Con ruồi, cái chai và con sư tử

Con sư tử có thể chết vì con vi trùng cực kỳ nhỏ bé. Nhỏ đến nỗi phải dùng kính hiển vi phóng to 5.000 lần mới thấy một chấm đen.

Mọi doanh nghiệp đều cần có một sức mạnh nội tại, phải thực sự sâu rễ bền gốc, có uy vũ tự thân mới đủ sức đề kháng những chấm đen quái ác,. Và câu chuyện con ruồi đẩy một người vào tù bảy năm bởi lòng tham bộc phát, và thổi bay cả 2.000 tỉ đồng của một doanh nghiệp mạnh hơn cả con sư tử trong rừng đang là câu chuyện rất thời sự mấy ngày qua.

Người viết bài này xin chân thành góp ý nhìn từ góc quản trị doanh nghiệp với ước mong không còn nhìn thấy những tình huống tồi tệ và đau lòng như thế nữa trong cộng đồng kinh doanh.

Ở tòa án, các luật sư bào chữa miễn phí cho người bán hủ tiếu và bún riêu đã nói tình, nói lý dù ý kiến của họ chưa được nghe bằng cả hai tai của những người cầm cán cân công lý, tuy nhiên, tác động của truyền thông, ý kiến của cư dân mạng đã thể hiện được một “quyền lực thứ tư” rất đáng trân trọng. Đó mới là bản kết luận đáng suy gẫm.

Trong mấy ngày qua, trên phương tiện truyền thông lại có thông tin một vài sản phẩm của chính doanh nghiệp được tòa xem là “bị hại” này đang gặp “sự cố”. Hạ hồi phân giải sao đây thì chưa rõ, câu hỏi là doanh nghiệp đã tự ý thức, nâng cao việc kiểm tra, cải tiến, tự hoàn thiện về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm chất lượng cho sản phẩm như thế nào sau những sự cố đã xảy ra.

Rồi đây, sẽ có người Việt Nam mua thực phẩm cảm thấy chùn tay, run chân, lạnh gáy khi nhìn thấy… “sinh vật lạ” trong sản phẩm mà chẳng dám làm gì.

Uy tín đi ra từ chất lượng. Uy tín thể hiện qua thái độ và cách ứng xử. Và bản lĩnh ứng xử thế hiện rõ nhất trong tình huống khó khăn, không may gặp phải.

Có điều gì đó không ổn khi xâu chuỗi nhiều sự việc trong thời gian qua. Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã ở đâu? Hội đã làm được những gì? Cách hành xử của doanh nghiệp có được cố vấn bởi các chuyên gia xử lý khủng hoảng thực sự không? Tiền lệ này có nên lặp lại không? Hay chúng ta đang vô tình làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và tự giết dần giết mòn một thương hiệu lớn, một cơ đồ doanh nghiệp Việt?

Theo dõi những lời bình trên mạng thì thấy rõ ràng là bản án không làm cho người tiêu dùng “tâm phục, khẩu phục”, dù ở trước tòa giám đốc công ty đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Nôm na gọn một câu: Bản án không đạt yêu cầu về ảnh hưởng giáo dục và thiết lập sự công bằng, không luật hóa được những khuyến nghị cần có cho mối tương quan doanh nghiệp – người tiêu dùng – các cơ quan kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rồi đây, sẽ có người Việt Nam mua thực phẩm cảm thấy chùn tay, run chân, lạnh gáy khi nhìn thấy… “sinh vật lạ” trong sản phẩm mà chẳng dám làm gì.

Xã hội sẽ như thế nào, khi tinh thần Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” ngày càng giảm sút? Sẽ có ý nghĩa gì nữa, khi những câu chữ “bảo vệ người tiêu dùng” chỉ là vật trang điểm cho bộ mặt rỗ lỗ chỗ sự thiếu hiểu biết, thiếu sự minh bạch, thiếu sự minh triết và thiếu cả tính nhân văn. Sẽ luôn rình rập nguy cơ bị hình sự hóa chăng? Sẽ bất cần một quy tắc ứng xử (Code of Conduct) phù hợp với đạo lý, tâm lý và pháp lý văn minh hay sao? Sẽ thiếu cho đến bao giờ những thể chế độc lập, các viện nghiên cứu chuyên sâu, các cơ quan thanh tra đáng tin cậy để xây dựng nền tảng hồ sơ cho việc phán xử theo đúng sự thật và chân lý (hai điều này thường bị hiểu lầm là một!)?

Đã có câu chuyện một tập đoàn thức ăn nhanh bị tố cáo về chất lượng bảo quản thịt băm và khoai tây tồi tệ. Họ đã phản ứng bằng cách công khai hóa các quy trình, tiêu chuẩn, quy định thu mua, kiểm tra vệ sinh thực phẩm nhiều vòng, bảo quản và chế biến. Họ không vội vàng vu cáo đối thủ cạnh tranh ám hại. Công an không vào cuộc vì đã có tòa án luôn sẵn sàng nhận và xét xử công tâm đơn kiện của bất cứ ai, và nếu kiện sai thì phải chịu hình phạt.

Họ đã sử dụng truyền thông tại chỗ bán hàng và truyền thông đại chúng để phổ biến sự hiểu biết thâm sâu và quy trình khoa học của doanh nghiệp. Họ đã mở cửa cho công chúng vào xem các nhà kho và nơi sản xuất của họ. Họ có đủ giấy tờ xác nhận định kỳ suốt hàng chục năm của những viện kiểm định khoa học tên tuổi nhất (ở những nơi mà kiểm nghiệm một ly nước đã phải trả hơn 2.000 đô la Mỹ).

Họ đã chứng minh một cách thuyết phục về chất lượng đầu vào và đầu ra cực kỳ an toàn. Họ đã biến kẻ thù tiềm năng thành bạn, biến sự tiêu cực thành tích cực, biến sự phản bác thành đồng thuận, biến sự bực mình thành sự ngưỡng mộ. Họ đã tăng doanh thu và lợi nhuận, và nhất là tăng độ tin cậy của khách hàng. Họ không truy tố ai cả, mà còn tặng quà những người đến tham quan và cảm ơn những người đã hiểu chưa đầy đủ về sản phẩm của họ, để họ có cơ hội giới thiệu đầy đủ hơn về phía sau sản phẩm của họ.

Xét cho cùng: Mất uy tín thương hiệu, giảm hay mất lòng tin của khách hàng mới là sự mất mát lớn nhất.
Sự mất mát đó lớn hơn cả vạn lần sự tan nát của một gia đình do một người nổi lòng tham, tưởng đây là cơ hội trời cho và lại không biết luật. Không ai có quyền không biết luật. Ai cũng có chút lòng tham, nhưng đây là lòng tham mà không biết luật, khác hẳn với bè nhóm tham nhũng tinh quái đang khăn áo chỉnh tề và ngồi vị trí chiếu trên ở khắp thế giới.

Những doanh nghiệp biết nhìn xa là những doanh nghiệp luôn xem xét lại nội lực, bí quyết công nghệ, quy trình sản xuất, cách chăm sóc khách hàng, công tác truyền thông, quảng cáo và quan hệ công chúng, cách sử dụng những lời khuyên của các chuyên gia hàng đầu đầy kinh nghiệm, cách phòng bệnh hơn chữa bệnh, cách đào tạo và huấn luyện nhân viên cũng như triết lý, đạo đức và văn hóa kinh doanh của mình.

Thiết nghĩ chúng ta nên có cơ chế, chính sách, quy định và quy tắc ứng xử cho những trường hợp đáng buồn như vừa xảy ra. Hơn tất cả, phải tránh những gì có thể làm xã hội bị tổn thương không đáng có về nhận thức, thái độ và lòng tin.

Nguồn thesaigontimes.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề