Bình thơ: Mưa rồi, nước có luênh loang…

Thơ: Nguyễn Thị Thanh Yến; Lời bình: Thùy Anh 

Một mình một cõi
đam mê
Câu thơ tuột cúc
lời thề
trót
rơi…
 

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Yến

Mưa rồi, nước có luênh loang…

Mưa rồi
nước có luênh loang
Để em đi hết duềnh doàng
đêm nay

Một mình giận đắng
hờn cay
Ước gì còn có thể say
người về…

Một mình một cõi
đam mê
Câu thơ tuột cúc
lời thề 
trót 
rơi

Đêm đêm
ai cứ rã rời
Để mưa tôi lại
hứng tôi
căng
tràn…

Nguyễn Thị Thanh Yến

 

Lời bình của Thùy Anh:

LUÊNH LOANG MƯA…

Gặp cái luênh loang mưa của Yến, bỗng thấy mình ướt nhèm, nhạt nhòa cùng mưa và thơ…

Bài thơ vật vã những niềm riêng trong bóng đêm lặng lẽ. 4 khổ thơ, mỗi khổ là 1 cặp lục bát, làm cho bài thơ của Yến ngắt vụn, nức nở đến tức thở. Kìm lại, nén chặt và vỡ… khi mình chỉ có mình.

Mưa rồi
nước có luênh loang
Để em đi hết duềnh doàng
đêm nay

Cơn mưa ào đến trong 1 câu thơ ngắn gọn như thông báo “mưa rồi”, tự nhiên như nó vốn thế. Nhưng ngay sau đó, vế sau của câu thơ là câu hỏi “nước có luênh loang” và dự định của em “để em đi hết duềnh doàng đêm nay”. Từ “luênh loang” đã kéo dài và làm câu thơ tràn ra thành một khoảng không gian đẫm ướt, lan rộng dần. Còn từ “duềnh doàng” nữa, nó là sự cố ý chùng chình, níu chậm thời gian, thậm chí, muốn kéo ngược thời gian trở lại. Từ “duềnh doàng” rất hay, vừa miêu tả sự chậm trễ cố ý, lại vừa có cái “duềnh” lên của những cơn sóng chưa bao giờ ngưng va đập trong lòng. Ừ, mưa đi, cho em 1 mình vượt qua hết đêm nay, vượt qua bóng tối của quãng đời này. Trong mưa. Thật chậm. Những dòng nước mát lạnh của trời có làm em dịu bớt nỗi niềm bỏng rát không?

Ơi cái một mình của em! Cái một mình thương đến xót xa. Gập ghềnh quá trong nhịp thơ như bước chân cao thấp, xiêu vẹo này:

Một mình giận đắng
hờn cay
Ước gì còn có thể say
người về…

Đọc câu thơ, bỗng nhiên vang lên thăm thẳm những lời ca đồng điệu của nhạc Trịnh: “Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em…”. Nhưng điều khác là “một mình qua phố” ấy trong chiều, còn một mình của Yến là trong đêm, cái thứ màn đêm đen đặc bủa vây người ta trong những “giận đắng hờn cay”, những “đam mê một cõi”. Cũng là nỗi âm thầm trống vắng, giống như nhạc Trịnh “Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau”, nhưng ở đây, không chỉ “biết đau”, mà đã thấm đến tận cùng nỗi đau rồi. Nên mới ước được say để quên, nhưng con người ấy dường như đã tỉnh táo từ trong tiềm thức, không say nổi:

“Ước gì còn có thể say
người về…”

Nghĩa là sao? Phải chăng là say để ảo ảnh người về sẽ hiện ra trước mắt? Cái thứ ảo ảnh cho người đỡ khô khát trong giấc mơ bỏng rát cả trái tim, cả cơ thể cuối xuân thì… Hình ảnh “câu thơ tuột cúc” đẹp quá, đẹp đến rơi nước mắt, vì nó xinh xắn, trong veo thế, mà lại trễ tràng, mà lại lãng phí, mà lại bị bỏ quên!

Câu thơ tuột cúc
lời thề
trót
rơi

Cứ như có một bàn tay vừa đặt lên những chiếc cúc áo nhỏ xinh, rồi buông xuôi, rồi thơ và em hoàn mĩ hiện ra ngời ngợi như ánh trăng đêm, nhưng không ai biết đến, không ai quan tâm! Vì lời thề xưa rơi mất rồi! Từng chữ của thơ em rơi xuống như từng giọt nước mắt, cứ thế ngào nghẹn, âm thầm. Có bàn tay nào đủ dịu dàng để cài lại khuy áo cho em?

Không có. Không thể có. Vì sao? Vì em quá Tỉnh để nhận ra thực hư tốt xấu ở đời. Vì em quá Tình để biết ai chưa đủ hết mình yêu em. Em đã luôn tự mình vượt qua mọi bão giông vì chưa có bờ vai nào đủ mạnh mẽ che chắn cho em. Thế nên, em lại một mình.

Đêm đêm
ai cứ rã rời
Để mưa tôi lại
hứng tôi
căng
tràn…

“Ai cứ rã rời” là em. “Tôi lại hứng tôi” cũng là em. Trong em luôn có 2 con người: một khao khát đến kiệt sức, và một hừng hực sức sống, đam mê. “Rã rời” vì quá nửa đời vẫn chưa một lần được thả mình trong êm dịu bình yên. “Căng tràn” vì tình yêu trong em chưa bao giờ vơi cạn. Nhưng điều cay đắng là dù căng tràn nhựa sống, thì em như giọt mưa tự hứng lấy mình, hứng lấy tất cả tình yêu, niềm đau, khát vọng và tuyệt vọng. Cách nói “tôi lại hứng tôi” khắc tả một sự cô đơn đến cùng cực, nhưng cũng mạnh mẽ phi thường! Em – người đàn bà xinh đẹp khiến người ta mê đắm, nhưng cũng đầy lòng tự trọng, tự tôn để người ta phải kiêng nể.

Em như một cơn mưa, thơ em như phù sa tràn loang những tâm hồn cằn cỗi. Dẫu em vẫn một mình…

Yêu mến em và thương em.

“Vì đó là em”! 

Thùy Anh

Giới thiệu: Nguyen Hong


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề