Tại sao đất nước tôi bị nói xấu?

Nhân câu chuyện của du học sinh Nguyễn Hữu Công về một thầy giáo người nước ngoài nói “ở Việt Nam, người ta quăng rác ngoài đường…”. Rất nhiều bạn đọc đã lên tiếng.

Khi đất nước tôi bị nói xấu

Hàng loạt ý kiến bạn đọc bức xúc lên án các hành vi xả rác vô tội vạ. Nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng đã trở thành hình ảnh xấu xí của người dân. Các bạn trẻ có nhận thức đủ việc phải giữ gìn vệ sinh môi trường?

Vỏ chôm chôm được bỏ lại trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Vỏ chôm chôm được bỏ lại trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Rác được các bạn sinh viên bỏ lại ngay tại nơi mình ngồi để uống nước trò chuyện buổi tối (ảnh chụp tối 20-11) - Ảnh: Quang Định

Rác được các bạn sinh viên bỏ lại ngay tại nơi mình ngồi để uống nước trò chuyện buổi tối (ảnh chụp tối 20-11) – Ảnh: Quang Định

Đường chung, rác của chung?

Chị Ngọc Phượng (TP.HCM) rất bức xúc: Người ta chỉ biết giữ cho nhà mình sạch, còn rác thì quăng ngập vỉa hè. Ra đường thì phóng uế, khạc nhổ…

Một bạn đọc trẻ khác cũng cùng chia sẻ: Cứ sau mỗi lần tổ chức sự kiện ngoài trời, cả một khán đài hoặc công trường biến thành một bãi rác khổng lồ, mạnh ai nấy vứt, rác là của chung, không phải chuyện của mình.

Chị Phạm Thị Khuyên (Đồng Nai) vô cùng bức xúc trước những hình ảnh bố mẹ chở con cái hay các thanh niên chở nhau trên xe gắn máy ngoài đường, vô tư ném ly nước, giấy gói bánh mì, kẹo cao su xuống mặt đường

Dạo một vòng quanh công viên 30-4, 23-9 mới thấy các bạn trẻ (phần lớn là học sinh, siên viên) đang biến khu vườn chung này thành một bãi rác sau mỗi lần “cà phê bệt”.

Sự thờ ơ ý thức của bạn trẻ về rác trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Sự thờ ơ ý thức của bạn trẻ về rác trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Tràn ngập rác được bỏ lại trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM sau khi bắn pháo hoa - Ảnh: Quang Định

Tràn ngập rác được bỏ lại trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM sau khi bắn pháo hoa – Ảnh: Quang Định

Một bạn sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM phân trần: “Đôi khi không phải mình cố tình xả rác nhưng quả tình là công viên có ít thùng rác quá, cái nhìn thấy được thì lại quá xa nên thôi đành bỏ tại chỗ luôn, vì thế nào lát nữa nhân viên vệ sinh cũng dọn” (?)

Một hình ảnh rất dễ thấy ở những nơi công cộng đó là thùng rác thì trống không, trong khi rác chất đầy bên ngoài, xung quanh thùng rác.

“Chỉ còn mỗi một việc nhỏ nữa là bỏ rác vào trong thùng rác thì với một số người đó là việc khó khăn”, một bạn đọc khác thở dài.

“Việc 1 người xả rác là việc nhỏ nhưng 100 người xả rác và ai cũng có suy nghĩ như thế thì sẽ trở thành một câu chuyện lớn, tác hại đến mỹ quan đô thị”, chị Khuyên chia sẻ.

Cô Quỳnh Trang, giáo viên của Trường THCS&THPT Lạc Hồng (TP.HCM) cho biết chính bản thân cô cũng rất buồn trước thực trạng học sinh trong nhà trường thì biết giữ gìn vệ sinh nhưng khi ra khỏi cổng trường thì vẫn giữ những thói quen cũ, xả rác nơi công cộng.

Cô Trang cho rằng cần phải đưa vào hệ thống pháp luật những quy định rõ ràng bằng văn bản, áp dụng nghiêm túc và chế tài thật nặng mỗi khi có người xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Cô Quỳnh Trang chia sẻ, vai trò của nhà trường phải đi kèm với ý thức giáo dục của gia đình và xã hội trong việc hướng con em của mình trong việc nhận thức.

Cần chế tài nghiêm khắc

TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết có những loại rác thải rất nguy hiểm như rác y tế, túi ni lông, pin… Những loại cần phải được xử lý đúng cách chứ không thể vứt bừa bãi ra môi trường.

Đặc biệt là túi ni lông, nếu vứt xuống các dòng kênh hoặc ra biển thì sẽ gây ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều sinh vật.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng tư tưởng người Việt còn nhiều cục bộ, nhất là về ý thức cộng đồng. Chúng ta luôn chăm chăm giữ gìn và bảo vệ cho nhà mình nhưng còn nơi công cộng, đường phố thì chúng ta vô tư khạc nhổ, xả rác.

Ý thức sống cho cộng đồng của chúng ta còn kém.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng bên cạnh việc xử phạt nghiêm khắc thì việc giáo dục ý thức của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ phải thật sự được xem trọng.

Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao để mỗi con đường, góc phố, bất cứ nơi công cộng nào cũng phải được giữ vệ sinh sạch đẹp chứ không phải chỉ là các biện pháp hô hào, diễn ra trong thời gian ngắn rồi thôi.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường phải được thực hiện lâu dài, triệt để như chúng ta đã đấu tranh và làm được đối với việc cấm đốt pháo, đã từng là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam

GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng chia sẻ việc quản lý và xử phạt của chính quyền còn hạn chế và chưa thật sự nghiêm khắc.

“Ý thức trách nhiệm” là một cụm từ đã được nhắc đi nhắc lại từ trong giáo dục nhà trường cho đến đời sống nhưng nhiều người vẫn chưa học được và vận dụng như một trách nhiệm và ý thức công dân.

Bên cạnh việc chế tài thật nặng, điều quan trong nhất để xây dựng xã hội văn minh vẫn chính là sự nhận thức của mỗi người. Làm sao để chúng ta, mỗi công dân luôn ý thức được rằng, giữ vệ sinh môi trường không chỉ là biểu hiện của văn minh, văn hóa mà còn là cách chúng ta bảo vệ chính môi trường sống của mình.

Vũ Văn (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề