Chiều nay, 10.11, UBND TP.Hải Phòng tổ chức họp báo để “đính chính” thông tin về việc địa phương này sẽ “xây dựng trung tâm hành chính – chính trị nghìn tỉ”.
Thay mặt UBND TP.Hải Phòng, ông Phạm Hữu Thư, Chánh văn phòng UBND TP.Hải Phòng khẳng định thành phố chưa nghiên cứu, chưa lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở trung tâm hành chính – chính trị “nghìn tỉ”. Thực tế, con số 10.000 tỉ với 70% xin ngân sách trung ương là con số dự tính để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Ông Thư cho biết, việc xây dựng khu đô khị mới Bắc sông Cấm là một trong những hướng quan trọng để xây dựng, phát triển TP.Hải Phòng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia. Chủ trương này được thông qua và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và có từ cách đây 12 năm.
Theo nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5.8.2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng phát triển TP.Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hải Phòng đã triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 cho Khu đô thị Bắc Sông Cấm với 6 khu chức năng với tổng diện tích 1445,51 ha.
“Dự án này dự kiến thực hiện trong 10 năm (2016 – 2025) và vẫn đang trong giai đoạn tiền khả thi. Đây là một dự án được tính toán kỹ lưỡng và thuê cả chuyên gia tư vấn nước ngoài, để đảm bảo không lạc hậu trong thời gian dài”, ông Thư khẳng định.
Cụ thể hơn, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: Trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển thành phố theo dọc các con sông Cấm, sông Lạch Tray. Chính vì vậy, dự án Đô thị mới Bắc sông Cấm rất quan trọng và cần được tính toán kỹ, đầu tư lớn. Con số khoảng 10.000 tỉ đồng chỉ là dự tính, có thể thấp hơn hoặc cao hơn.
Số tiền này sẽ được đầu tư chính vào hạ tầng (đường xá, điện nước…), hệ thống đê biển, kè sông. Đặc biệt là hàng loạt cây cầu (cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên) được xây dựng để phục vụ cho nhân dân.
Sau khi những cơ sở hạ tầng này được xây dựng sẽ thu hút các nhà đầu tư và đây chính là một phần ngân sách để tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại, trong đó có trụ sở trung tâm hành chính, chính trị mới. Khu trung tâm hành chính, chính trị cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của dự án (khoảng 32 ha) và việc xây dựng trung tâm này cũng phải được xem xét vào thời điểm thích hợp.
Ông Nam hài hước cho biết: “Nếu dùng cả 10.000 tỉ xây trung tâm hành chính – chính trị thì chúng tôi có thể dát vàng từng viên gạch ở đấy”.
Ông Nam cũng khẳng định lại ý kiến đã trao đổi trước đó với Thanh Niên Online: “Việc TP.Hải Phòng xin trung ương 7.000 tỉ là không có gì quá đáng. Hải Phòng là một trong những địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất (năm 2014 là trên 50.000 tỉ đồng). Trong khi đó những công trình sử dụng 7.000 tỉ trên là những hạng mục trung ương phải đầu tư cho Hải Phòng (cầu, đê biển, kè sông). Còn 3.000 tỉ còn lại thì thành phố sẽ dựa vào nhiều nguồn khác, hoặc thu hút đầu tư hình thức BT, BOT, PPP”.
Đề cập đến vấn đề trụ sở của các cấp, sở ban ngành thành phố, ông Nam cho rằng 90% trụ sở này đã quá xuống cấp. Ông Nam nói: “Nhìn bề ngoài thì những trụ sở này đẹp đẽ thế thôi, chứ bên trong rất chật chội, cơi nới đủ cách, ẩm thấp mối mọt lắm rồi. Việc này không chỉ khó khăn trong công tác, không xứng với tầm vóc thành phố mà còn cực kỳ nguy hiểm cho việc bảo quản hồ sơ dữ liệu. Vì nếu không có điều kiện bảo quản hồ sơ dữ liệu tốt sẽ thiệt hàng hàng nghìn tỉ đồng”.
Trước thông tin một số sở đã, đang và có kế hoạch xây trụ sở mới, ông Nam cho biết khi có trung tâm hành chính mới, thành phố sẽ xem xét hai phương án: một là nếu sở nào có trụ sở mới, đẹp thì có thể không phải sang khu tập trung. Hai là sẽ tiến hành cho đấu giá toàn bộ trụ sở cũ để lấy kinh phí làm xây khu tập trung.
Nguồn thanhnien.com.vn
Trả lời