Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo có thể thay thế Trung Quốc thành “công xưởng” của thế giới trong thời gian tới. Tuy vậy, việc tiếp nhận các nhà máy cũ dịch chuyển từ Trung Quốc sang, đặt Việt Nam trước nguy cơ thành “bãi rác” công nghệ nếu không được kiểm soát tốt.
Nguy cơ bãi rác công nghệ
Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của thế giới, nhờ những lợi thế như: Lao động dồi dào chi phí thấp, vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, hội nhập sâu rộng… Trong khi đó, Trung Quốc – vốn lâu nay được xem là “công xưởng” của thế giới đang có chi phí nhân công và độ rủi ro ngày càng tăng. Do vậy, dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác và Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 9 vào Việt Nam, và đang tăng mạnh những năm gần đây. Vốn FDI từ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng (sắt thép, xi măng, bauxite), hóa chất, máy móc, bán buôn bán lẻ…
PGS.TS Kiều Hữu Thiện, Phó GĐ Học viện Ngân hàng cảnh báo, Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển các ngành nghề ô nhiễm cao sang các nước khác, trong đó có Việt Nam làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Thêm vào đó, công nghệ của Trung Quốc thường lạc hậu, chất lượng kém, không những ảnh hưởng môi trường, còn đẩy lùi sự phát triển công nghệ của Việt Nam. TS. Thiện dẫn thực tế, hiện nhiều dự án nhiệt điện đang sử dụng công nghệ Trung Quốc giá rẻ, hiệu quả kém, chất lượng thấp.
Theo TS. Thiện, do sản xuất trong nước của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về hàng phụ trợ nên phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Điều này làm gia tăng thâm hụt thương mại và nhập siêu của Việt Nam (năm 2014, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 28,9 tỷ USD).
TS. Thiện kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng các quy định, ràng buộc cao, thậm chí hạn chế đối với những ngành sản xuất có mức độ ô nhiễm cao. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát các công nghệ, nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang, tránh biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ, với dây chuyền công nghệ lạc hậu, chất lượng kém, mức độ ô nhiễm cao. “Việc dịch chuyển dòng đầu tư từ Trung Quốc sang, Việt Nam cũng cần chủ động để đón đầu, qua đó có sự cân nhắc, lựa chọn các nhà đầu tư tốt. Tránh đón nhận tất cả, dẫn tới hậu quả về vấn đề môi trường, sự lệ thuộc vào nước ngoài và thất thu ngân sách nhà nước”, TS. Thiện khuyến cáo.
Lo máy móc cũ tràn vào
Ngoài dòng vốn FDI từ Trung Quốc, Việt Nam cũng đang đón nhận các dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) muốn thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 60% DN Nhật lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong những năm tiếp theo.
Tương tự, các DN Hàn Quốc cũng đang “thoái lui” khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam đầu tư, điển hình như Tập đoàn Samsung. Năm 2006, có hơn 3.200 DN Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc, nhưng tới năm 2014, con số này chỉ còn 700. Trong khi đó, tại Việt Nam, vốn FDI Hàn Quốc đang dẫn đầu. Nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, 44% DN Mỹ được hỏi đang nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến.
Ông Despons Florian, chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đánh giá, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của thế giới. Theo vị chuyên gia này, hiện Trung Quốc đang mất dần lợi thế do giá nhân công tăng cao. Do đó, dòng đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc kiểm soát máy móc, thiết bị, công nghệ cũ nhập vào Việt Nam lại gần như bị bỏ qua. Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Tuyết Nhung-Phó Vụ trưởng Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết: Hiện Việt Nam chỉ kiểm soát với một số máy móc, công nghệ cũ nhập về từ Trung Quốc, còn nhập từ các nước khác về chưa có chế tài kiểm soát.
Theo đó, Thông báo 2527/2015 của Bộ KH&CN, từ ngày 15/9/2012 tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc công bố loại bỏ (2.255 DN) thuộc 18 lĩnh vực, ngành nghề: Sản xuất sắt, thép, hợp kim, than luyện; Luyện kim đồng, chì, kẽm, điện phân nhôm; Sản xuất canxi cacbua, sợi hóa học, xi măng, kính phẳng; Sản xuất giấy, rượu – cồn, bột ngọt, acidcitric; Thuộc da, nhuộm và in. Điều này nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu vào nước ta các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ qua sử dụng các nước đã loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nhung, Bộ KH&CN đang tổng hợp ý kiến và hoàn thiện thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Dự kiến, trong quý IV/2015 sẽ ban hành sau khi lấy ý kiến các cơ quan.
Theo Dự thảo Thông tư Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, đang được Bộ KH&CN xây dựng: Thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu không vượt quá 10 năm tuổi; được sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nếu có danh mục thiết bị qua sử dụng ghi trong hồ sơ dự án đã được chấp thuận đăng ký đầu tư không phải áp dụng điều kiện nhập khẩu trên.
Trí Lê (Theo Báo Tiền Phong)
- Giám đốc World Bank: Không có chuyện Việt Nam tụt hậu
- Việt Nam sẽ trở thành công xưởng toàn cầu hay bãi thải toàn cầu?
- Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới: Khi nào là thời điểm thích hợp?
- Việt Nam là công xưởng mới của châu Á: mừng hay lo?
- Đông Nam Á thay Trung Quốc làm “công xưởng của thế giới”?
Trả lời