Campuchia đang đứng giữa đôi bờ Trung – Mỹ khi cả hai quốc gia này cùng cạnh tranh mở rộng tầm ảnh hưởng tại nước này. Việc nghiêng hẳn sang bên nào cũng sẽ khiến Campuchia gặp bất lợi.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với hai thách thức chiến lược là thống nhất đoàn kết trong tổ chức và cân bằng giữa sức mạnh ảnh hưởng từ Trung Quốc và Mỹ khi cả hai cường quốc này cùng cạnh tranh mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Theo tạp chí The Diplomat, là một thành viên trong khối ASEAN, một trong những thách thức lớn nhất đối với Campuchia đó là cân bằng cuộc đua tạo dựng tầm ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc. Thách thức chiến lược này cũng sẽ tác động lớn tới các chương trình cải cách chính trị, phát triển kinh tế, chính sách ngoại giao và quốc phòng của Campuchia.
Việc Mỹ và Trung Quốc cùng cạnh tranh lợi ích và ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Campuchia nói riêng, đã đẩy Campuchia vào tình thế khó. Bởi quốc gia này chưa thể đưa ra quyết định dứt khoát về việc chọn đi theo cường quốc nào cũng như cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc mà không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Còn hiện nay, Campuchia đang cố gắng tận thu những lợi ích có được từ sự cạnh tranh của hai cường quốc này.
Song thực tế, Campuchia sẽ cần có những bước đi thận trọng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ. Bởi Mỹ – Trung đang được xem là những tiềm năng giúp tăng cường an ninh và kinh tế cho Campuchia.
Một điều rõ ràng là lợi ích chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở Campuchia đang cạnh tranh rất khốc liệt. Điển hình, cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 7/2013 ở Campuchia đã cho thấy một thực tế là cả đảng cầm quyền và đối lập đã tận dụng sự ủng hộ của Trung Quốc và Mỹ để phục vụ cho những mục tiêu chính trị của mình.
Trong chiến dịch tranh cử, đảng đối lập đã kêu gọi Mỹ và phương Tây ủng hộ lĩnh vực chính trị đồng thời cáo buộc đảng cầm quyền không tôn trọng các quy tắc dân chủ, vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Đáp lại, giới nghị sĩ Mỹ trong Thượng viện và Hạ viện đã lên tiếng đe dọa cắt viện trợ cho Campuchia nếu như cuộc bầu cử này “không diễn ra công bằng và đáng tin”.
Thậm chí, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối công nhận kết quả của cuộc bầu cử và kêu gọi Campuchia tiến hành điều tra độc lập trước cáo buộc bầu cử sai quy cách.
Trái lại, Trung Quốc đã công nhận kết quả và chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Hun Sen cùng đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn thực hiện chuyến thăm tới Campuchia nhằm tăng cường và thắt chặt quan hệ giữa hai nước. Ông Vương cũng khẳng định chiến thắng của Thủ tướng Hun Sen sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với Trung Quốc.
Khi chính phủ Campuchia quyết định trục xuất 12 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ xin tị nạn vào năm 2009 theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, Mỹ đã lên tiếng phản đối và cáo buộc chính phủ Campuchia vi phạm nhân quyền theo quy định của luật pháp quốc tế. Thậm chí, Washington còn đe dọa quyết định của Campuchia sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương giữa hai nước. Sau đó, Mỹ đã quyết định ngừng chuyển giao 200 chiếc xe quân sự cho quân đội Campuchia.
Trái lại, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội và trao cho quân đội Campuchia gói viện trợ trị giá hàng trăm triệu USD. Thông điệp của Bắc Kinh muốn gửi tới Washington là trong khi Mỹ gửi số phương tiện quân sự dư thừa đã qua sử dụng cho Campuchia thì Trung Quốc sẵn sàng gửi một lượng lớn phương tiện quân sự và quân phục “mới toanh” cho quốc gia này.
Trong chuyến thăm tới Campuchia hồi năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn nhắc khéo Campuchia không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và nên đa dạng hóa các nguồn tài trợ cũng như xây dựng một chính sách ngoại giao độc lập.
Một lần nữa, Washington lại tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực khi cam kết hỗ trợ 187 triệu USD cho “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong” (LMI) trong cuộc họp cấp bộ trưởng năm 2010 giữa Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều minh chứng thực tế cho thấy chính sách ngoại giao của Campuchia đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Điển hình, Campuchia đã ngăn cản đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN năm 2012.
Thậm chí, Campuchia còn lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và các thành viên ASEAN.
Ngay cả việc Trung Quốc xây dựng các con đập có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân Campuchia mà cuộc sống của họ phụ thuộc lớn vào nguồn cá, nước sinh hoạt và tưới tiêu trên sông Mekong, chính phủ Campuchia cũng không có lời phản đối nào đáng kể.
Để mở rộng tầm ảnh hưởng tại Campuchia, Mỹ và Trung Quốc đã chuyển các gói hỗ trợ và đầu tư phát triển khác nhau. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các chương trình phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, dân chủ hóa, thương mại, đầu tư, an ninh khu vực, xã hội và quan trọng nhất là nhân quyền.
Còn Trung Quốc đầu tư mạnh nhất cho phát triển cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống và các tòa nhà công cộng. Điều đáng nói, các khoản hỗ trợ của Mỹ cho Campuchia thường đưa ra những điều kiện đi kèm khắt khe còn Trung Quốc thì không.
Không chỉ Mỹ và Trung Quốc, cả khối ASEAN và các quốc gia láng giềng cũng đang tìm kiếm cơ hội gây dựng tầm ảnh hưởng ở Campuchia. Việc Trung Quốc mở rộng xâm chiếm Biển Đông cũng đã đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và một số quốc gia ASEAN thêm phần căng thẳng.
Trong cuộc họp với giới chức ASEAN hồi tháng 5/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động khai hoang trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm” và ảnh hưởng trực tiếp tới nền hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải.
Còn trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 được tổ chức ở Malaysia, các nước ASEAN đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi khẩn trương tiến hành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và khối ASEAN.
Tuy nhiên, do các nước thành viên ASEAN có mối quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc nên tuyên bố của khối không thể làm Bắc Kinh thay đổi những tính toán trên Biển Đông.
Về phần mình, Campuchia sẽ cần theo dõi sát sao mọi động thái của các nước láng giềng nếu như quốc gia này muốn cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, Campuchia cũng cần cân bằng quan hệ với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, 3 nhà tài trợ chính cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Campuchia.
Campuchia vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực và trọng tâm ưu tiên phát triển của quốc gia này là lĩnh vực kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện quản lý, dân chủ và nhân quyền.
Nếu như Campuchia quyết định thân thiết hơn với Trung Quốc, vấn đề nhân quyền, cải thiện quản lý, dân chủ sẽ bị gạt sang một bên. Hệ quả là mối quan hệ thương mại và đầu tư từ Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây với Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trái lại, nếu Campuchia kết thân với Mỹ, Trung Quốc có thể hoãn tạm thời hoặc hủy các dự án đầu tư lớn cũng như các khoản tài trợ vào Campuchia. Cùng lúc, Campuchia sẽ đối mặt với sức ép lớn từ phía Mỹ về việc cải cách chính trị và xóa bỏ nạn tham nhũng, cải thiện nhân quyền cũng như tự do ngôn luận.
Diplomat nhận định dù nghiêng sang bên nào trong hai cường quốc Mỹ – Trung, Campuchia đều gặp bất lợi. Một điểm gây khó cho các nhà lãnh đạo Campuchia là việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Campuchia đối với Mỹ – Trung chỉ là cuộc đua giữa hai cường quốc chứ không phải đối đầu.
Trí Lê (Theo Infonet/ The Diplomat)
Nói đùa mình nhìn tăng của những quốc gia chuyên đi mua lại , mà thấy lạc hậu quá, không biết là trong chiến tranh hiện đại của thế kỷ 21 này như U và Nga đang xảy ra bây giờ thì các xe tăng kia c ó dám lò cổ ra trận hay không? hay chiể để duyệt binh thị uy dân chúng nhỉ?