Thanh niên thất nghiệp cao gấp 3 lần tỷ lệ chung

So với đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học tiếp tục tăng lên 22.000 người.

Ngày 30/10, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin thị trường lao động quý II/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, số lao động thất nghiệp trong khu vực có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng.

Trong quý II/2015, cả nước có 1,14 triệu lao động thất nghiệp, giảm 15.000 người so với đầu năm. Số người thất nghiệp ở nông thôn giảm trong khi thất nghiệp ở thành thị tăng, thất nghiệp ở nữ giới giảm và nam giới tăng. Lực lượng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng (gần 6,7%) cao gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại trừ nhóm tốt nghiệp cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,1% xuống 6,6 % so với quý I, còn lại các nhóm khác đều tăng. Nhóm có trình độ trung cấp tăng từ 3,7% lên hơn 4,4%. Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 3,9% lên 4,6%, tức là tăng từ 178.000 người lên gần 200.000.

ty-le-that-nghiep-dai-hoc-van-tiep-tuc-tang

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: Phương Sơn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội tỷ lệ trên chưa phải là chỉ số phản ánh hết được tình trạng lao động của đất nước. Số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong hai nhóm ngành chính chiếm tỷ lệ rất lớn: giáo dục – đào tạo (23,4%); trong các tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (19,3%). Trong khi đó, các tổ chức này gần như cố định, ít tuyển mới, còn tinh giản biên chế. Điều này một phần lý giải vì sao thất nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên tăng cao.

Hàng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học. Bà Lan Hương cho rằng điều này không phù hợp với đất nước đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình như Việt Nam. Tuyển sinh với số lượng lớn, tập trung ở phân khúc cao chỉ phù hợp với mô hình đào tạo của các nước có nên kinh tế tri thức. Việt Nam phải tập trung vào phân khúc bậc trung (cao đẳng, trung cấp nghề).

Theo Viện trưởng, giải pháp trước hết là nâng cao nhận thức về chọn ngành nghề cho các em từ khi còn đi học. Học sinh học xong phổ thông không nhất thiết phải bước vào đại học mà có thể đi học nghề. Theo thống kê, hiện nay tiền lương của nhóm lao động ở nhóm giáo dục nghề nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể.

Hiện số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này. Như vậy, cần phân luồng từ ngay trong khi tuyển sinh: khoảng 40% vào giáo dục đại học, còn 60% vào giáo dục nghề nghiệp. Với mức điểm sàn của giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay là 12, không có chỗ cho giáo dục nghề nghiệp. Nếu mức điểm sàn khoảng 17 điểm thì những người đủ năng lực có thể vào đại học, ra trường xứng đáng với tấm bằng đào tạo và dễ tìm được việc làm.

“Người học đại học ra nghĩ rằng mình phải làm công việc tương xứng nhưng thị trường không cần. Chưa kể nhiều người có bằng đại học, nhưng chưa chắc đã có trình độ đại học”, bà Hương nói và cho biết, theo thống kê ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có nhiều người học cao, ra trường nhưng chấp nhận làm những công việc lương thấp.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động phân tích thị trường lao động đang đứng trước thách thức lớn khi cuối năm Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, một số nhóm ngành được tự do di chuyển như kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

“Có một điều lo ngại là với sự di chuyển lao động cộng với chất lượng chưa được cải thiện đáng kể, lao động Việt Nam sẽ khó có cơ hội gia nhập thị trường lao động khu vực cũng như quốc tế. Nếu không thay đổi thì nguy cơ cao là mất việc làm ngay trong thị trường của mình”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, bản tin thị trường lao động quý II/2015 còn ghi nhận một số điểm sáng như: sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, tình hình thiếu việc làm được cải thiện, số người được giới thiệu việc làm thành công, hỗ trợ đi học nghề đều tăng.

Cập nhật thông tin về trung tâm dịch vụ việc làm ở các thành phố lớn: 

Hà Nội TP HCM
– Khó tìm việc: kế toán, nhân viên ngân hàng, nhân viên hành chính – văn phòng, một số ngành kỹ thuật như: hóa dầu, sinh học, hóa chất. – Nhu cầu tìm việc: kế toán – kiểm toán, kinh doanh, bán hàng, hành chính văn phòng, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, cơ khí – tự động hóa…
– Nhu cầu tuyển dụng cao: công nghệ thông tin, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, kinh doanh – bán hàng, kế toán, kiểm toán
– Dễ tìm việc: tiếp thị, maketting, nhân viên kinh doanh, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, thợ thủ công, thời trang, thiết kế mỹ thuật. – Khó tuyển lao động do thiếu nguồn cung: công nghệ thông tin, dệt may – da giày, du lịch – nhà hàng – khách sạn.

Vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề