Và họ chặn chúng ở xa hơn, trên đường bay của chúng, tiêu diệt gọn và buộc chúng phải ném bom vào chính quân Đức ở trên mặt đất. Để làm được điều đó, họ phải có sự chỉ huy hỗ trợ từ sư đoàn trưởng, bằng vô tuyến và rađa.

Chiếc P-39 là chiếc tiêm kích tốt. Một phi công giỏi không những phải nắm được điểm mạnh của máy bay để khai thác hết tính năng kỹ chiến thuật của nó mà còn phải biết được những điểm yếu của nó nữa, tóm lại là phải “hiểu” máy bay như trong cùng một cơ thể. Pôcrưskin đã rất nhạy cảm nhanh chóng tìm ra những yếu điểm của loại máy bay này: động cơ thường bị chờn do dùng quá công suất, nếu không kịp thời giảm tải cho động cơ thì nó rất có thể sẽ bị cháy và máy bay rơi.

Cùng các đồng đội. Trở về sau trận chiến đấu trên chiếc P-39

Cùng các đồng đội. Trở về sau trận chiến đấu trên chiếc P-39

Pôcrưskin còn là một người cực lực phản đối mọi hành động anh hùng cá nhân và cổ vũ cho những chiến công hành động tập thể. Đó là câu chuyện trong tình bạn giữa anh với Vađim Phađêép, một phi công Át thượng thặng của không quân Xôviết. Họ quen nhau sau một lần Phađêép phải hạ cánh xuống sân bay của trung đoàn Pôcrưskin – anh ở một trung đoàn khác trong sư đoàn. Thượng sỹ Vađim, một người cao to, lực lưỡng với bộ râu hoe vàng. Trong những ngày đầu chiến tranh, khi đang chiến đấu ở Mônđavia cùng với một tốp tiêm kích anh đã tiêu diệt cả một đoàn kỵ binh Rumani đang tiến ra mặt trận. Chính Phađêép là người đầu tiên lao xuống thấp đến nỗi đám ngựa hốt hoảng vì tiếng gầm rú trên đầu, không tuân theo sự điều khiển của các kị mã. Cả đoàn quân bị tan rã trên khắp cánh đồng. Sau khi đã bắn hết đạn, anh còn tàn sát bọn kị binh bằng cánh quạt máy bay. Còn một chuyện nữa làm anh nổi danh, là ở Taganrốc, anh phải hạ cánh bắt buộc trên tiền duyên, giữa quân ta và quân Đức. Kẻ địch ngay lập tức nổ súng vào máy bay nhưng phi công đã tìm cách chạy được đến chiến hào ta. Khi anh nhìn thấy rất đông người ở đấy, anh giằng lấy một khẩu súng của một chiến sỹ bộ binh, vứt bỏ áo da, leo lên chiến luỹ và hét lên như lệnh vỡ: “ Tiến lên!!!”

Chiến sỹ của nhiều trung đội nghe thấy tiếng anh, người phi công, lưỡi lê giương cao, lao đến vị trí quân thù. Từ tất cả các chiến hào và các ổ chiến đấu, mọi người lao theo anh. Bọn Đức bị bất ngờ hốt hoảng không còn kịp phản ứng theo kế hoạch từ trước, không chịu được trận giáp lá cà, chạy trốn. Các chiến sỹ Xôviết nhanh chóng chiếm được điểm cao khống chế trong vùng.

Khi sư đoàn trưởng bộ binh đến thì phi công không còn ở đó nữa. Cùng với sự giúp đỡ của các bạn bộ binh, anh đang tìm cách kéo chiếc máy bay. Siết chặt anh trong vòng tay, sư đoàn trưởng nói với Vađim, việc chiếm được điểm cao có ý nghĩa rất lớn đối với đơn vị ông và ông đang đề nghị khen thưởng anh. Nhưng phi công chỉ quan tâm đến việc nhanh chóng được bay lên tiếp tục chiến đấu.

Không cần mất nhiều thời gian, các phi công Át nhanh chóng trở thành bạn thân. Sau đó Pôcrưskin kéo Vađim về trung đoàn Cận vệ của mình. Trong giai đoạn Pôcrưskin gặp khó khăn, Vađim đã thay anh chỉ huy phi đội. Anh thèm muốn một cách thật lòng những thành tích và đức tính của bạn: lòng dũng cảm, tính khôn ngoan của một phi công tiêm kích. Nhưng anh cũng không ưa tính quá coi thường nguy hiểm của Vađim, và luôn luôn tìm cách nói chuyện với Vađim về sự lo ngại của mình.

Đại tá, sư đoàn trưởng, ba lần Anh hùng Liên bang, trong đội hình duyệt binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, 1945

Đại tá, sư đoàn trưởng, ba lần Anh hùng Liên bang,
trong đội hình duyệt binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, 1945

Cô vợ trẻ của Vađim đã đến trung đoàn với anh. Một lần đi làm nhiệm vụ về, anh đã “chơi” cho các chiến hữu một vố hết hồn. Các máy bay lần lượt hạ cánh, thì anh lao rất sát các ngọn cây, vọt cao thẳng đứng và làm các động tác nhào lộn để biểu diễn cho vợ xem cái tiết mục xiếc đó. Nhưng trên trời bỗng xuất hiện bọn tiêm kích Đức, chúng đến như một cơn lốc, trong khi Vađim đang tập trung “biểu diễn” các khoa mục bay cao cấp không nhận thấy gì cả. Các phi công khác sợ cho anh, có người định dùng vô tuyến trên máy bay để thông báo cho anh. Thật may mắn là Phađêép vẫn quan sát xung quanh, khi tràng liên thanh của địch chớp loé trên trời, anh kịp lật nghiêng máy bay rồi bổ nhào xuống gần sát đất, rút an toàn như bằng một phép lạ. Bọn đi săn Đức không hạ được máy bay Hồng quân bằng đòn công kích bất ngờ cũng không dám ham đánh nhanh chóng rút lui như khi đến. Sau đó, họ đã nói chuyện với nhau, và Pôcrưskin hy vọng Vađim sẽ hiểu ra. Nhưng đến ngày 5 tháng Năm 1943, ngày Hồng quân giải phóng Crưmxcaia, Phađêép đã không trở về. Trong khi làm nhiệm vụ, anh tách đội dẫn theo người hộ vệ Tơrút. Họ chạm trán với một tốp 10 chiếc Métxe trên vùng trời Crưmxcaia, khi máy bay của Vađim đã bị thương. Tơrút đã vừa phải tự chống đỡ vừa cố gắng bảo vệ người chỉ huy của mình, nhưng đã không thể. Chiếc máy bay của Phađêép đã bị thương và anh đã chiến đấu một cách tuyệt vọng. Nhưng bản tính đã ngăn anh không cầu cứu đồng đội. Trong trận đánh cuối cùng, Vađim đã chiến đấu như một người anh hùng. Nhưng trong cả lần này anh đã coi thường đối phương, chấp nhận trận đấu một chọi mười hai. Anh cũng không báo cáo bằng vô tuyến tình trạng khó khăn của mình. Pôcrưskin đã rất day dứt với cái chết của bạn mình, vì theo anh, đối với một phi công Át Xôviết, lòng dũng cảm trong chiến đấu bao giờ cũng phải kết hợp với sự tính toán tỉnh táo và tính kỷ luật.

Ngày 24 tháng Tám 1943, Thiếu tá Pôcrưskin được tặng thưởng danh hiệu anh hùng Liên bang lần thứ 2 sau 455 lần xuất kích và 30 tên Đức bị tiêu diệt tính đến tháng Bảy năm 1943. Anh trở thành người thứ 10 của Hồng quân được tặng thưởng hai ngôi Sao Vàng anh hùng Liên Bang. Khi đeo trên ngực ngôi Sao Vàng, anh nhớ đến Xtêpan Xuprun, đến những gì mà Anh đã nói tại Khôxta mấy năm trước chiến tranh, rằng Anh tin Pôcrưskin sẽ là một phi công tiêm kích giỏi. Đó là đức tính của các phi công Át Xôviết, luôn hào hiệp và mong muốn giúp đỡ các phi công trẻ để Tổ quốc ngày càng có nhiều Át hơn nữa. Pôcrưskin viết:

Tôi hiểu rõ rằng mình được khen thưởng cao cũng là nhờ công sức của các bạn chiến đấu. Không được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bạn tôi khó có thể hạ được đến nửa số máy bay được coi là tôi đã bắn rơi. Đúng là tôi sẵn sàng hy sinh trong các cuộc không chiến với kẻ thù, nhưng sự táo bạo của tôi bao giờ cũng tìm được chỗ dựa trong sự hiệp đồng có hiệu quả với đồng chí hộ vệ và các phi công khác”.

Trung đoàn không dùng phương pháp dùng các biên đội tuần tiễu liên tục từ sáng đến tối, mà họ dùng lực lượng tiêm kích mạnh có mặt kịp thời trên khu vực bảo vệ và đẩy lùi thắng lợi các trận tập kích của địch.

Những ngày thời tiết xấu, Pôcrưskin cùng Gôlubiép đeo các thùng dầu phụ vào bên ngoài máy bay để đi săn lẻ trên mặt biển. Máy bay vận tải Đức thường lợi dụng trần mây thấp tích cực qua lại giữa Ôđétxa và Crưm. Họ đã làm cho nhiều máy bay Đức “biến mất” trong làn sóng biển. Nhưng cũng chính vì những “hành vi” này mà Sư đoàn trưởng, “kị sỹ” Ibraghim Đdútxốp phê bình anh: tư lệnh Tập đoàn quân không quân cấm anh bay trên biển kiểu đó vì “sợ mất” phi công hai lần được tặng ngôi sao Anh hùng Liên bang.

Thời gian này cũng là lúc anh tổ chức lễ cưới với cô y tá Maria. Một câu chuyện xảy ra mà sau này, nó cũng phần nào liên quan đến một tai nạn “thú vị” của anh.

“Trong một cuộc bay, tôi quyết định thử lần cuối vấn đề bắn các mục tiêu mặt đất trong tư thế bay ngửa. Bay rà sát mặt đất, vọt lên cao thẳng đứng rồi lật ngửa, tôi bắn vào những đống rạ nổi trên mặt tuyết và khi máy bay gần sát đất mới kéo lên.

Vừa hạ cánh, tôi bị gọi cấp tốc đến gặp Đdútxốp.

– “Những trò xiếc nhào lộn vừa rồi là thế nào đấy?” – Ông nghiêm khắc hỏi khi tôi vừa đến.

Đó không phải là những trò xiếc mà là một thủ đoạn chiến thuật – Tôi đáp lại.

– “Tôi không nghi ngờ điều đó. Nhưng các phi công trẻ đã xem đồng chỉ, họ sẽ thử làm như đồng chí. Mà họ thì còn chưa đủ trình độ. Đồng chí muốn họ vỡ mặt ư?”

– “Quả là tôi chưa nghĩ đến điều đó” – Tôi lúng túng thú nhận.

– “Được, nếu đồng chí đã hiểu thì có thể về”.

– “Từ nay sẽ kết thúc” – Tôi hứa, thấy rõ sự nhận xét đúng đắn của Sư đoàn trưởng.

(Cuối năm này, Pôcrưskin lúc đó có cấp bậc trung tá được đề bạt là Trung đoàn trưởng trung đoàn không quân tiêm kích Cận vệ 16). Ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, anh ở Mátxcơva. Anh được chánh nguyên soái không quân Nôvicốp đề cử vào chức vụ Trưởng phòng tác chiến không quân tiêm kích của Bộ tư lệnh không quân Hồng quân. Một chức vụ khá cao, và anh sẽ được phong cấp tướng. Nhưng máu của Át đã ăn sâu và anh từ chối, với lý do anh sẽ có ích hơn ở mặt trận.

Gặp Yacốplép và Lavốtskin

Đến Mátxcơva, anh được dẫn tới giới thiệu với Yacốplép, và bay thử Yak-3. Anh quyết định sẽ góp ý với Yacốplép về chiếc Yak-3, đáng lẽ ra nó phải được lắp 3 khẩu pháo thì nó lại chỉ được lắp có một khẩu do một số khó khăn về cấu tạo. Hơn thế nữa, trong buồng lái có một số thiết kế gây khó khăn cho phi công. Trong khi đó Yacốplép giữ quan điểm chế tạo một chiếc tiêm kích nhẹ, và đề nghị Pôcrưskin nếu thế hãy bay thử chiếc Yak–9T, nhưng anh từ chối. Một công trình sư hàng đầu và một phi công tiêm kích thượng hạng đã bở lỡ cơ hội gặp được nhau như thế.

Ngay tối hôm đó, có một vị tướng tới gặp anh. Ông giới thiệu: “Lavốtkin”. Xêmiôn Alếchxâyêvích đã tìm được tiếng nói chung với Pôcrưskin. Ông hứa sẽ tìm cách trang bị cho Trung đoàn anh những chiếc La-7 mới tuyệt vời.

Khi đi nhận máy bay từ nhà máy của Lavốtkin, anh đi bằng máy bay vận tải. Để tránh sự săn lùng của tiêm kích Đức, anh cầm tay lái từ người phi công trẻ lái chiếc vận tải đó. Anh bay dọc sông, sát mặt nước, thỉnh thoảng kéo cao lên để tránh các đường dây điện hoặc các đoạn sông quá uốn khúc. Khi trao lại tay lái cho người phi công trẻ, anh chàng cũng tiếp tục như vậy cho đến khi vướng vào một đường dây điện. Nhờ có sự can thiệp đầy kinh nghiệm của Pôcrưskin mà họ thoát chết. Nhưng anh chưa về đến nhà máy thì ở Trung đoàn đã biết tin anh hy sinh, từ nguồn tin… đài nước ngoài. Một lần nữa “trò xiếc” lại làm hại họ, may mà họ đã thoát chết. Người phi công trẻ bị thương nặng. Chính tai nạn này đã ngăn anh không phải là phi công Xôviết đầu tiên chiến đấu trên chiếc La-7.

Yacốplép và Lavốtkin là hai người khác nhau, tập thể thiết kế của họ cũng luôn luôn “cạnh tranh” với nhau để tồn tại. Lavốtkin, người đơn giản, dễ gần, hơi vụng về và làm việc suốt ngày đêm như một công nhân, hai bàn tay luôn lấm lem dầu mỡ. Yacốplép, người bóng bẩy và duyên dáng, có quan hệ tốt với Mátxcơva. Ông được lòng Xtalin. Lúc đó Yacốplép trẻ tuổi nhất trong số các công trình sư và là Phó Uỷ viên nhân dân công nghiệp hàng không. Chính địa vị này không phải không làm cho Phòng thiết kế của ông có được một ưu thế nhất định khi giành cho những chiếc Yak- của mình những hợp đồng sản xuất tốt hơn. Tuy nhiên, cả hai người đều có tham vọng trở thành “Vua tiêm kích” của công nghiệp hàng không Xôviết như địa vị của Pôlicácpốp (I-16, I-153) những năm 1930.

Thành kiến của Pôcrưskin đối với Yak- không thể không ảnh hưởng đến anh khi tiếp cận chiếc La-7. Theo anh thì đó là chiếc tiêm kích tuyệt vời: một sự cân đối hoàn hảo. Trên thực tế thì La-7 cũng không khác Yak-3 là mấy, chỉ có là trang bị vũ khí hoả lực mạnh hơn hẳn.

Tháng Năm năm 1944, Alếcxanđrơ Pôcrưskin đưa những chiếc La-5FN về trung đoàn. Một mệnh lệnh mới đang chờ anh: anh được đề bạt Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân tiêm kích Cận vệ 9 (mà Trung đoàn Cận vệ 16 của anh là một trong ba trung đoàn của Sư đoàn) thay cho Đdútxốp. Đdútxốp được đề bạt chức vụ Tư lệnh quân đoàn không quân thuộc Phương diện quân Bêlarútxia. Cương vị mới, đòi hỏi những kỹ năng mới, anh tham gia chiến đấu cùng với đồng đội từ dưới mặt đất. Thỉnh thoảng anh vẫn bay lên trời trong đội hình của Trung đoàn 16.

Ba ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Bang

Ba ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Bang

Sư đoàn được vinh dự tham dự chiến dịch Vixla – Ôđe trên hướng Béclin trong đội hình Phương diện quân Ucraina 1. Thời gian này số máy bay Đức Pôcrưskin hạ được đã là 55 chiếc và ngày 19 tháng Tám năm 1944, trên cương vị Sư đoàn trưởng, vì những chiến công chiến đấu và chỉ huy Sư đoàn chiến đấu giỏi, Pôcrưskin được phong danh hiệu anh hùng Liên bang lần thứ ba (550 lần xuất kích, tham gia 137 trận không chiến với 53 chiếc máy bay Đức bị hạ được ghi nhận chính thức, tính đến tháng Năm năm 1944). Anh cảm thấy mình mắc nợ với Tổ quốc.

Thời kỳ La-7

Cũng chính trong thời gian này Sư đoàn nhận được những chiếc La-7 đầu tiên. Pôcrưskin hết sức khen ngợi những chiếc tiêm kích mới này, cho rằng nó hơn hẳn chiếc Côbra. Bắt đầu từ tháng Mười, Sư đoàn bắt đầu huấn luyện bay chuyển loại sang La-7.

Sân bay trên xa lộ

Sân bay trên xa lộ 18-2-1945

Sân bay trên xa lộ 18-2-1945

Bộ tham mưu Sư đoàn đóng một thời gian dài ở Mốcđítduýp (Ba lan). Họ không có sân bay. Mọi sân bay đều được ưu tiên dành cho máy bay cường kích để làm nhiệm vụ yểm hộ trực tiếp cho bộ đội mặt đất. Cuối cùng họ tìm ra được giải pháp: dùng ngay xa lộ làm sân bay. Và họ đã thành công. Ngay khi xa lộ trở thành sân bay, có một chiếc Métxe Fw190D9 mới keng hạ cánh. Anh quyết định bay thử chiếc máy bay đó.

Tháng Mười một năm 1944, con gái đầu lòng Xvétlana của anh chào đời.

“…Một hôm, khi một trong những biên đội của chúng tôi tiến hành bảo vệ bộ đội mặt đất trong khu vực Bunđơlau, họ tiến công vào một đội hình bốn chiếc Phốccơ Unphơ. Ngay lần công kích đầu tiên, chúng tôi đã buộc kẻ địch tháo chạy. Nhưng ngay sau đó, người ta thấy tên tốp trưởng ngoặt gấp quay lại phía tiền duyên và tìm cách tiếp cận với dáng điệu thách thức. Trung uý Climốp cũng ngoặt lại nghênh chiến.

Một cuộc tiến công chính diện, không những tôi đã nhìn thấy mà chính tôi đã từng áp dụng, thường kết thúc với một kiểu như nhau: các máy bay sau khi xả đạn liền tách ra mỗi chiếc một phía, có lúc ở vào những cự ly nguy hiểm nhất. Vì, trong cuộc đọ sức này, mỗi bên vừa tìm cách hạ đối phương, vừa làm sao bảo vệ được mình. Rồi thời điểm đến, không thể nào khác được, khi bên này hoặc bên kia không tìm được cơ hội tranh thủ lúc đối phương rút lui khỏi công kích để mà tiến công. Cuộc tiếp cận sẽ kết thúc.

Nhưng lần này, lần đầu tiên tôi thấy hai chiếc máy bay lao với tốc độ lớn vào một cuộc tiến công chính diện đâm vào nhau. Chiếc của ta gẫy một bên cánh, còn tên Đức mất đuôi, cả hai đều bắt đầu nghiêng ngả. Tất cả mọi người ở mặt đất quan sát trận đánh đều sửng sốt. Mọi người chờ phi công nhảy dù. Nhưng không. Hai chiếc máy bay đâm xuống, vỡ tung thành nhiều mảnh rải rác trên một kilômét vuông ở trên đất Đức đã ngập máu của những trận chiến đấu vừa mới xảy ra…

…phi công ta chắc đã bất tỉnh lúc va đập vào chiếc tiêm kích Đức, còn tên Đức đã bị cánh quạt máy bay ta vằm nát. Huân chương “Chữ thập sắt” của con chủ bài phátxít nhuốm đầy máu. Người ta đào cho hắn một cái huyệt tại chỗ, nơi máy bay rơi. Chúng tôi đưa thi hài phi công ta về nước an táng.

…Mùa xuân đang đến gần. Ngày hôm ấy, bầu trời xanh thẳm rực rỡ. Chúng tôi chuẩn bị chôn cất hai người trai trẻ vừa tìm cách tiêu diệt lẫn nhau trong tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Phải nhanh chóng, hết sức nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh này!… ”.

Ba người ba lần được phong Anh hùng Liên Xô trong thời kỳ  Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại.  Từ trái sang: Pôcrưskin, Nguyên soái Liên Xô G.K.Giucốp và I.Kôgiêđúp

Ba người ba lần được phong Anh hùng Liên Xô trong thời kỳ
Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại.
Từ trái sang: Pôcrưskin, Nguyên soái Liên Xô G.K.Giucốp và I.Kôgiêđúp

Pôcrưskin kết thúc chiến tranh với cấp bậc đại tá, chức vụ Sư đoàn trưởng. Tổng số máy bay Đức bị anh hạ lên tới 59 chiếc được chính thức ghi nhận (đứng thứ hai chỉ sau phi công Côgiêđúp với 62 chiếc). Trên thực tế mọi người nói Pôcrưskin là người hạ nhiều máy bay địch nhất, tổng số có thể tới 80 chiếc.

Thời gian sau chiến tranh

Sau chiến tranh, Alếchxanđrơ Ivanôvích Pôcrưskin vẫn ở lại phục vụ trong không quân Hồng quân, và chuyển sang với kỹ thuật phản lực. Chính ông là người lái thử nghiệm chiếc phản lực MiG9 đầu tiên, và sau đó là nhiều kiểu máy bay phản lực thử nghiệm khác của Xôviết. Giai đoạn sau chiến tranh của ông là thời gian khá khó khăn cho ông trong sự nghiệp chính trị. Quan hệ giữa Pôcrưskin với Yacốplép vẫn cứ khúc mắc như trước, và bản thân ông cũng cảm thấy khó hoà đồng được với “cuộc sống” ở Mátxcơva. Những năm đầu tiên sau chiến tranh ông nhận được thái độ đối xử khó hiểu từ phía Xtalin và một số nhân vật quan trọng khác. Và ông lại bắt đầu uống, điều đó làm hạ rất nhiều “giá trị” bản thân ông.

Năm 1948, ông đến học tại Học viện Quân sự Phrunde, sau vài năm chậm trễ.

  • Năm 1953 ông được phong hàm thiếu tướng, so với những gì ông đã cống hiến trong cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại cũng là một sự chậm trễ.
  • Năm 1957, ông là tổng thanh tra lực lượng không quân tiêm kích Hồng quân.
  • Từ năm 1968 đến năm 1971, ông là Tư lệnh không quân Xôviết.
  • Năm 1972, ông được phong quân hàm Nguyên soái không quân.
  • Từ năm 1972 đến năm 1981, ông là Chủ tịch của Trung ương hội tình nguyện giúp đỡ quân đội, không quân và hải quân Đôxáp (DOSAAF).
  • Từ năm 1979 đến năm 1984, ông là một thành viên danh dự của Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô.

Trên thực tế, ông đã có những chức vị cao nhưng không có thực quyền. Ông uống nhiều và ít có khả năng về chính trị chính những điều này đã hạn chế ông trong nhiều việc. Ông béo ra nhanh chóng có lẽ cũng chủ yếu do vốtca, mà đáng nhẽ ra một người có máu thể thao như ông phải có “phom” tương tự như Yuri Gagarin kia. Nhưng là một người ba lần anh hùng Liên bang, ông phải tham gia rất nhiều lễ kỷ niệm nọ kia, và uống nhiều là điều không tránh khỏi.

Ông đã viết một số quyển sách:

 

  • “Những cánh bay chiến đấu”,
  • “Những nghĩa vụ danh dự của bạn”,
  • “Bầu trời chiến tranh”,
  • “Tự khám phá mình trong chiến đấu”.

 

 

Nguyên soái Không quân  A.I. Pôcrưskin

Nguyên soái Không quân
A.I. Pôcrưskin

Ông mất ngày 13 tháng Mười một năm 1985 và được an táng tại Mátxcơva.

Ngày nay, những kỷ niệm về ông được lưu trữ ở:

– Một bảo tàng tư nhân tại Pháp đang lưu giữ chiếc P-39 của ông (có thể chỉ là phiên bản);

– Một bảo tàng tại Bungari lưu giữ chiếc Yak-3 là quà tặng của nhân dân Nôvôxibirxk tặng ông nhưng ông chẳng bao giờ dùng nó;

– Bảo tàng về cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại tại Kisinhốp lưu giữ chiếc MiG-17 ông bay trong thời gian sau chiến tranh;

– Ở Nôvôxibirxk, một chiếc MiG-3 được tìm thấy và tân trang cho giống chiếc MiG-3 ông đã từng chiến đấu trên nó trong thời kỳ đầu chiến tranh.

Tại thành phố Nôvôxibirxk ngày nay, người ta dựng một bức tượng bằng đồng bán thân của ông, và một phố của thành phố được mang tên ông. Năm 2013, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Tổng thống Nga V. Putin đã đến dự buổi lễ trọng thể được tổ chức tại thành phố quê hương ông, Nôvôxibiếcxcơ.

Tượng bán thân của Nguyên soái A.I. Pôcrưskin ở quê hương Novosibirsk

Tượng bán thân của Nguyên soái A.I. Pôcrưskin ở quê hương
Novosibirsk

Phúc Lai


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề