“Bắt sóng” với Putin, EU tính chuyện lâu dài với Nga

Xét lại các lệnh trừng phạt

Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) trong buổi họp đầu năm hôm 20/1 chưa có thay đổi đối với các lệnh trừng phạt lên Nga nhưng bắt đầu tìm kiếm cơ hội để cải thiện các mối quan hệ theo hướng tốt đẹp hơn với điện Kremlin của Tổng thống Vladimir Putin.

Theo tinh thần chung, tổ chức này đang xem xét một mối quan hệ thương mại với Nga và sẽ làm việc với nước này về các vấn đề toàn cầu, bất chấp còn nhiều nghi ngờ rằng hợp tác với Nga để giải quyết các xung đột khu vực sẽ có kết quả ngay lập tức.

Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU cho biết, dựa trên tình hình tại Ukraine, các cuộc đối thoại chính trị và sự hợp tác với Nga về vấn đề Trung Đông, vấn đề chống khủng bố… sẽ nhanh chóng được kích hoạt.

“Khởi động thảo luận chiến lược không có nghĩa là thay đổi các mối quan hệ với Nga. Không có bình thường hóa ngay, không có quan hệ về thương mại như bình thường”, bà Mogherini chia sẻ trên Bloomberg.

Hiện tại, EU đang áp dụng các lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm: đóng băng các dòng tiền và tài sản của khối này vào Nga và cấm cấp visa cho những công dân Nga có liên quan tới vụ việc sáp nhập Crimea. Ba luật trừng phạt liên quan tới Nga sẽ hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 7 và sẽ được gia hạn thêm một năm nếu được sự đồng thuận của 28 thành viên.

Trong khi chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo các thành viên, bộ trưởng ngoại giao các nước EU đã bắt đầu thảo luận về mối quan hệ lâu dài với Nga. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz thúc giục một chiến lược “quan hệ dài hạn và bền vững với Nga”. Trong khi đó, ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho rằng EU phải “phân biệt một cách rất rõ ràng” các lệnh trừng phạt Nga về vấn đề Crimea và các lệnh trừng phạt ở mức độ rộng lớn hơn về kinh tế đối với Nga về những ảnh hưởng của nước này trong cuộc xung đột tại phía Đông Ukraine.

Trước đó, một số nguồn tin cho biết, bảy nước châu Âu ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga, bao gồm: Áo, Hungary, Italy, Síp, Slovakia, Pháp và Séc. Còn theo Tiếng nói nước Nga, gần một nửa thành viên EU ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Theo WSJ, EU có thể sẽ co lại một cách đáng kể các lệnh trừng phạt Nga và tái đàm phán với Nga về các vấn đề từ du lịch không cần visa cho tới sự hợp tác về kinh tế, hợp tác về cuộc khủng hoảng ở Libya, Syria và Iraq… nếu có những biến chuyển trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nhiều ý kiến được thể hiện trên văn bản gần đây cũng cho thấy, các thành viên EU tin rằng đây là thời điểm để hướng tới đối thoại chứ không phải là gây áp lực hơn nữa lên Nga. Đại diện châu Âu hôm 20/1 cũng cho biết, Nga có thể tiếp tục nhập khẩu những loại thực phẩm đã bị cấm nhập từ EU nhưng từ chối cho biết loại thực phẩm nào sẽ được tái phê duyệt.

Bảo vệ lợi ích

Trong vài tháng gần đây, sự phân hóa trong nội bộ EU về quan hệ với Nga trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Sự suy sụp về kinh tế và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong khu vực đã khiến không ít các thành viên suy xét lại.

Nhiều thành viên EU dường như đang bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về cuộc đối đầu Đông - Tây
Nhiều thành viên EU dường như đang bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về cuộc đối đầu Đông – Tây

Đầu tháng 12/2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra hồi đầu năm. Cho dù chỉ là cuộc ghé qua trên đường về từ chuyến công du Kazakhstan và chặng dừng chân này không nằm trong lịch trình nhưng nó cũng khiến nhiều người hy vọng một sự tan băng trong quan hệ hai bên.

Trong tuần đầu năm mới 2015, ông Hollande cũng đã thừa nhận cuộc khủng hoảng ở Nga không phải là điều tốt đẹp cho châu Âu. Vị tổng thống Pháp cho rằng, ông Putin dường như không mong muốn chiếm giữ miền Đông Ukraine mà có lẽ chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng của Nga lên người láng giềng lâu năm và đưa nước này tránh xa khỏi NATO.

Tổng thống Pháp cũng đã ghi nhận những tích cực của Nga để giải quyết vấn đề Ukraine và cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận kinh tế với Nga.

Những tuyên bố của ông Hollande được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết sẽ tái thiết nền kinh tế Pháp vào năm 2015 với nỗ lực đưa tăng trưởng GDP từ mức sát 0 lên 1%.

Trước đó, hàng loạt các thành viên EU cũng đã lên tiếng về việc không cần thiết phải tiếp tục trừng phạt Nga. Nhiều quốc gia cho biết họ đã quá mệt mỏi trong cuộc tranh đấu giữa Nga và Mỹ.

Ngay cả Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel hôm 4/1 cũng bày tỏ lo ngại những tác động xấu từ sự ốm yếu của kinh tế Nga sẽ lan sang EU. Ông Sigmar nhấn mạnh rằng trừng phạt kinh tế Nga không phải với mục đích làm Nga suy yếu, sụp đổ mà để góp phần giải quyết các vấn đề của Ukraine.

Trước các lệnh trừng phạt, ga đã rơi vào tình trạng suy kiệt kinh tế, thiếu vốn, thiếu hàng hóa, đồng Rúp tụt giảm, dự trữ sụp mạnh… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nền kinh tế EU vốn đang ốm yếu lại càng khó khăn hơn bởi chính những lệnh trừng phạt Nga và hành động trả đũa của điện Kremlin.

Trong một động thái mới nhất, ECB dự tính triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 1.300 tỷ đồng để ngăn eurozone rơi vào trạng thái giảm phát. Với Ukraine, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, EU có thể sẽ ngừng hậu thuẫn cho Ukraine bởi những cam kết cải cách không được thúc đẩy nhanh chóng.

Nhiều thành viên EU dường như đang bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về cuộc đối đầu Đông – Tây trong bối cảnh EU chịu thiệt nặng nề, còn nhiều quốc gia khác lại hưởng lợi. Vấn đề cốt lõi trong các quan hệ quốc tế xưa nay vẫn là lợi ích. Trong khi đó, Nga vẫn là một thực thế, vẫn là hàng xóm của EU và không thể biến mất hay thay đổi vị trí địa lý được.
Theo Văn Minh


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề