Xã hội hóa mà Nhà nước bỏ tiền ra là vô lý
“Sửa nhà cần ba bề, bốn bên ký tên, lên tổ trưởng phải nộp 800, 1 triệu, hai, ba ngày sau mới ký, đi ăn đám giỗ về mới ký”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói về những bất cập của chế định thừa phát lại.

Xã hội hóa mà Nhà nước bỏ tiền ra là vô lý

Thảo luận về chế định thừa phát lại ngày 20/11 tại hội trường, nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu, người ủng hộ, người băn khoăn lo lắng.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói: “Việc tống đạt các quyết định của Tòa án, của thi hành án là do các cơ quan này tự làm. Bây giờ chúng ta sinh ra thừa phát lại, Nhà nước cấp tiền cho xã hội hóa, đó là một điều hết sức phi lý, không có một đất nước nào thừa tiền để cấp làm việc này. Vì thực ra làm ở TP.HCM cự ly gần thì tống đạt các quyết định đó rất dễ. Còn ở Lâm Đồng hoặc 300 cây số mà tống đạt thì bao nhiêu tiền?

Tôi đồng ý làm thí điểm thừa phát lại, nhưng Nhà nước không được bỏ tiền ra. Tôi đề nghị với Chính phủ không cấp tiền. Xã hội hóa thì Nhà nước không bỏ tiền. Xã hội hóa mà Nhà nước bỏ tiền ra để làm cái này thì rất vô lý”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói: “Không đồng ý xã hội hóa mà Nhà nước vẫn phải bỏ tiền”.

“Tôi ví dụ, công chứng chúng ta xã hội hóa thành công, Nhà nước không phải bỏ tiền, giải tán được bộ máy, Nhà nước không bỏ tiền nuôi công chứng nữa. Bây giờ nếu chúng ta làm thí điểm cái này thành công, thì Tòa án có giảm được biên chế không? Bởi vì tiền cấp kinh phí cho Tòa án toàn bộ, những đơn vị làm thí điểm là Nhà nước bỏ tiền ra tống đạt. Còn nếu bỏ tiền kinh phí của Tòa án ra thuê ông thừa phát lại đi tống đạt thì không ai làm.

Tôi đề nghị thừa phát lại tiếp tục làm, nhưng nhà Nước không được bỏ tiền. Còn anh làm cách nào đó là quyền của anh, bằng uy tín của anh, anh tống đạt quyết định có hiệu quả thì tòa thuê anh, còn không có thì không phải ký hợp đồng gì cả. Tòa án lại đi ký hợp đồng với thừa phát lại làm cái gì? Bằng cái uy tín của anh, tôi thấy văn phòng thừa phát lại có uy tín, tôi mời anh tham gia cái này, tôi trả tiền cho anh. Tòa nào bỏ tiền ra thì đấy là tiền của cơ quan đã cấp cho anh theo định mức. Bây giờ chúng ta thí điểm 13 tỉnh, nếu cấp tiền cho 63 tỉnh thì tiền đâu mà cấp”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đưa ý kiến.

“Chính vì vậy tôi đồng ý có thừa phát lại nhưng phải chấm dứt nghị quyết thí điểm, bởi vì chấm dứt thì Nhà nước mới cắt tiền được còn nếu cho làm tiếp,  Nhà nước vẫn bỏ tiền là tôi không đồng tình”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa quan điểm: “Tôi tán thành sự chính thức hóa dịch vụ này trong xã hội vì nó là một điều cần thiết cho nhân dân và cho hệ thống của chúng ta.

Theo luật, tống đạt là một hành vi pháp lý và có hậu quả pháp lý, nên chúng tôi đề nghị phải xác định đây là công việc.

Nhưng tôi khác với ý kiến một số đại biểu là vừa qua công tác tống đạt của chúng ta bằng bưu điện là rất nhiều bất cập và vô cảm. Việc của người dân nước sôi, lửa bỏng, anh phát đi một cái thư, vài ba tuần sau chạy lên hỏi thư không thấy trả lời, tôi gửi thêm một cái thư nữa, tống đạt làm 3 tháng chưa xong.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng “chừng nào án dân sự còn đình trệ thì nền kinh tế, hoạt động xã hội bị đình trệ”.

Án dân sự còn đình trệ thì nền kinh tế, hoạt động xã hội bị đình trệ 

Nếu chúng ta theo đà đó thì hỏng việc và chừng nào án dân sự còn đình trệ thì nền kinh tế, hoạt động xã hội bị đình trệ và ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân. Việc Nhà nước chưa tốt, bất cập thì chúng ta phải bỏ tiền ra, tôi đồng ý vì tống đạt là như vậy thì chúng ta cũng không bỏ việc tống đạt bưu điện. Tôi đề nghị xác định rõ và phân loại: Một là ở xa, ở xa thì cán bộ tòa án có đi không? Hai là thiếu người; Ba là việc gấp; Bốn là việc khó, có những việc phải đến tận nơi tống đạt, đến phường cần thì gặp Ủy ban phường, v.v… Mấy tiêu chí xa hoặc anh thiếu người, việc gấp, việc khó, Tòa án thuê thừa phát lại tống đạt. Còn những việc khác thì mình cứ tống đạt bình thường.

Tôi nhất trí ý kiến ĐB Nguyễn Bá Thuyền, trách nhiệm của thi hành án phải đi xác minh. Bây giờ khổ là mấy ông không đi, chúng tôi đưa xe, lo ăn, lo uống nhưng rồi nhiều khi mấy ông cũng không đi. Xác minh thi hành án chúng ta tách ra, có những việc xác minh Nhà nước không làm được, chỉ có tư nhân, thừa phát lại người ta len lỏi, người ta tìm được.

Sửa nhà, sửa cửa cần ba bề, bốn bên ký tên, lên tổ trưởng phải nộp 800, 1 triệu mới ký, hai, ba ngày sau mới ký, đi ăn đám giỗ về mới ký. Chuyện mời Nhà nước xuống là chuyện không có thực tế”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn nhiều vấn đề trong chế định thừa phát lại.

Nên chấm dứt thí điểm thừa phát lại

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đưa ý kiến: “Tôi nghe anh em trong ngành Tòa án phàn nàn rất nhiều về chế định này.

Tôi khẳng định chế định thừa phát lại thực hiện theo phương thức xã hội hóa là một chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, quá trình triển khai không đạt được các mục đích đề ra của công tác xã hội hóa.

Đã là xã hội hóa, tôi đồng tình với ý kiến của anh Nguyễn Bá Thuyền mà nhà Nước lại bỏ tiền từ ngân sách ra, vừa đắt đỏ và tốn kém hơn rất nhiều. Ví dụ văn bản gửi chuyển phát nhanh hay gửi thư bảo đảm cũng chỉ hơn 10.000 đồng, trong khi đó chuyển qua thừa phát lại mất 150.000 đồng.

Trong lúc chúng ta nói là tiết kiệm cho ngân sách, thắt lưng buộc bụng, nhưng bằng một đề án này nó đã thể hiện một việc không đúng chủ trương của nó và không giảm được bộ máy. Chúng ta ra đời hệ thống thừa phát lại và tôi cũng không phủ nhận tính tích cực của nó nhưng nó tồn tại cùng một lúc cả thi hành án. Lẽ ra chúng tôi nghĩ rằng đến lúc tổng kết lại thì thấy rằng việc thừa phát lại là tốt thì nó phải giảm bớt thi hành án.

Vấn đề tống đạt thực chất là bưu điện giá cao”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị: “Thứ nhất, việc thí điểm như thế là đủ, tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) là chấm dứt ở đây. Nếu cần thiết có thể tổng kết lại một cách chu đáo hơn, thực sự nếu thấy thừa phát lại có tác dụng và cần thiết thì ta ban hành luật để cùng thực hiện.

Thứ hai, tôi đề nghị lấy ý kiến chính thức của ngành tòa án.

Thứ ba, có lẽ đề án này nên giao cho Bộ Tài chính để đánh giá lại việc thực hiện ngân sách nhà nước. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn”.

ĐB Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: “Tôi cảnh báo, có những cái xã hội hóa nhưng không được thương mại hóa. Những định chế hỗ trợ tư pháp là không nên thương mại hóa. Dường như chúng ta đang có xu hướng thương mại hóa, ngay cả vấn đề đấu giá, cái gì cũng doanh nghiệp. Nhưng bản chất doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.

Ai làm nghề thừa phát lại này đừng bao giờ nghĩ mình có thể giàu lên. Nếu mơ ước làm giàu thì không nên đi làm thừa phát lại. Tôi vấn nói lại, nhiều vấn đề xã hội hóa nhưng không được thương mại hóa, kể cả giáo dục, y tế…

Tôi đã nhiều lần đề nghị chúng ta phải xây dựng những định chế công phi lợi nhuận.

Đừng nghĩ rằng thu hút xã hội hóa là cứ ào ào cho lập bệnh viện, trường học để kinh doanh”.

Nguồn nguoiduatin.vn.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề