Thông tin về gạo giả Trung Quốc gây chết người đang khiến người tiêu dùng lo lắng. Cơ quan chức năng cho biết, dù thông tin về gạo giả đều chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo.
Trung Quốc phát hiện gạo giả làm từ cao su nhân tạo và khoai tây
Vì sao gạo giả TQ có thể gây chết người?
Các trang mạng xã hội gần đây phát tán thông tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc được cho đã thâm nhập vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đe dọa tính mạng người tiêu dùng châu Á, tờ The Star (Malaysia) đưa tin ngày 18/5.
Báo Thanh niên đưa tin, theo bài báo, gạo nhựa được làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp; các nguyên liệu này được đúc thành hình như hạt gạo thật.
“Người ta nhào nặn bột khoai tây và khoai lang thành hình hạt gạo rồi cho thêm nhựa tổng hợp resin vào hỗn hợp đó. Do các hạt gạo giả hoàn toàn khác gạo thật nên chúng rất cứng sau khi nấu. Ngoài ra nhựa tổng hợp resin rất độc hại đối với cơ thể người”, một chuyên gia về thực phẩm Hong Kong phát biểu.
Một quan chức của Hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cảnh báo rằng ăn ba bát gạo nhựa sẽ tương đương với việc nhét một túi nilon vào dạ dày. Ông nói thêm rằng do gạo giả rất nguy hiểm nên giới chức sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các nhà máy chế biến gạo.
Loại gạo nhựa này được cho là đã du nhập vào các nước châu Á có dân số nông thôn đông đúc như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Tin đồn mới nhất cho biết loại gạo giả đã vào cả Singapore. Tuy nhiên, thông tin chưa được kiểm chứng, để xác minh cơ quan chức năng cần ít nhất 5 năm.
Tin tức về loại gạo giả đang lan truyền rất nhanh trên các ứng dụng mạng xã hội như WhatsApp và Facebook. Theo Straits Times, loại gạo làm từ nhựa này từng được bán rất nhiều ở thị trường Trung Quốc, nhất là tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thiểm Tây. Gạo giả mang đến lợi nhuận khổng lồ nên nó vẫn được bán tràn lan tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng Singgapore cảnh báo ăn loại gạo giả này khi nấu lên rất dai, ăn vào có thể gây chết người hoặc khiến hệ tiêu hóa bị hủy hoại trầm trọng. Chuyên gia về dinh dưỡng của Viện Tim mạch Quốc gia (IJN) Mary Easaw-John cho biết: “Một số chất như keo nhựa không thể ăn được và về lâu dài sẽ có những tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa”.
Mới chỉ dừng lại ở tin đồn?
Thông tin về việc gạo giả làm từ nhựa độc ở Trung Quốc bị đưa sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thế nhưng thực hư của vụ việc này ra sao?
“Đó mới chỉ là tin đồn. Thông tin về gạo giả từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012 nhưng tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng thì thông tin ấy là không chính xác. Do vậy, người dân không nên hoang mang trước thông tin này.”, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế trấn an người dân.
Theo Cục này, ngay sau khi có thông tin về việc gạo giả xuất hiện trên thị trường Châu Á hôm đầu tuần, Cục đã phối hợp các cơ quan chức năng truy tìm gạo giả trên thị trường nhưng vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ trường hợp nào.
Tại chính Singapore, nơi dấy lên tin đồn về gạo giả, cũng cho biết họ chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào về sự việc này.
“Gạo nhập khẩu đều phải được chúng tôi kiểm tra rất thường xuyên và lấy mẫu để kiểm tra nhằm các yêu cầu về đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tới hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào về gạo giả.”, Phát ngôn viên của Vụ Trồng trọt và Chăn nuôi Singapore (AVA) cho biết.
Tương tự, tại Malaysia, chính quyền nước này khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc gạo giả xuất hiện tại đây.
“Những tin tức về gạo giả đang lan truyền trên Internet có thể đúng hoặc không nhưng chúng tôi kiên quyết không xem nhẹ việc này. Có thể sẽ tiến hành điều tra toàn quốc và tập trung vào các cửa hàng tạp hóa nhỏ ở khu vực ngoại ô và nông thôn để kiểm tra việc bán gạo giả tại đây.”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob cho biết.
Phòng hơn chống
Hiện tại, theo phương châm “phòng còn hơn chống”, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường việc giám sát, kiểm tra các lô hàng gạo nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, Cục đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường, người kinh doanh, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, ủy ban nhân dân xã/phường, y tế xã phường.
Ngày 22/5, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản – Nafiqad (Bộ NN&PTNT) có công văn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo trên thị trường.
Nafiqad cho biết, từ năm 2010 trở lại đây, liên tục xuất hiện thông tin về gạo giả trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mỗi lần có thông tin, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đều nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh và kết luận không tìm thấy gạo giả như phản ánh.
Theo Nafiqad, trong loạt thông tin mới đây về gạo giả đều chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trả lời công luận, Nafiqad đề nghị cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo. Khi phát hiện phát hiện trường hợp vi phạm quy định, đề nghị có báo cáo ngay về Nafiqad để phối hợp xử lý.
Người dân lo lắng, hoang mang
Mặc dù chưa biết thực hư thông tin về gạo giả Trung Quốc gây chết người ra sao, nhưng nhiều người dân hoang mang và lo sợ, vì gạo là thành phần không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt, được xem như “ngọc trời” của mỗi người Việt Nam.
Chị Thảo, bán hàng ăn ở chợ Nghĩa Tân cho biết: ” 2-3 hôm nay, ngày nào khách đến ăn cơm cũng bàn tán về chuyện gạo giả di Trung Quốc sản xuất đã vào thị trường Việt Nam, nếu ăn phải rất dễ thiệt mạng làm tôi cũng thấy lo, mặc dù gạo nhà tôi lấy để làm hàng được nhập từ mối quen, nhưng cũng vẫn nơm nớp, nhỡ đâu mối của mình lại bị một mối khác “lừa”, trà trộn thứ gạo nguy hiểm này vào. Không những vậy còn phải trấn an khách hàng rằng gạo nhà mình là gạo thật 100%.”
Chị Hạnh (Long Biên, HN) lo lắng: “Nhà tôi 2 đứa trẻ, đứa nào cũng ăn nhiều cơm, mà gạo thì đều mua ngoài chợ, mấy hôm nay thông tin về gạo giả làm tôi và bố mẹ chồng đều lo lắng, sợ nhất là họ trộn vào gạo thật. Như vậy mình làm sao mà phát hiện được”.
Không chỉ có người dân hoang mang về vấn đề gạo giả mà nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cũng không khỏi lo lắng trước nhưng thông tin trên. Có nhiều cửa hàng cho hay, từ lúc có thông tin gạo giả, buôn bán không còn được như mấy ngày trước. Người tiêu dùng không biết thông tin thực hư thế nào nên họ không mua gạo, mà chọn cách gửi người thân mua gạo quê hoặc đích thân về quê mua gạo, vì họ nghĩ như thế là an toàn.
Tại chợ Thành công (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ một số cở sở bán lẻ gạo không mấy bất ngờ trước thông tin này. Bà cho biết, thông tin gạo giả thậm chí cả gạo nhiễm độc đã có từ nhiều năm trước. Lần đó, các cơ quan chức năng đã có lên tiếng khẳng định là không có hiện tượng trên. Thế nhưng, cũng có khách hàng tỏ ra hoang mang.
“Khi mua gạo, có người hỏi chúng tôi về thông tin này, tôi chỉ khẳng định: Nếu sản xuất gạo giả mà rẻ như vậy thì người ta chuyển sang bán gạo hết để kiếm lời. Họ có thể làm giả cái khác chứ gạo thì không đơn giản”, chủ cửa hàng kinh doanh cho biết.
Nhiều người tỏ vẻ lo lắng khi thấy thông tin gạo giả làm bằng nhựa. Không ai bảo ai nhưng khi hỏi về gạo làm bằng nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc thì ai cũng tỏ ra ngán ngẫm, biểu lộ cùng một tâm trạng hoang mang.
Lan Hương (Theo ĐS&PL)
Trả lời