Đại biểu Quốc hội băn khoăn đặt câu hỏi cơ chế nào minh oan cho người bị chết do bệnh, tự sát trong thời gian đang bị tạm giam, tạm giữ.
Mặc dù Quốc hội đã ra nghị quyết về phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự nhưng hàng loạt vụ việc đau lòng vẫn xảy ra.
Đại biểu Lê Minh Hiền |
Luật tố tụng hình sự quy định trường hợp người đang bị tạm giam, tạm giữ chết thì đình chỉ điều tra vụ án. Vì người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết thì không tiếp tục điều tra để biết người đó có bị oan hay không để giải quyết việc bồi thường tố tụng cho người đã chết.
Vì vậy, đại biểu Lê Minh Hiền kiến nghị dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cần tách riêng quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam vì đây là hai đối tượng khác nhau.
Luật cần quy định không giam chung những đối tượng này với đối tượng đã bị kết án tù, án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hay đang chờ thi hành án.
Đại biểu Hiền cho rằng khi thông qua dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cần xem xét thông qua dự luật cần bổ sung quy định về minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra.
“Minh oan cho người bị tạm giam đã gian khó, minh oan cho người đã chết càng khó hơn nhiều vì cơ chế minh oan còn nhiều bất cập”, bà Hiền kiến nghị.
“Tuy vậy, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Do đó pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan đã mất, phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ cũng như đời sống tâm linh của gia đình họ”, đại biểu Lê Minh Hiền nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Nam |
Như vậy, trong quá trình tạm giữ tạm giam, một người bị chết thì không thể tự minh oan cho mình. Việc họ chết nhưng chấm dứt vụ án là không thỏa đáng. Khi chết trong nhà tạm giam, tạm giữ họ chưa có tội.
“Đối tượng đang trong quá trình điều tra bị chết là những người chưa có tội và nếu họ bị oan thì giải quyết câu chuyện này thế nào?”, đại biểu Lê Nam đặt câu hỏi.
Trả lời