Một ngôi nhà rực rỡ sắc màu làm hoàn toàn từ bánh kẹo đã trở thành truyền thống ngọt ngào của các nước phương Tây vào mỗi dịp Giáng sinh đấy!
Bánh gừng – phát minh từ thời Trung Cổ
Nguyên liệu chính để làm nên nhà bánh gừng, tất nhiên, là bánh quy gừng. Ngày nay, người ta dễ dàng tự làm ra loại bánh này bằng cách thêm bột gừng vào công thức bánh quy bình thường, hoặc sử dụng bánh quy gừng làm sẵn rồi dằm nát ra. Bánh có thể có thêm mật ong, quế,… để tăng mùi thơm và hương vị. Tuy nhiên, ở thời Trung cổ, món bánh quen thuộc này lại là một phát minh mang tính cách mạng. Gừng không chỉ làm gia tăng hương vị cho món ăn mà còn giúp bảo quản bánh – một điểm cộng lớn trong điều kiện không có thiết bị bảo quản thực phẩm của thời xưa.
Người ta tin rằng những mẻ bánh gừng đầu tiên tại Châu Âu ra lò vào khoảng cuối thế kỉ 11, khi quân viễn chinh từ Trung Đông trở về mang theo những phiên bản bánh cay – vốn khá lạ lẫm với ẩm thực Châu Âu chỉ quen với bánh vị ngọt. Sự lan truyền của bánh gừng trong văn hóa Châu Âu trung cổ còn gắn liền với các nhân vật tôn giáo như những vị tu sĩ Armenia, hay thánh Gregory Makar. Họ là những người đã truyền bá bánh gừng và dạy các môn đồ của mình làm loại bánh này. Nhận thấy hương vị nồng nàng của gừng rất hợp với không khí mùa đông, chính các tu sĩ cũng tăng cường “quảng bá” công thức bánh này vào những dịp lễ hội quan trọng trong năm như Giáng Sinh chẳng hạn. Dần dà, bánh gừng đã trở thành món ăn quen thuộc với người phương Tây mỗi dịp đông về.
Khi bánh không chỉ để ăn
Bánh gừng có kết cấu khá cứng cáp, do đó, từ xa xưa, người ta đã sớm dùng nó để tạo thành các hình thù khác nhau. Ngay từ năm 1600, Nuremberg đã được công nhận là “Gingerbread Capital of the World” – thủ đô bánh gừng của thế giới – khi ở đây, những bàn tay lành nghề đã bắt đầu sử dụng bánh để tạo ra các công trình phức tạp từ bánh gừng. Xu hướng này mau chóng lan rộng khắp châu Âu và ngày một phát triển hơn. Bánh gừng không còn là một món ăn mà thực sự đã trở thành một bộ môn nghệ thuật vô cùng công phu, và thường góp mặt vào các sự kiện trọng đại như một sự xác nhận cho tính chất trang trọng, hoành tráng của sự kiện đó. Ví như ở tòa án của Nữ hoàng Elizabeth I của Anh, bà đã cho khắc chân dung một số vị khách quan trọng của mình bằng… bánh gừng như một hình thức vinh danh cao quý.
Tuy nhiên hình thù phổ biến nhất của bánh gừng vẫn là ngôi nhà Giáng sinh y như thật trong từng chi tiết: tường, mái, cửa sổ, hàng rào và cả phần sân tuyết phủ với rất nhiều yếu tố trang trí mang màu sắc lễ hội khác. Hình ảnh ngôi nhà bánh gừng mang nhiều ý nghĩa. Một mặt, nó được tin là đại diện cho tinh thần ấm áp, thân thuộc của sự đoàn tụ gia đình. Mặt khác, nó gắn liền với truyền thuyết về ngôi nhà bánh kẹo trong truyện Hansel và Gretel, trích từ bộ truyện cổ Grimm. Ngày nay, trong đời sống người châu Âu, nhà bánh gừng không chỉ là truyền thống bắt buộc phải có, mà còn là yếu tố gắn kết các thành viên gia đình với nhau. Mỗi dịp lễ về, người lớn trong nhà sẽ đảm nhiệm phần nướng “tường” nhà, “ngói” nhà, xây “móng”, trong khi trẻ em giúp đỡ bố mẹ trang trí ngôi nhà của gia đình bằng đường và kẻo dẻo rực rỡ.
Thế giới tạo hình bánh – sáng tạo và kì công
Môn nghệ thuật tạo hình bánh gừng nói chung và nhà bánh gừng nói riêng luôn thu hút những bàn tay tài hoa và đầu óc sáng tạo. Do đó, vào mỗi mùa lễ hội, hàng loạt các công trình bánh gừng lại được ra đời và không ngừng làm chúng ta trầm trồ, thán phục. Không thỏa mãn chiếc bánh gừng bình thường, nhỏ xinh vừa đủ để đặt lên bàn tiệc gia đình, năm 2013, một nhóm ở thành phố Bryan (Texas, Mỹ) đã thiết lập kỷ lục thế giới mới cho ngôi nhà bánh gừng lớn nhất với diện tích lên tới… 234 m2. Tổng cộng 1,327 kg đường nâu, 1,820 kg bơ, 7,200 quả trứng và 3,300 kg bột mì đã được sử dụng để làm nên tác phẩm hoành tráng này.
Không lâu sau, các bếp trưởng của khách sạn New York Marriott Marquis, Jon Lovitch, đã phá vỡ kỷ lục về công trình bánh gừng lớn nhất ở trên bằng một thành phố bánh thu nhỏ, với 135 khu dân cư, 22 tòa nhà thương mại, cáp treo và tàu điện hoàn toàn làm bằng bánh gừng. Xu hướng thiết kế bánh gừng ngày càng vươn xa ra khỏi mô hình ngôi nhà Giáng sinh truyền thống. Người ta xây bất cứ thứ gì họ muốn chỉ bằng cách lắp ghép những lát bánh quy vào với nhau, rồi nâng cấp chúng với kẹo và đường: từ mô hình nhà thờ, trung tâm thường mại, sân vận động đến tàu thủy, máy bay,…
Trong các gian hàng bánh kẹo dịp lễ Giáng Sinh, bên cạnh những tác phẩm hoành tráng về kích thước, người ta còn bày bán cả những chiếc bánh gừng xinh xinh mang hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu. Những tác phẩm nhỏ này lại thể hiện sự sáng tạo trong việc trang trí bánh quy bằng đường. Bánh hình người sẽ được vẽ mặt, mũi, áo quần, cây thông thì vẽ thêm đồ trang trí bắt mắt, ngựa gỗ được vẻ đường diềm, xoắn óc tỉ mỉ và sắc nét không kém gì món đồ chơi thật bên ngoài. Chỉ riêng những chiếc bánh thơm nức mũi, đẹp đến không nỡ ăn này đã đủ khiến không khí lễ hội tràn ngập qua từng ô kính cửa hàng.
Hầu hết chúng ta nếu từng đọc qua câu chuyện về Hansel và Gretel đều sẽ không thể quên được “ngôi nhà trong mơ” với mọi đứa trẻ, một ngôi nhà bằng bánh quy, kẹo ngọt,… Ngôi nhà kì diệu ấy không chỉ tồn tại trong thế giới cổ tích hay thuộc quyền sở hữu của mụ phù thủy độc ác, mà vào mỗi dịp Giáng sinh, nó đã ra đời dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo vô biên của những nghệ nhân – như một lời nhắc nhớ chúng ta về cái đẹp lung linh cổ tích vẫn tồn tại giữa thế giới hiện đại.
Theo Tri thức trẻ.
Trả lời