Mới đây, trả lời báo chí về việc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) yêu cầu hoàn tiền tư vấn thiết kế đã giải ngân theo gói thầu của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) tại Dự án đường sắt đô thị số 1, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Dự án trên được thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và mới tiến hành đấu thầu tư vấn thiết kế, chưa đưa vào nghiệm thu.
Nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Trong quá trình đó, phải chi tiền cho các nhà thầu. Nếu dự án diễn ra bình thường thì có thể chi trả không có vấn đề gì. Nhưng khi dự án đang bị tạm dừng chưa thực hiện, nhà tài trợ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải trả lại tiền đã tài trợ … Đây là một sự vụ đáng tiếc trong bối cảnh VN đang rất cần nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Tuy nhiên, đáng buồn hơn đó không phải là “bê bối” duy nhất trong việc sử dụng vốn vay ODA, bởi cùng thời điểm này, trên website của Ngân hàng thế giới (WB) thông tin đã ban hành lệnh cấm hoạt động một năm đối với Tập đoàn LBG vì dính líu đến các hành vi hối lộ trong hai dự án do WB tài trợ tại VN. Ngoài ra, Cty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB do bi cáo buộc hối lộ khi thực hiện hai dự án ở VN…
Thực tế cho thấy, trong thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vốn ODA như những “viên gạch” đầu tiên giúp VN xây dựng nền tảng để thu hút các nguồn lực khác. Nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục đào tạo; tăng cường năng lực và thể chế trong các lĩnh vực cải cách hành chính, luật pháp, quản lý kinh tế và bảo vệ môi trường…
Với việc nguồn vốn ODA tăng trưởng đều trong các năm gần đây đáng lẽ phải là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã tới lúc VN phải tính toán đến chuyện hạn chế vay vốn ODA. Bởi qua hơn 20 năm tiếp nhận ODA, thực tế cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn lực này trong đó phải kể đến năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Có thể nhìn nhận thực trạng này thông qua tỷ lệ giải ngân so với nguồn vốn ODA đã ký kết trong 20 năm qua chỉ đạt khoảng 67%. Riêng thời kỳ 2006-2010, khoảng 7 tỷ USD vốn ODA đã ký kết, nhưng chưa giải ngân, trong đó có nhiều chương trình, dự án được hưởng các điều kiện tài chính ưu đãi cao phải chuyển tiếp sang thời kỳ 2011-2015. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành và địa phương để xảy ra những vụ việc vi phạm các quy định quản lý ODA của Chính phủ và của nhà tài trợ, có tình trạng tham nhũng gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Chúng ta chỉ vay để thực hiện những dự án tối cần thiết và có lợi ích lớn, gắn với việc phải có cơ chế kiểm soát sử dụng vốn vay cho thực sự hiệu quả”. Cũng theo ông Thuyết: Thực tế, những nước cho vay ODA thường đưa ra những điều kiện dẫn đến việc chỉ định Cty của nước đó trúng thầu dự án, công trình. Tiền người ta bỏ ra tiếng là cho nước ngoài vay, nhưng thực chất là tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho các Cty và người dân nước họ. Vì vậy, không quản lý được thì những cái lợi của việc dùng vốn ODA sẽ rơi rụng hết và nước đi vay ODA tự biến mình thành công trường để người ta thu lợi.
Cách đây không lâu, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng tuyên bố sẽ tự huy động vốn và từ chối nhận nguồn vốn ODA của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật). Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Sia cho biết, dự án này đúng ra sẽ vay vốn ODA của Nhật tài trợ nhưng xét thấy là một TCty cổ phần, bản thân chúng tôi thấy có thể huy động vốn được cho nên chúng tôi sẽ tự làm dự án này. Ông Sia cho rằng: “Nếu không đủ nguồn vốn, vậy thì chúng tôi cổ phần để làm chi. Tôi cổ phần trên thị trường là để lấy vốn trên thị trường vào.Chắc chắn sẽ làm được và quyết tâm làm bằng mọi giá”.
Rõ ràng với những bất cập trong công tác quản lý vận hành và sử dụng nguồn vốn ODA đã bộc lộ, việc tăng cường quản lý giám sát và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vốn này là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án, công trình trọng điểm thì việc phát huy nội lực như cách làm của cảng Đà Nẵng là một bài học.
Diễn đàn Doanh nghiệp
Trả lời