“Đừng đổi tên cụ Tú Mỡ thành Cụ Tú Vàng Tâm”
Câu chuyện về loại cây xanh được trồng thay thế ở Hà Nội là cây Mỡ hay cây Vàng Tâm hiện nay vẫn là chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Việt.
Trong những ngày qua, có lẽ chủ đề loại cây xanh nào được thay thế ở Hà Nội, cây Mỡ hay cây Vàng Tâm là chủ đề được dân mạng Việt quan tâm hơn cả.
Trên facebook của mình, một thành viên có tên là Nguyễn Huy Cường đã đưa ra những ý kiến nhận định, cách phân biệt 2 loại cây và đoạn chia sẻ đã nhanh chóng hút được sự chú ý, bình luận từ người đọc.
“Hôm qua vào từ điển Wikipedia thấy thông tin về cây Mỡ được sửa lại cách đây 2 ngày, có ai đó đã vào cuốn từ điển trực tuyến dạng mở này sửa chữa, “sát nhập” hai loại Vàng tâm và gỗ Mỡ vào nhau cho nó êm xuôi.
Có thể một số nhà khoa học cũng nhầm lẫn về việc này. .
Nay , từ tư cách của người biết rất rõ về hai loại cây này tôi xin lên tiếng.
Để cho ý kiến được minh tường, đề nghị anh chị em nào thuộc diện trên 50 tuổi, quê ở vùng từ Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ trở lên đến Lào Cai, Nghĩa Lộ, Tuyên Quang vào đọc bài này và cho ý kiến khách quan, xem tôi nói có đúng không.
MỠ LÀ MỠ, VÀNG TÂM LÀ VÀNG TÂM.
Hai loại gỗ này về hình dạng bên ngoài rất giống nhau. Chúng là hai anh em. Nếu chặt hai cây, lược bỏ hết cành cội đi, để cạnh nhau không phân biệt được.
Cả hai đều có chung từng này đặc điểm:
– Gỗ mềm, dễ gia công, chạm trổ.
– Cây thẳng, rất ít tán. Khi ra lớp cành bên trên, tự rụng lớp cành bên dưới..
– Cây thẳng đuột, chỉ thích hợp khi trồng làm “tiêu binh” ở những quảng trường rộng, không thích hợp khi trồng lấy tán, lấy bóng mát trong phố, kể cả cây vàng tâm cũng vậy.
Nhìn cây này, nó giống như gà công nghiệp, nó ít cảm giác thân thiện với rừng, với thiên nhiên như cây Long não, Xà cừ, cơm nguội hiện nay.
– Cây giống dễ ươm, rẻ tiền.
– Vỏ cây màu mốc trắng, cây nào bị úm trong vùng thiếu sáng màu xanh lợt.
– Hiện ven quốc lộ số hai, không hiếm.
– Chịu gió bão yếu, bộ rễ không tốt.
– Lớn ào ào 7 năm đầu sau đó chững lại.
– Cây Mỡ đặc biệt thích hợp cho các mục tiêu kinh tế ngắn ngày như làm củi, làm nguyên liệu giấy sợi…
DƯỚI ĐÂY LÀ ĐIỂM KHÁC BIỆT:
Cây gỗ Mỡ 10 tuổi cắt ngang, to chừng 2–25 phân, phần lõi màu xanh-vàng chỉ lớn như trái trứng gà so.
Phần ngoài, (dân gọi là nhác) chiếm 90% trắng bợt, dễ mối mọt, chính là gỗ tạp 100%. Xưa còn để người ta dùng làm củi, làm nguyên liệu giấy.
Cây Vàng Tâm 15 tuổi đường kính mặt cắt ngang cũng chỉ bằng cây mỡ 10 tuổi (khoảng 25 phân) nhưng phần lõi màu vàng nhạt, phần này rất quý chiếm 60%.
Nếu lớn thêm 10 năm nữa, là 25 năm, đất đồi, nó sẽ có đường kính mặt cắt khoảng 35 cm đến 40 cm nhưng lõi lớn gần bằng đường kính cả cây, nghĩa là phần gỗ quý chiếm 90%. Đây là nét khác nhất.
Cây Mỡ 15 năm, ví dụ giá bán 2 triệu đồng thì cây Vàng Tâm 15 năm giá phải là 6 triệu.
Để đến 20 năm, cây Mỡ giá có thể lên thêm 1 triệu là ba triệu thì cây Vàng Tâm giá khoảng 15 triệu.
Gỗ Vàng Tâm rất quý, nếu chôn trong đất 20 năm vẫn nguyên, không mối mọt, không ải và hương gỗ thơm nên ở Phú Thọ, Yên Bái nhà giầu đóng quan tài bằng thứ này. Gỗ mỡ chỉ làm củi….”- đoạn chia sẻ của thành viên Nguyễn Huy Cường.
“Ý kiến rất bổ ích của những người có nhiều năm gắn bó với rừng và rất có kinh nghiệm về cây Mỡ, cây Vàng Tâm”- thành viên Refresh Obe bình luận.
“Bác viết rất đúng về khoa học và thực tiễn. Mỡ là Mỡ, Vàng Tâm là Vàng Tâm sao mà lẫn lộn được”- thành viên Bùi Huy Hùng bình luận.
“Mỡ và Vàng Tâm chỉ là anh em với nhau thôi. Nếu biết phân tích, phân biệt thì khác hoàn toàn.”-thành viên Hồng Ngân bình luận.
“Mỡ là Mỡ, Vàng Tâm là Vàng Tâm, xin đừng đổi tên cụ Tú Mỡ thành cụ Tú Vàng Tâm”- thành viên Mai Hoàng bình luận.
Theo Dailo
Trả lời