Ông Carl Thayer cho biết, Việt Nam khó có thể chấm dứt việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng sẽ cải thiện được điều này bằng cải cách kinh tế
Việt Nam phải tập trung cải cách kinh tế
PV: Thưa giáo sư Carl Thayer, ông nghĩ Việt Nam có cách nào để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Việt Nam không bao giờ và không nên tính chuyện hoàn toàn “độc lập về kinh tế” đối với Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới mà nền kinh tế trên thế giới là nền kinh tế mở và phụ thuộc lẫn nhau.
Hiện Việt Nam có sự thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc. Việt Nam đã tìm cách để cân đối lại “sự ảnh hưởng của Trung Quốc” nhưng rất khó để có thể làm được việc này trong thời gian ngắn trước mắt. Điều tốt nhất đối với Việt Nam lúc này là cần dần dần cân đối lại “sự phụ thuộc” ở một số lĩnh vực kinh tế nhất định.
Ví dụ, Ấn Độ đã đồng ý cho Việt Nam vay một khoản tín dụng trị gía 300 triệu USD để thúc đẩy quan hệ thương mại. Việt Nam có thể sử dụng khoản tiền này để nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành may mặc và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việt Nam cũng nên tiếp tục thúc đẩy cải cách nền kinh tế của mình bằng cách thúc đẩy các công ty nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cung cấp một môi trường phù hợp cho các doanh nghiệp nước ngoài để kéo họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cuối cùng, Việt Nam nên gia nhập TPP và tận dụng cơ hội này của mình đối với 40% nền kinh tế toàn cầu của các nước thành viên. Có một vài dấu hiệu Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy kinh tế để phuc vụ mục đích chính trị (thắt chặt giao dịch nguyên liệu quý hiếm cho Nhật Bản và chuối từ Philippines), tuy nhiên chính điều này đã làm cho Trung Quốc bị hạn chế.
Hơn thế nữa, Việt Nam là thành viên của ASEAN và Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN. Việc Trung Quốc tận dụng tối đa đòn bẩy kinh tế đối với Việt Nam có thể sẽ gây ra một kẽ hở ở Đông Nam Á đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã hoàn thiện.
PV: Hiện Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Ngoài đường chính ngạch, hàng hóa của Trung Quốc còn tuồn rất nhiều sang Việt Nam qua các đường tiểu ngạch. Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu điều này?
GS Carl Thayer: Việt Nam phải cải cách nền kinh tế của mình, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước, và nên khuyển khích sản xuất hàng hóa có chất lượng. Việt Nam nên tham gia TPP. Việt Nam khó có thể chấm dứt thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng có thể cải thiện được điều này bằng cách tăng cường trao đổi thương mại với các nền kinh tế khác. Mặt khác đối với tiểu ngạch (buôn lậu), Việt Nam cũng cần phải dập tắt tình trạng tham nhũng của các quan chức biên giới và hải quan.
Câu chuyện TPP và quan hệ Việt- Mỹ- Trung
PV: Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP sẽ tác động thế nào đến quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc, khi hiện nay nước này vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với với kim ngạch song phương hàng năm khoảng 50 tỷ USD, thưa ông?
GS Carl Thayer: Trung Quốc có thể là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xét về kim ngạch nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ có những lợi thế thâm nhập vào những thị trường của tất cả các nước thành viên khác.
Nói một cách khác lợi thế khi Việt Nam tham gia vào TPP là cắt giảm thuế quan. Nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc để sản xuất hàng hoá cho các nước thành viên TPP thì sẽ phải chịu thuế cao hơn là nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu thô từ các nước thành viên TPP khác.
Mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng khi Việt Nam gia nhập TPP. Một số doanh nhân Trung Quốc biết rằng họ vẫn sẽ có lợi nếu đầu tư ở Việt Nam. Và việc Việt Nam gia nhập TPP cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với các nước ASEAN.
PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về quan hệ Mỹ- Việt Nam- Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông?
GS Carl Thayer: Năm nay sẽ là một năm đáng nhớ trong quan hệ Mỹ-Việt Nam khi hai nước kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao. Cả hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ sẽ phải cân nhắc các phản ứng của Trung Quốc khi tạo dựng mối quan hệ với Washington.
Cho dù quan hệ Việt –Mỹ có được cải thiện đến đâu thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới việc thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải của Việt Nam bằng cách hỗ trợ Lực lượng cảnh sát biển.
Lợi ích của Mỹ gắn liền với tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp. Mỹ sẽ phản đối các yêu sách của Trung Quốc nếu những yêu sách này ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không can thiệp quân sự đối với vấn đề Biển Đông./.
Nguồn: VOV News
- Quan hệ kinh tế với Trung Quốc: Nỗi lo nhập siêu chưa là gì cả!
- Báo Nhật: Nhật Bản nên học hỏi Việt Nam trong việc ứng phó với Trung Quốc
- Trung Quốc toan tính gì khi tập trận lớn ở Hoàng Sa?
- Trung Quốc: Mối lo lớn nhất của người Việt
- TQ càng xuyên tạc, xúc phạm, miệt thị, người Việt càng đoàn kết
- FTA – Một cánh cửa để thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc
Trả lời