Trẻ em sẽ học được gì từ hình ảnh cha mẹ chen chân, giành giật nhau để có suất ăn miễn phí nếu không phải là lối suy nghĩ phải tranh giành, nhanh chân hơn kẻ khác mới có được cái tốt hơn cho mình?
Thích mua được món hời, được cho không khỏi mất tiền… là tâm lý bình thường của con người. Tuy nhiên, việc hàng ngàn người kiên nhẫn chầu chực nhiều giờ giữa trưa nắng chỉ để được nhận thức ăn nhanh miễn phí và những món đồ chơi được ban tổ chức một cửa hàng thức ăn nhanh ở TP HCM ném xuống vào trưa 24-3 hoặc việc giành giật áo mưa, giẫm đạp tranh cướp miếng sushi miễn phí… ở một vài nơi khác trước đây đều gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong dư luận.
Lòng tự trọng đâu rồi?
Lý do gì khiến nhiều người Việt cực nhọc chầu chực, chen lấn, giành giật như vậy? Vì đói? Vì đồ ăn ngon? Vì hiếu kỳ? Vì a dua, đua đòi? Hay trên tất cả chỉ vì lòng tham, “phát miễn phí, dại gì không lấy (!)”? Người có tuổi, thanh niên, người đi ô tô sang, người đang chở con nhỏ…, đủ mọi thành phần cùng tham gia, cùng hả hê với “thành quả” tranh giành được. Lẽ nào vì miếng ăn, món hàng miễn phí mà người ta dễ dàng chấp nhận đánh đổi lòng tự trọng, nhân phẩm, sự tự tôn… – những cái để tạo nên một CON NGƯỜI đúng nghĩa?
Ngay trên trang Báo Người Lao Động Điện tử, sau tin – ảnh “Hàng ngàn người đội nắng nhận thức ăn nhanh, giành giật đồ chơi”, đã có hàng trăm lượt bạn đọc gửi ý kiến bày tỏ sự búc xúc lẫn xấu hổ. “Dân mình bị cái tham vặt nó làm cho khổ! Không phải quá nghèo, quá đói hay quá thèm mà chỉ tại quá tham mà phải tự làm khổ mình, phải giành giật. Nhiều lúc cái mình nhận chẳng đáng là bao so với cái giá mà mình phải trả. Lòng tự trọng của mình đâu rồi?” – bạn đọc Dung Nguyen viết.
Bạn đọc Duy Tuấn chua chát: “Chờ đợi, chen lấn, phơi mặt giữa nắng, hít khói xe, cãi nhau…, chỉ để được miếng ăn thôi sao? Nhiều người cũng kiên nhẫn thật. Nếu làm việc mà được tinh thần chịu khó, chịu khổ như thế này thì dân ta chắc giàu to”.
Bàn về vấn đề trên, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, phân tích rõ ràng một số người cần nhìn lại chính mình vì đó không phải là chuyện cá nhân mà còn là hình ảnh xã hội. “Những cá nhân gặp khó khăn có thể cảm thông khi họ là những người cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, những người khác cần xem lại bởi những đua đòi, những hành vi thiếu kiểm soát đã vô tình cổ xúy cho những hành động quảng cáo thiếu nhân văn” – ông Sơn nói.
Do giáo dục mà nên
Cho rằng cái gốc vấn đề là giáo dục, TS Hoàng Kim Oanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, kể ngày bà còn bé, mỗi khi ai đem đến biếu tặng miếng ngon vật lạ gì, nếu cha chưa cho phép, dẫu có dỗ dành thế nào chị em bà không ai dám nhận, dám lấy ăn.
“Ba tôi luôn nhắc: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. “Miếng ăn” chỉ tạo được sự thỏa mãn nhất thời mà không để lại tác động dài lâu trong việc hoàn thiện tâm hồn. Hơn thế nữa, nó còn là đầu mối của bao tranh chấp, giành giật trong xã hội. “Miếng ăn” – vật chất rất cần cho cuộc sống nhưng nếu để bị trói buộc vào những cuộc tranh giành, chúng ta sẽ đánh mất đi những giá trị tinh thần. Nhớ những ngày trước giải phóng, trong xóm người ta rần rần kéo nhau lên kho gạo ở Bà Chiểu vác từng bao về nhà hoặc ra căn cứ hải quân Mỹ ở cầu Văn Thánh tải về bao nhiêu là đồ hộp mà quân đội Mỹ bỏ lại… nhưng nhà tôi thì tuyệt nhiên không. Ba tôi cấm. Mà chúng tôi cũng chẳng tơ tưởng… Kết quả, có người bị gạo đổ đè, có người trúng đạn nổ, chết…” – TS Hoàng Kim Oanh kể, đồng thời nói thêm đứa trẻ sẽ học được gì từ hình ảnh cha mẹ chen chân, giành giật nhau để có suất ăn miễn phí, nếu không phải hình thành trong vô thức lối suy nghĩ phải tranh giành, chen lấn, xô đẩy, nhanh chân hơn kẻ khác mới có được cái tốt hơn cho mình?
Của cho không bằng cách cho
Về cách thức tổ chức phát thức ăn, đồ chơi miễn phí của cửa hàng thức ăn nhanh này, nhiều bạn đọc cho rằng chỉ vì quảng cáo thương hiệu mà tặng quà cho khách hàng không khác gì bố thí, “quá kỳ cục”. “Cách làm này của ban tổ chức đã sỉ nhục người Việt Nam nói chung và người nghèo nói riêng. Sao không đem đến trung tâm hoặc thuê địa điểm rộng có đội ngũ phát quà để không ai phải chờ quá 3 phút?” – bạn đọc Khang viết.
“Của cho không bằng cách cho”, nếu muốn làm từ thiện hay chỉ lợi dụng sự kiện để quảng bá thì cũng cần lịch sự hơn, văn minh hơn.
Theo nld
- Lời chúc tốt đẹp
- 'Văn hóa quay cóp' - lỗi của học sinh hay lỗi của nền giáo dục?
- Chuyện lan man về 'văn hóa xe gắn máy' ở Việt Nam
- Nghĩ về văn hóa của lãnh đạo: Từ Thủ tướng Phần Lan đến thứ trưởng Việt Nam
- Một nền văn hóa nghèo nàn sẽ dẫn đến một nền kinh tế trì trệ
- Bấm còi bừa bãi - hành vi thiếu văn hóa phổ biến trên đường phố Việt Nam
mieng an la mieng nhuc !