Áp lực ngày càng đè nặng lên Trung Quốc khi đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông và trong tuần này có hai sự kiện khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Thứ nhất, Mỹ đã cử một tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã trái phép xây dựng trong vùng biển Việt Nam.
Thứ hai Tòa án Quốc tế đã phủ nhận phản đối của Trung Quốc và chấp nhận mở phiên điều trần đối với hồ sơ kiện của Philippines.
Trong năm năm qua Hoa Kỳ liên tục gây sức ép lên Trung Quốc về ngoại giao và không khoan nhượng đối với đòi hỏi vô lý về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Cho đến nay họ đã có chút thành công. Hoa Kỳ đã hoan nghênh quyết định của Tòa án và cho biết Bắc Kinh phải tuân thủ các phán quyết cuối cùng vào năm tới.
Mặc dù tòa án được thành lập xét xử vụ kiện trên cơ sở theo các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển mà cả Philippines và Trung Quốc đã phê chuẩn, nhưng Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng. Vào ngày thứ Sáu Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết về quyền tài phán là “vô hiệu” và sẽ không có hiệu lực ràng buộc đối với Trung Quốc.
Trường hợp của Philippines đã được đệ trình trước tòa án The Hague vào tháng Giêng năm 2013, đơn kiện nêu rõ yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô hiệu theo quy ước. Vào thứ năm tòa đã phán quyết “Việc Trung Quốc không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa. Quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS”.
Tòa án cũng sẽ xem xét một số rạn san hô và bãi cạn mà Trung Quốc đã chiếm đóng – bao gồm một hòn đảo Trung Quốc đã cải tạo thành đảo nhân tạo được gọi là Subi. Bà Bonnie Glaser – Cố vấn cao cấp Châu Á, trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định: “Tôi nghĩ rằng khái niệm phi quân sự ở Biển Đông mà TQ đưa ra là bất khả thi. Câu hỏi đặt ra là – các bên có thể làm gì được đây?”.
“Thực tế là tòa án đã không bác bỏ bất cứ điều gì trong vụ kiện của Philippines và có thể sẽ phán quyết bất lợi cho Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền.”
Ông Malcolm Cook, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng có nhiều chuyên gia luật hàng hải Quốc tế ủng hộ mạnh mẽ Philipines và đặt câu hỏi về mở rộng chủ quyền của Trung Quốc khi nước này lập luận bằng chứng cứ “bắt nguồn từ lịch sử”.
Mặc dù Trung Quốc gặp bất lợi mới nhất từ phán quyết của Tòa The Hague nhưng cả Glaser và Cook không hy vọng hiện trạng sẽ thay đổi.
“Hải quân Trung Quốc có tham vọng kiểm soát phần lớn biển Đông và tham vọng này sẽ không bị ảnh hưởng từ quyết định của Tòa án,” Cook nói.
Hiện các nước đang có các vùng biển chồng lấn ở biển Đông và đều tuyên bố có chủ quyền đối với vùng biển này. Biển Đông cũng là ngư trường nhộn nhịp và phong phú về nguồn thủy sản, dầu khí. Việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa càng làm gia tăng căng thẳng.
Bà Glaser nhận định rằng Trung Quốc coi vùng biển ngoài khơi phía đông rất quan trọng đối với an ninh của họ và cần phải kiểm soát để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp khủng hoảng tiềm năng bởi Hoa Kỳ, quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Trung Quốc cũng cho rằng mở rộng lãnh thổ cũng là một cách để bảo vệ chủ quyền Quốc gia.
Kể từ khi Mỹ công bố có lợi ích an ninh quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp và duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông vào năm 2010, Washington đã thất bại trong việc kiềm chế các hành động của Bắc Kinh. Trong thực tế, điều nghịch lý đã xảy ra, trong khi Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp giữ nguyên hiện trạng thì Bắc Kinh đã tăng gấp đôi diện tích xây dựng bằng đường băng và các cơ sở hạ tầng để biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự.
Hôm thứ Ba Lầu Năm Góc đã cử tàu chiến USS Lassen áp sát đảo nhân tạo Subi – Đây cũng là hành động khó khăn mà Mỹ phải vượt qua khi thách thức Trung Quốc. Tàu khu trục tên lửa dẫn đường đã tuần tra trong vòng 12 hải lý (22 km) trên các rạn san hô nhằm khẳng định vị thế của Washington, khẳng định việc thay đổi địa lý sẽ không cho phép các rạn san hô ngập nước trước đây tạo ra vùng lãnh hải. Subi là một trong hòn đảo nằm dưới sự giám sát của tòa án.
Lynn Kuok, một đồng nghiệp thuộc Viện Brookings cho rằng dưới áp lực pháp lý, quân sự và quyền tự do hàng hải sẽ là những đòn bẩy để thúc ép Bắc Kinh phải tuân thủ theo quy ước của Liên Hợp Quốc, kể cả không thay đổi lập trường chính thức trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền.
“Khi Hải quân Trung Quốc phát triển mạnh và dựa vào sức mạnh đó, Bắc Kinh có thể nhận ra rằng lợi ích của quốc gia sẽ được bảo vệ tốt nhất bằng cách duy trì chứ không phải là phá hoại quy ước” Lynn Kuok kết luận.
Việc Mỹ đưa tàu tuần tra và phán quyết của tòa án Hague cũng như Mỹ thiết lập đồng minh để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc đã có tác dụng nhất định. Chính phủ Trung Quốc đã không phản ứng mạnh mẽ trước chuyến tuần tra của tàu chiến USS Lassen.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ Trung Quốc không còn gọi vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ xây ở Biển Đông là lãnh hải. Bài báo trích phát biểu hôm thứ Tư (28-10-2015) của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng “chiến hạm Mỹ tự tiện đi vào vùng biển phụ cận của các đảo liên hệ là một sự khiêu khích chính trị nhắm vào Trung Quốc.”
Mặc dù cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “cố ý khiêu khích”, “xâm nhập trái phép”, người phát ngôn Trung Quốc chỉ gọi vùng biển đó là “hải vực phụ cận”, thay vì “lãnh hải” như tuyên bố hồi đầu tháng này của bà Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
Trả lời