Đã thành một xu hướng “dòng chính” trên một số báo chí những tin, bài kiểu “Chỉ một thời gian ngắn sau khi trình làng trên thế giới, dòng xe giá chát nhất nhà Lexus đã có mặt tại Việt Nam… Xe có giá sau thuế 5,61 tỉ đồng”. Những tin, bài như thế đang tràn ngập, từ báo lớn đến báo nhỏ, báo giấy đến báo mạng, kể cả báo nhắm đến công nhân lao động…
Năm bảy chục năm nữa, ai đó nghiên cứu xã hội Việt Nam giai đoạn từ năm 2015, nếu chỉ hài lòng với những tư liệu báo chí như trên, e rằng dám kết luận người lao động Việt Nam năm 2015 ắt hẳn có mức sống rất khá giả, bằng cớ là các dòng xe đó, với giá tiền như thế được liên tục giới thiệu… Nhận xét đó càng thêm cơ sở khi đọc những quảng cáo các khu đô thị “kim cương”, giá bán cả triệu mỹ kim, cùng những dòng bình luận: “Xu hướng bây giờ là căn hộ siêu cao cấp”.
Dân giàu như thế, chắc nước mạnh lắm, các nhà Việt Nam học tương lai tự nhủ! Tất nhiên không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể hay đủ kiên nhẫn để tìm kiếm đầy đủ tư liệu về xã hội Việt Nam năm 2015, nên nếu họ tạm hài lòng với vài trăm tư liệu như trên rồi kết luận, cũng đã là “phong phú” rồi. Sau khi quan sát người dân, họ quan sát lĩnh vực công cùng thời điểm đó, và đọc thấy những tin bài như: “Gần 13.000 tỉ đồng nuôi 40.000 xe công phục vụ cán bộ…”. Cảm tưởng đầu tiên ắt hẳn sẽ là “Chắc thời đó, nhân viên nhà nước cũng được chăm sóc tốt hé! Cán bộ cũng đi xe ngon lành như dân vậy!”.
Thế nhưng, họ sẽ không hiểu nổi tại sao lại có những bài xã luận cùng ngày như: “Giật mình chi xe công bằng 1/4 ngân sách còn lại của Chính phủ!” (VTC), hoặc “Xe công xài tiền ai?” (Tuổi Trẻ) hay “Nước giàu cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam” (Tiền Phong)… Đến đây, họ sẽ “Eureka! Hình như đang có một sự đứt gãy xã hội”! Và họ sẽ sục sạo các trang web của chính phủ để tìm kiếm những tin tức chính thống hơn cho tỏ tường.
Họ sẽ đọc thấy những tin như, đề ngày 15-7-2015: “Để kết thúc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La vào ngày 31-12-2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu hoàn thành các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng số vốn đầu tư là 888 tỉ đồng, trong đó: tỉnh Sơn La 707 tỉ đồng, Điện Biên 162 tỉ đồng và Lai Châu 19 tỉ đồng”. Họ không khỏi thắc mắc: Sao tháng 12 là hết hạn, mà giờ này chưa xong để bị nhắc? Tò mò, họ tìm thấy một tin khác đề ngày 19-8-2015, tức bốn tuần sau tin nhắc nhở đầu tiên: “Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc rà soát các công trình bị hư hỏng cần sửa chữa khắc phục thuộc dự án di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La”.
Trước hai tin “chỉ đạo” này, họ không thể không thắc mắc kiểu: Dân bị di dời là ai, bao nhiêu người, mỗi người sẽ được bao nhiêu? Làm sao mà vẫn chưa được hoàn tất tái định cư?
Càng nghiên cứu, họ càng vò đầu bứt tai: Vậy người Việt năm 2015 giàu hay nghèo nhỉ? Không mệt mỏi, họ tìm vào trang web của UNDP-Vietnam và đọc được trong “Báo cáo tổng hợp quá trình tham vấn tại Việt Nam về Chương trình phát triển sau năm 2015”, câu trả lời gián tiếp: “Tuy mức độ chung về đói nghèo đã giảm một cách đáng kể…, song tốc độ giảm nghèo lại không đồng đều giữa các vùng và các nhóm dân cư. Nhóm dân tộc thiểu số cùng với nhóm người dân không có đất và người nhập cư nghèo ở đô thị đạt được kết quả thấp hơn. Vẫn còn sự bất bình đẳng ở những ngóm và trong đại bộ phận dân cư. “Hơn nữa, cũng có khoảng cách lớn giữa người dân đô thị và người dân nông thôn, và giữa các vùng của đất nước. Trong đó miền núi phía Bắc, miền Trung và vùng duyên hải đạt được mức độ thành công thấp hơn so với vùng khác…”.
Và họ tự nhủ: “Sao giàu thế mà cũng nghèo thế! Đúng là đứt gãy xã hội!”. Tìm kiếm thêm trên trang web này, họ đọc được trong Báo cáo quốc gia: Kết quả 15 năm thực hiên các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam” một cảnh báo: “Ở Việt Nam, người dân ngày càng quan tâm đến bất bình đẳng… Vì vậy, nhu cầu xây dựng chính sách để giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng cấp thiết”.
Theo TBKTSG
Trả lời