Trong năm 2014, báo chí quốc tế đã đưa tin rằng Bắc Hàn đã làm cố vấn cho Hezbollah để xây dựng các đường hầm ở miền Nam Lebanon vào năm 2003 – 2004.
Các quan chức tình báo của Hàn Quốc cho hay Bắc Hàn đang chuẩn bị để tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. Nếu thông tin này là sự thật thì đây sẽ là lần thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng tính từ năm 2007 – khi quốc gia này đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân của mình tại cuộc đàm phán sáu bên Six-Party Talks. Vào thời điểm đó, để đổi lại việc Bắc Hàn đồng ý với cam kết này, Hoa Kỳ cũng đã bỏ Bắc Hàn ra khỏi danh sách những quốc gia hỗ trợ khủng bố.
Tuy nhiên, Bắc Hàn đã liên tục phá bỏ thoả thuận năm 2007 và vẫn tiếp tục đi trên con đường nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Trong suốt thời gian này, Hoa Kỳ đã chọn cách im lặng để quan sát quốc gia này tung hoành trên thế giới bằng cách liên tục đe doạ về chiến tranh hạt nhân. Nhiều chuyên gia nhận định rằng đã đến lúc Hoa Kỳ đưa Bắc Hàn quay trở lại danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố.
Từ giữa năm 1988 đến 2008, chính phủ Hoa Kỳ đã xem Bắc Hàn là một nhà tài trợ của chủ nghĩa khủng bố. Một trong những yếu tố khiến Bắc Hàn bị xếp vào danh sách đen này của Hoa Kỳ là do nó có liên quan đến một vụ máy bay của hãng hàng không Korean Air, số hiệu Flight 858 đã bị đánh bom khi đang bay trên trời. Vụ tấn công xảy ra vào năm 1987 khiến 115 hành khách trên máy bay bị thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Mỹ còn liệt kê ra một danh sách dài dằng dặc những hoạt động mang tính chất thù địch khác của Bắc Hàn để giải thích cho sự hiện diện của quốc gia này trong danh sách đen. Trong số đó bao gồm cả lịch sử chứa chấp và hỗ trợ khủng bố, bắt cóc, và phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí huỷ diệt hàng loạt của chế độ nhà họ Kim.
Cho đến khi Hoa Kỳ huỷ bỏ Bắc Hàn ra khỏi danh sách đen, quốc gia này vẫn ngoan cố tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp cho đến ngày nay. Đây quả là một sai lầm lớn của Mỹ. Đáng lẽ khi Bắc Hàn tiến hành hai vụ thử hạt nhân vào năm 2009 và 2013 thì quốc gia này phải bị đưa trở lại danh sách chứ không nên đợi đến lần thứ ba. Trong khi Bộ Ngoại giao thường xuyên tuyên bố rằng Bắc Hàn đã không còn liên quan đến chủ nghĩa khủng bố từ năm 1987, thì thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Bình Nhưỡng được biết đến với những mối liên kết với các chế độ độc tài ở Tehran và Damascus. Và trong một thập kỷ qua, có không ít lần hai khách hàng khu vực Trung Đông của Bắc Hàn đã chuyển giao vũ khí của Bắc Hàn cho Hezbollah và Hamas. Riêng trong năm 2009, ba lô hàng vũ khí của Bắc Hàn đã bị thu giữ bởi chính quyền UAE, Israel và Thái Lan. Trong cả ba lần bị thu giữ, tất cả số vũ khí đều có liên quan đến các nhóm khủng bố. Rồi vào tháng Bảy năm 2014, các nguồn tin an ninh phương Tây đã tiết lộ với phương tiện truyền thông đại chúng rằng Hamas đã được môi giới để mua các thiết bị thông tin liên lạc và tên lửa pháo binh từ chế độ nhà họ Kim. Chắc chắn cũng trong năm đó, các tên lửa dẫn đường chống xe tăng do Bắc Hàn sản xuất cũng xuất hiện tại dải Gaza.
Tuy vậy, những thương vụ buôn bán vũ khí không phải là mối liên hệ duy nhất giữa Bắc Hàn và các nhóm khủng bố. Những bằng chứng để minh chứng cho mối liên hệ này ngày càng tăng. Trong năm 2014, báo chí quốc tế đã đưa tin rằng Bắc Hàn đã làm cố vấn cho Hezbollah để xây dựng các đường hầm ở miền Nam Lebanon vào năm 2003 – 2004. Các chỉ huy quân sự của Israel tin rằng Bắc Hàn cũng đã tư vấn cho Hamas về hệ thống đường hầm – một hệ thống mà nhóm khủng bố này thường dùng để tấn công dân thường Israel.Bắc Hàn vẫn là một nhân vật “đáng tin” để tìm đến khi các nhóm khủng bố cần các loại vũ khí huỷ diệt. Một trong những dự án hạt nhân nổi tiếng của Bắc Hàn là dự án mà nó kết hợp với Iran để nghiên cứu về tên lửa đạn đạo. Rõ ràng, Iran là một gia đứng đầu thế giới về việc hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Theo các báo cáo, hai quốc gia này hiện đang tìm cách phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể nhắm đến những mục tiêu ở cách bờ biển Bắc Hàn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn hỗ trợ cho hai chế độ khác trong việc thiết lập hệ thống phản ứng hạt nhân của riêng mình. Bắc Hàn đã giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân Al-Kibar tại Syria. Nhưng lò phản ứng này đã bị phá huỷ bởi cuộc không kích của Israel vào năm 2007. Chưa hết, Bắc Hàn còn chuyển giao những vật liệu hạt nhân cho Libya vào đầu những năm 2000.
Bên cạnh việc tham gia vào việc phát triển các loại vũ khí có tính huỷ diệt hàng loạt, Bắc Hàn còn đe doạ Hoa Kỳ bằng những vụ tấn công mạng. Vào năm 2009, các quan chức tình báo Nam Hàn đã nói với giới truyền thông rằng Bắc Hàn đã tạo ra một đơn vị đặc biệt chuyên lo về các vụ tấn công, chiến tranh mạng. Mục tiêu của đơn vị này là quân đội Nam Hàn và Hoa Kỳ. Kể từ đó, Hoa Kỳ liên tục phát hiện ra những vụ tấn công mạng nhắm vào các trang web của Bộ An ninh Nội địa, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Hàng không Liên bang, và Uỷ ban Thương mại Liên bang. Dĩ nhiên, kẻ đứng sau những vụ tấn công này không ai khác chính là Bắc Hàn. Hay gần nhất là trong năm ngoái, Bình Nhưỡng đã đứng sau một vụ tấn công trắng trợn nhắm vào hãng phim Sony Pictures.
Bắc Hàn hiện nay đã trở thành một mối nguy lớn hơn rất nhiều so với năm 1988, khi lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa tên Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Bắc Hàn ngày nay đã tiến rất ngần đến đích phát triển thành công không chỉ vũ khí hạt nhân, mà còn cả tên lửa để mang theo vũ khí hạt nhân để tấn công Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo mới của Bắc Hàn, Kim Jong Un, đã đi theo bước chân của cha mình: chống lại Hoa Kỳ. Và cũng giống như cha mình, ông ta hợp tác với các quốc gia khác, những nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố để có đủ sức mạnh đối đầu với Hoa Kỳ.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao chúng ta vẫn không đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các quốc gia hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố?
Theo Calitoday
Trả lời