Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tại chương trình này, các bên đã phối hợp tiến hành khảo sát, đánh giá và làm việc với nhiều bên, như các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp, các liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp và hợp tác xã, từ đó xây dựng báo cáo đánh giá và đề xuất các kiến nghị chính sách đối với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, tình trạng doanh nghiệp phải “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là khá phổ biến gây khó khăn cho nhiều hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã. Theo điều tra của VCCI, có tới 55% đơn vị, doanh nghiệp cho rằng nếu không “chi thêm” sẽ bị phân biệt đối xử; có tới 85% cho biết sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 68% bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 66% gặp phải thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế.
Đáng chú ý, cũng theo báo cáo của VCCI, mặc dù nhóm thủ tục về khai thuế, đăng ký thuế và nộp thuế có tỉ lệ đánh giá “không” hoặc “ít phiền hà” tương đối cao, song vẫn còn một số thủ tục bị đánh giá đang còn nhiều trở ngại, trong đó có 64% đánh giá thủ tục thanh, kiểm tra thuế còn phiền hà và tương đối phiền hà; 57% đánh giá nhóm thủ tục hoàn thuế và miễn giảm thuế còn phiền hà.
Kết quả khảo sát trong lĩnh vực hải quan cũng khá buồn với thông tin chỉ có 21% doanh nghiệp cho biết cán bộ hải quan chịu lắng nghe ý kiến của họ. Những nhóm thủ tục hải quan gây phiền hà nhất gồm: Giải quyết khiếu nại (47%); xử lý vi phạm hành chính (41%) và thủ tục thông quan (40%), trong đó, 69% cho rằng thời gian giải quyết là quá dài, 62% yêu cầu cung cấp thêm thông tin, giấy tờ không cần thiết và 45% cho biết cán bộ hải quan không hướng dẫn kịp thời, tận tình và 44% phải trả thêm các chi phí không chính thức và 36% cho biết gặp khó khăn khi biểu mẫu thay đổi.
Đáng chú ý, 64% doanh nghiệp cho biết vẫn còn tâm lý e ngại bị phân biệt đối xử nếu không “lót tay” cho cán bộ hải quan; 86% cho biết bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 74% bị yêu cầu phải giải trình và bổ sung các chứng từ không theo quy định; 39% cho biết cán bộ hải quan có thái độ không văn minh lịch sự. Các khảo sát của VCCI được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 10.2015 và có 180 đơn vị phản hồi, trong đó gồm 153 hội/hiệp hội doanh nghiệp và 27 liên minh hợp tác xã các tỉnh/thành phố.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định Bộ Tài chính sẽ liên tục đổi mới, khắc phục những tồn tại, cam kết tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nămg lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Nguồn laodong.vn
Trả lời