(bộ nhớ đệm: 13:55:02 28/03/2024)
Kygia
Một ngày dạo “chợ tình” Thượng Hải
Bảng thông tin về những chàng trai, cô gái tham gia “chợ tình” ở Thượng Hải.

Thời hiện đại, Trung Quốc nở rộ các “chợ tình” có tổ chức, nơi nam thanh nữ tú tìm tới với hy vọng chọn được người trong mộng, để tiến tới tình yêu và hôn nhân. Một người trong cuộc, một chàng trai Thượng Hải với tên Zheping Huang, đã lần đầu kể lại chi tiết không khí của các “chợ tình” như thế.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên

“Hội chợ tình yêu và hôn nhân” thường niên vừa diễn ra tại Thượng Hải, tại vùng ngoại ô của quận Baoshan, nơi tôi sinh sống. Trong ngày 31.10, hơn 4.000 người độc thân dưới 40 tuổi đã đổ tới đây, để tìm một nửa của họ.

Năm nay tôi 23 tuổi, là con duy nhất trong một gia đình lao động ở Thượng Hải. Tôi chẳng có nhu cầu vội vã tìm bạn gái, nhưng do kết hôn khi còn trẻ là điều bình thường ở Trung Quốc, cha mẹ đã giục tôi tới hội chợ. “Đến xem thì có gì sai cơ chứ” – mẹ tôi nói.

Vậy là tôi đã tới đây, trên người bận một bộ đồ tử tế. Tôi nhìn lên một bảng tin lớn và thấy ảnh cùng tên mình trên đó, bên cạnh hàng ngàn bức ảnh khác. Thông tin đi kèm bức ảnh có cả thu nhập của tôi. Tôi đã điền thông tin thu nhập trong năm khi đăng ký dự hội chợ qua mạng. Đó là câu hỏi bắt buộc. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ công khai thu nhập bên cạnh tên mình, như kiểu quảng cáo cho một món hàng.

Theo tính toán của tôi, có khoảng 2.000 nam giới và chừng ấy nữ giới độc thân được liệt kê trên bảng tin. Nhưng các cô gái vẫn hiện diện đông hơn các chàng trai. Khi đang đọc một số thông tin trên bảng, một cô gái bỗng khiến tôi chú ý. Cô trông như trong độ tuổi 20, với mái tóc dài, nhuộm màu nâu. Cô mặc váy vải bông chéo và quần tất màu đen, trông rất sành điệu.

Chúng tôi nhìn nhau và cô ấy tiến về phía tôi. “Ê, anh sinh năm nào thế?” – cô ấy hỏi. Cái cách cô ấy nói “ê” nghe không lịch thiệp lắm. Tôi có cảm giác mình như một gã tài xế say rượu đang bị cảnh sát giao thông dừng xe và tra hỏi. “1992” – tôi đáp.

Lập tức cô gái kia đi luôn qua mặt tôi. “Cô sinh năm nào?” – tôi hỏi với theo. Cô ấy vẫn rảo bước, quẳng lại phía sau câu trả lời: “Tôi già hơn anh tới cả giáp cơ.” Có lẽ cô ấy cảm thấy tôi còn quá trẻ, không thể là đối tượng nghiêm túc nên chẳng muốn phí thời gian.

Tiếp thị hôn nhân

Càng khám phá hội chợ, tôi càng có cảm giác mọi người tới dự sự kiện này – dù họ là đàn ông, phụ nữ tìm nửa còn lại của đời mình, hoặc các ông bố, bà mẹ đi tìm người yêu cho con, hoặc thậm chí là các nhà môi giới hôn nhân chuyên nghiệp – ai cũng đều có vẻ nắm rõ tình hình và tập trung tìm kiếm điều họ mong muốn (có lẽ ngoại trừ tôi ra).

Ngay khi bước vào hội chợ, tôi đã được vài bà mẹ tìm tới hỏi han. Họ đều xoay lưng khi biết tôi sinh năm 1992. Các nhà môi giới hôn nhân kéo tôi tới quầy thông tin của họ để ghi danh. Khi tôi điền thông tin cá nhân, họ đều tỏ ra ấn tượng (hoặc vờ ấn tượng) trước chiều cao của tôi, việc tôi có hộ khẩu Thượng Hải, có bằng thạc sĩ, dù tuổi còn rất trẻ. Họ đều không vui khi tôi nói rằng mình không có nhà và gia đình chỉ mua nhà khi tôi lấy vợ. Nhưng rồi họ nói rằng do tôi còn trẻ, việc chưa có nhà cũng không quan trọng lắm.

Một người môi giới còn nói rằng là đàn ông, tôi được xem như của báu. Bà cho biết kho dữ liệu thuộc công ty môi giới của mình đang có tỉ lệ chênh lệch giới đáng kinh ngạc, theo đó nữ giới đông gấp 4 lần nam giới.

Đây là chuyện có vẻ ngược đời so với thực tế ở Trung Quốc. Người ta dự báo rằng tới năm 2020, số nam giới trong độ tuổi từ 20 – 45 ở Trung Quốc sẽ nhiều hơn nữ giới với cùng độ tuổi khoảng 24 triệu người. Một giáo sư kinh tế gần đây còn đề xuất rằng phụ nữ cần phải được kết hôn với hơn một người đàn ông để chống lại tình trạng mất cân bằng.

Nhưng tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, và đặc biệt là trong nhóm thanh niên đã tốt nghiệp đại học, dường như có rất nhiều cô gái trẻ muốn lấy chồng.

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân vì phần lớn người Trung Quốc muốn có một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, hai bên bằng nhau trên phương diện tài sản, giáo dục hoặc nền tảng văn hóa. Điều này đặc biệt đúng ở Thượng Hải. Bất chấp việc đây được xem là một thành phố quốc tế, nó lại không mở rộng vòng tay chào đón những kẻ “ngoại đạo”, tới từ các vùng khác của Trung Quốc.

Khao khát kết hôn với người môn đăng hộ đối có nghĩa phụ nữ trẻ Trung Quốc ở các đô thị chỉ có sự lựa chọn hạn chế. Cùng lúc, quan điểm phụ nữ trên 27 tuổi đã bị xem là gái ế, khiến họ càng chịu áp lực phải kiếm một tấm chồng.

Một cuộc thăm dò quy mô quốc gia gần đây cho thấy độ tuổi trung bình để lấy chồng ở Trung Quốc là 26. Hơn 90% phụ nữ Trung Quốc đã kết hôn trước tuổi 30. Ở thế hệ sinh sau năm 1990 như tôi, độ tuổi kết hôn trung bình còn thấp hơn, khoảng 24 tuổi.

Cái bàn màu đỏ

Cảm giác kỳ quái khi phải nói chuyện với những tay môi giới hay cha mẹ các cô gái, và phải nghe câu hỏi kiểu như “cháu có nhà không” khiến tôi thấy ngán ngẩm. Vì thế tôi đã ghi danh tham dự sự kiện có tên “Tìm người trong mộng ở cái bàn màu đỏ.” Sự kiện này được thiết kế dành cho những ai có tính cả thẹn, quá xấu hổ và không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với người khác giới.

Đây về cơ bản là một dây chuyền công nghiệp. 5 chàng trai và 5 cô gái sẽ ngồi quanh một cái bàn phủ khăn đỏ và trò chuyện trong 6 phút. Sau đó, 5 chàng trai sẽ cùng đi sang các bàn khác, được xếp vòng tròn quanh đó. Có tổng cộng 10 chiếc bàn nên hoạt động này tiêu tốn chừng 1 giờ đồng hồ.

Người ta quảng cáo rằng đây là cách để có cuộc nói chuyện hay ho với ai đó mà bạn thích. Sau khi 100 người tham gia, gồm cả tôi, đã an tọa, người dẫn chương trình bắt đầu chọn 1 người từ mỗi bàn, rồi bảo họ tự giới thiệu. Một cô gái nói rằng không muốn công khai nêu thu nhập của bản thân. “Đừng thẹn thùng nữa” – người dẫn chương trình nói nửa đùa nửa thật – “Nếu không chẳng có ai rước em đâu”.

Vị này cũng liên tục nhắc nhở với các chàng trai rằng họ cần phải nói rõ về hai điều – là nhà cửa và thu nhập. Một anh chàng trong độ tuổi 30, đang làm việc tại trụ sở Ngân hàng Trung Quốc, liền tuyên bố với giọng không được khiêm tốn cho lắm: “Tôi chẳng kiếm được nhiều, chỉ từ 300.000 – 400.000 NDT (47.000 – 63.000USD) một năm”.

Trong 1 giờ tiếp theo, tôi có trò chuyện với vài cô gái sàn sàn tuổi mình. Một số dễ thương, số khác kỳ quái. Người thứ nhất là Xu, sinh năm 1993, tới từ Yêm Thành, tỉnh Giang Tô. Sau hơn 60 giây im lặng một cách khó hiểu, Xu vẫn dán mắt vào tờ rơi nằm ở trên bàn và dường như không muốn nói chuyện với tôi hay anh chàng ở cạnh đó. “Sao cô lại tới đây nhỉ?” – tôi đặt câu hỏi “phá băng”. Cô ấy nói rằng đã bị mẹ và dì ép tới.

Chúng tôi đã nói chuyện về quê quán, về các trường đã học qua, nghề nghiệp. Sau đó tôi cạn chủ đề. Cô ấy thì dường như vẫn say sưa với tờ rơi hơn là tôi. Chúng tôi bèn kết bạn trên ứng dụng Wechat. Khoảng một giờ sau sự kiện, tôi thấy cô ấy tải một dòng lên đó: “Thật là ngớ ngẩn quá đi”.

Cô thứ hai cũng là Xu, sinh năm 1990, tới từ Thượng Hải. Xu làm việc trong hệ thống tàu điện ngầm của Thượng Hải, chịu trách nhiệm thu tiền và thêm điểm vào thẻ đi tàu của khách. Cô còn giám sát các anh “trai làng” khi họ kiểm tra, sửa tàu ngoài giờ. “Trai làng” là từ có ý miệt thị mà cô dùng để gọi những người từ nơi khác tìm tới làm việc ở Thượng Hải. Cô chỉ muốn hẹn hò với người ở Thượng Hải.

Tiếp theo là cô Fang, sinh năm 1992, người Thượng Hải. Mới tốt nghiệp đại học nhưng Fang đã tìm được công việc giáo viên môn sinh học tại một ngôi trường ở Thượng Hải. Cô không muốn tới hội chợ, nhưng bị mẹ bắt đi. Với kiến thức sinh học của mình, tôi khiến cô thấy ấn tượng. Một người phụ nữ lớn tuổi ngồi trong bàn, trông có vẻ buồn chán vì chẳng ai bắt chuyện, nói rằng bọn tôi khá giống một đôi uyên ương.

Người thứ tư tôi còn không dám hỏi tên cô ấy, cũng tới từ Thượng Hải. Cô ấy cũng không buồn hỏi tên tôi, nói rằng tôi còn quá trẻ và nên tìm bạn gái trong ký túc xá của trường đại học.

Chỉ quay lại khi đã thành trai ế

Kết thúc các cuộc trò chuyện mệt mỏi dài 1 giờ đồng hồ, tôi đã cố tìm cô giáo dạy sinh học, nhưng không thấy cô ấy đâu. Tôi nghĩ rằng như thế đã là đủ cho một ngày tìm bạn gái. Nhưng hóa ra vẫn có người đang chờ tôi.

Đó là bà Chen, mẹ của một cô gái 22 tuổi. Qua tiếp xúc sơ bộ lần đầu, bà Chen đã “chấm” tôi. Tuy nhiên trước khi đôi bên tiến xa hơn, bà muốn kiểm tra thêm một số điều. Đó là liệu tôi có chấp nhận việc con gái bà mới tốt nghiệp trung cấp, thay vì đại học? Liệu cha mẹ tôi có bận lòng, khi con bà không phải người Thượng Hải mà tới từ Vũ Hán. Cuối cùng là tôi có hay trở lại Thượng Hải không và dự định sống ở đâu trong tương lai.

Các câu trả lời của tôi khiến bà hài lòng. Chúng tôi trao đổi số điện thoại và khi chia tay, tôi hỏi vì sao con gái bà Chen không tự tới hội chợ. Bà trả lời rằng vì con có tính cả thẹn. “Ngoài ra thì con cái chẳng bao giờ vội kết hôn cả, chỉ có các ông bố bà mẹ thôi” – bà thành thật chia sẻ.

Tôi hiểu rằng cha mẹ tôi cũng có mong muốn tương tự. Họ kết hôn khi đã 30 tuổi và sinh tôi khi một số bạn bè thậm chí đã có cháu bế. Nhưng khi về nhà, tôi chẳng hé răng nói về con gái bà Chen, hay bất kỳ cô nào khác tôi đã gặp. “Chẳng ai để ý tới con cả” – tôi nói thế với mẹ – “sau rốt, tôi muốn tự tìm bạn gái và biết những điều khiến cô ấy quyến rũ, thông qua các bữa tối, các buổi tụ tập của bạn bè. Tôi không muốn tìm thấy tình yêu ở một hội chợ, nơi các bậc phụ huynh đóng vai trò quyết định mối quan hệ của một đôi trai gái, dựa trên trình độ giáo dục, hộ khẩu, nhà hay lương, thay vì tình cảm chân thành. Có thể tôi sẽ trở lại hội chợ đó, sau khi đã thành trai ế”.

Nguồn laodong.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề