Vùng trồng dưa hấu ven sông La Ngà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ thu hoạch nhưng giá rẻ mạt, nông dân phải mang ra đổ đống ven đường chờ chực thương lái đến mua.
Những ngày qua, xe cải tiến liên tục chở dưa hấu từ các xã ven sông La Ngà về đổ đống dọc tỉnh lộ 713 đoạn gần cầu Võ Xu, huyện Đức Linh, biến nơi đây thành chợ tập kết dưa, kéo dài gần nửa cây số.
Ngồi buồn bã bên đống dưa, anh Trần Quang Minh, khu phố 9, thị trấn Võ Xu, cho biết mọi năm thương lái vào tận rẫy đặt cọc mua dưa, nhưng năm nay đến ngày thu hoạch lại không thấy ai hỏi han. Anh buộc phải thuê xe chở dưa từ trong rẫy ra đây đổ đống, chờ người đến hỏi mua.
“Nhà tôi trồng một hecta, thu hoạch hơn 30 tấn. Dưa đổ đống như thế này 5 ngày rồi. Bây giờ thương lái không mua, chỉ bán cho những người buôn nhỏ được vài trăm ký, giá từ 1.000-1.200 đồng một kg”, anh Minh cho biết.
Theo người trồng dưa ở địa phương, một hecta dưa hấu có chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, cho sản lượng trung bình hơn 30 tấn. Thời điểm hiện tại, dưa to đẹp loại trên 3kg có giá 1.500-1.600 đồng một kg, loại trung bình giá trên dưới 1.000 đồng. Với mức giá này, nông dân bị lỗ mất hơn 60 triệu đồng một ha. Nhiều người đi thuê đất trồng dưa còn lỗ nặng hơn vì phải mất thêm tiền thuê đất 20 triệu đồng mỗi ha. Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hồng Phương ngồi ủ rủ bên đống dưa hấu vừa thu hoạch 10 tấn nằm phơi nắng, phơi sương suốt 4 ngày qua cũng cho hay: “Mới thu hoạch 3 sào thôi mà không ai mua. Còn 5 sào nữa, không biết có bán được hay không”.
Ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Linh cho biết trồng dưa hấu Tết là nghề truyền thống của nhiều hộ nông dân ven sông La Ngà, huyện Đức Linh. Năm nay toàn huyện trồng khoảng 200 hecta dưa hấu Tết, tổng sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn. So với năm ngoái, vụ dưa Tết năm nay, nông dân địa phương trồng vượt hơn 60 hecta. Nguyên nhân dưa hấu mất giá là do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi đó, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ với một số lượng rất nhỏ.
“Nhiều nhà vườn vay ngân hàng để đầu tư, nay lỗ nặng lâm vào cảnh nợ nần. Đại lý phân, thuốc cũng không thu được khoản cung ứng đầu tư trước cho bà con nông dân. Nhiều người phải cầm cố sổ đỏ để trả nợ”, ông Binh nói.
Theo vnexpress.net
Trả lời