Câu chuyện “thật như đùa” này lại đang xảy ra tại tòa nhà G khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gần 2 tháng nay.
Nỗi kinh hoàng mang tên thang máy
Toà nhà G, khu tái định cư Đền Lừ được đưa vào sử dụng vào năm 2004 đến nay đã rơi vào “thảm cảnh” xuống cấp nghiêm trọng. Bốn thang máy được chia cho hai đơn nguyên với hơn 500 nhân khẩu của 110 hộ dân đang sinh sống. Hơn một tháng nay, chỉ còn lại một thang máy hoạt động.
“Tôi chuyển tới đây được 10 năm, tình trạng thang máy bị hỏng hóc như thế này diễn ra liên tục. Trước đây chủ đầu từ còn gọi đơn vị lắp đặt đến sửa chữa vì còn nằm trong gói bảo hành.
Nhưng oái oăm ở chỗ, nhiều khi thợ sửa thang máy vừa ra khỏi toà nhà là thang máy lại chết đứ đừ. Đến thời điểm này, người dân chờ đợi mà không thấy ai đến sửa nữa”, ông Tăng Văn Nhưỡng, người dân sống tại khu nhà G buồn bã kể lại.
Một người dân khác lên tiếng: “Chúng tôi, những người sống từ tầng 7 trở lên là khốn khổ nhất mỗi khi thang máy dở chứng. Người già như chúng tôi đi được 3 tầng là thở không ra hơi rồi. Nói không phải chứ chẳng may có người ở tầng 11 phải cấp cứu thì có lẽ sẽ chết trước khi xuống tới đất”.
Đây là cách người dân nơi đây “sử dụng” thay máy
Ông Chu Văn Huấn, thương binh 1/4 sống tại nhà chung cư G nhiều năm, vẫn chưa hết bàng hoàng khi khi kể lại câu chuyện thang máy bi rơi tự do cách đây không lâu. “Nỗi kinh hoàng chẳng khác gì thời chiến trận. Khi biết được thang máy rơi, tôi và nhiều người dân nhanh chóng có mặt, cũng may hôm đó thang máy rơi xuống đến tầng gần cuối cùng thì dừng lại.
Sau khi cắt được cửa thang máy, chúng tôi phải lôi họ lên vì thang đã tụt xuống phía dưới cửa ra vào. Bên trong có một người phụ nữ đang có bầu và hai đứa trẻ con. Bây giờ nhắc đến chuyện đi thang máy không ít người vẫn còn sợ hãi, nhiều người ở tầng 5, 6 không dám đi vì họ lo mất an toàn. Cả toà nhà có đến11 tầng, người già trẻ nhỏ một ngày sao đi được mấy vòng từ tầng một lên tầng 11”.
Lối thoát hiểm
Cũng bởi lý do này, những người ở tầng cao đã khám phá ra một con đường mới, bớt hiểm nguy hơn, đó là đi nhờ thang máy còn hoạt động của đơn nguyên bên cạnh. Oái oăm ở chỗ, muốn sang được phải khom lưng đi chui qua mái nhà, sang tòa nhà bên cạnh.
Bà Lê Thị Dần, tổ trưởng tổ dân phố 83 nói: “Khu vực tầng thượng không có đèn thắp sáng, người già, trẻ em, thương bệnh binh đêm hôm vẫn phải dùng đèn pin để chui luồn qua lối này. Người già xương khớp yếu mà phải lê từng bước thế này, nhìn tội lắm”.
Không chỉ bức xúc vì thang máy hay những khoản dịch vụ trong toà nhà, điều làm bà Dần quan tâm nhất chính là vấn đề vệ sinh môi trường.
“Có lẽ việc không có ban quản trị toà nhà khiến nơi đây không thành một thể thống nhất, mạnh ai nấy làm. Những điểm nghỉ chân của cầu thang bộ bị nhiều hộ gia đình chiếm dụng thành nơi để đồ bỏ đi, làm cho khu vực luôn bẩn thỉu nhếch nhác. Trong khi đó, khu nhà vệ sinh thật sự bẩn thỉu và xuống cấp, luôn trong tình trạng nước thải tràn ra ngoài hôi thối, ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì…”, bà Dần phân trần.
Khu nhà xuống cấp nghiêm trọng, nước tràn ra ngoài bốc mùi hôi thối.
Điểm nghỉ của các cầu thang bộ bị những hộ dân chiếm làm nơi để đồ.
Theo Dan trí
Trả lời