Việt Nam phòng chống tham nhũng bài bản”
Ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng thanh tra Chính phủ đã trả lời về vấn đề 9 tháng đầu năm 2015 TP.HCM không có tham nhũng trong buổi tổng kết 10 năm thực hiện phòng chống tham nhũng, tổ chức tại TP.HCM ngày 24.12.2015.
Ông Tranh nhấn mạnh, để phát hiện có tham nhũng hay không, chỉ có cơ quan điều tra mới có thể kết luận, sau khi định tội danh mới có thể khẳng định có tham nhũng hay không. Còn cơ quan thanh tra, kiểm tra không có quyền kết luận, định tội tham nhũng được. Chính vì thế, những số liệu báo cáo chỉ mới qua quá trình thanh tra, kiểm tra ban đầu thì không thể nói là tham nhũng.
Ông cũng đề cập đến việc dư luận cũng đặt vấn đề vì sao thực trạng tham nhũng trong nước không giảm; trong khi theo báo cáo ngành công an, thanh tra thì tham nhũng giảm, truy tố giảm; còn đánh giá từ quốc tế thì tham nhũng ở Việt Nam lại tăng bậc?
“Các lĩnh vực nhạy cảm có thể xảy tham nhũng nhiều là quản lý xây dựng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công về sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ. Đây là những lĩnh vực không riêng gì địa phương mà Thanh tra chính phủ trong kế hoạch năm 2016, cũng tập trung vào, tiến hành thanh tra để phòng ngừa, phát hiện chấn chỉnh”, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng thanh tra Chính phủ nói.
Ông lý giải, quốc tế đánh giá nước tham nhũng nhiều hay ít phụ thuộc vào 3 yếu tố: tình trạng độc quyền nhà nước, tình trạng bưng bít thông tin và tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình.
Việt Nam trong vòng 15 năm qua, điểm tăng dần, từ năm 2001 được 25/100, đến năm 2010 được 27/100, năm 2014 được 31/100 điểm. Như vậy, Liên Hợp Quốc đánh giá theo cấp là nước ta đang hoàn thiện thể chế, chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng của Việt Nam rất bài bản.
Ở yếu tố thứ 2, Việt Nam được đánh giá là dân chủ, minh bạch. Dân chủ có nghĩa là qua các hình thức xây dựng hiến pháp, nghị định, thông tư đều lấy ý kiến từ dân…
Yếu tố thứ ba, theo ông Tranh, quốc tế đánh giá Việt Nam có trách nhiệm giải trình tốt. Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều thực hiện giải trình khi theo yêu cầu của dân; Chính phủ và địa phương thường xuyên giải trình những yêu cầu mà người dân đặt ra; các cuộc họp quốc hội cũng từ ý kiến người dân, tạo ra trách nhiệm giải trình, bên cạnh đó còn có các chương trình như Dân hỏi bộ trưởng trả lời.
Ông Tranh nói: “Các nước khác chỉ họp trong một tuần chứ không kéo dài cả tháng như Việt Nam. Quốc tế đánh giá Việt Nam điểm số ngày càng cao là vì những lý do đó. Việc thực hiện phòng chống tham nhũng nước ta rất bài bản, lâu dài”.
Ông nói thêm: “Tất nhiên là có tham nhũng xảy ra, đơn cử là trong 5 năm qua, thanh tra cả nước phát hiện có 313 vụ tham nhũng. TP.HCM phát hiện 5 vụ. Riêng trong những tháng đầu năm, đến thời điểm này phát hiện 4 vụ”.
Khó thu hồi tài sản tham nhũng
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từ năm 2006 đến 2015, Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng. Tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 600 tỉ đồng và 136.000 đô la Mỹ. Cơ quan chức năng đã thu hồi cho Nhà nước trên 40 tỉ đồng và đến nay quá trình khởi tố điều tra, kết luận không có trường hợp nào bị oan sai phải bồi thường thiệt hại.
Khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng có phần do các bị cáo đã giao tài sản cho người khác. Có những trường hợp tòa tuyên thu hồi cả trăm tỉ đồng nhưng kết quả thực hiện không cao, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2013 chỉ đạt 10% hoặc trong năm 2014 chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỉ đồng trong tổng số 6.740 tỉ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, đạt tỉ lệ 22%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhận định, công tác thu hồi tài sản là một điểm nghẽn, là công tác khó. Trong năm 2013, trên cả nước tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt không quá 20%, năm 2014 thu hồi đạt gần 29% và sang năm 2015 tăng lên trên 50%.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng cho rằng: “Khả năng tự phát hiện tham nhũng còn yếu. Nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, viên chức vẫn còn tồn tại. TP.HCM cần năng động, sáng tạo và quyết tâm với những biện pháp đồng bộ để có thể phòng và chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Chỉ riêng góc độ đấu thầu các công trình sử dụng ngân sách thôi cũng phải đặc biệt coi trọng công tác phòng chống tham nhũng. Vì đây là khâu dễ tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng nếu vẫn còn dung túng cho cơ chế xin cho”.
Trả lời