Đã tới lúc Việt Nam tìm đối tác an ninh?

Liệu năm 2015 là năm Việt Nam có thể cân nhắc đổi mới chính sách ‘không liên kết’ của mình để tìm kiếm một đối tác giúp bảo đảm hữu hiệu hơn độc lập, chủ quyền và các quyền lợi quốc gia của mình trước kinh nghiệm Giàn khoan 981 từng diễn ra trong năm cũ?

Đó là một trong các chủ đề được các chuyên gia và nhà quan sát trong nước chia sẻ với BBC trong dịp đầu năm 2015 và bàn về nét mới trong chiến lược ngoại giao và an ninh ở khu vực của Việt Nam trong năm mới.

Hôm 02/01/2015, Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn đường lối chiến lược cho Bộ chính trị và Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định về khả năng có giảm sóng gió hay không trên Biển Đông, sau cuộc căng thẳng giàn khoan Hải Dương 981 trong năm do Trung Quốc gây ra.

Trước hết bình luận về việc Việt Nam có nên ‘tin tưởng hay không’ vào những tuyên bố được cho là ‘ngoại giao hòa hoãn’, ‘hạ giọng, mềm dẻo’ của nhà cầm quyền Trung Quốc qua chuyến thăm Việt Nam ba ngày diễn ra vào cuối tuần trước của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, ông Du Chính Thanh, Giáo sư Giang nói:

“Đối với Trung Quốc, có lẽ kinh nghiệm từ xa xưa cho đến bây giờ nó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là cố gắng hết sức trong quan hệ ngoại giao, nhưng thực tế như thế nào thì phải là câu chuyện phải chờ.

“Chứ không thể tin ngay vào những cử chỉ của quan chức, cho dù là cao cấp đến đâu, của Trung Quốc. Đó là thực tế lịch sử, chứ không phải là muốn hay không muốn, thích hay không thích. Vì vậy cho nên tôi không kỳ vọng nhiều lắm vào chuyến thăm của ai đó, cho dù là thứ mấy của Trung Quốc, sang Việt Nam…

“Đối với Trung Quốc, tôi vẫn có một cách nghĩ. Đó là hãy quan sát họ làm trên thực tế, chứ những gì họ nói thì quá hay rồi, phải nói là không thể nói hay hơn được.”

Theo Giáo sư Giang, nhận thức của lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi rõ rệt vào đầu năm 2015 so với thời điểm một năm về trước khi bước vào năm 2014, sau khi diễn ra vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu sử học và địa chính trị nói:

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc – Việt Nam vào thời điểm bước vào năm 2015 nó khác xa với bước vào 2014 trước khi có vụ Hải Dương 981, khác xa rồi. Trước kia còn có người nói thế này, người nói thế kia, bây giờ ở Việt Nam, tôi thấy chỉ là sách lược thế này, thế kia, chứ trên dưới đồng lòng về nhận thức về Trung Quốc.

‘Được hay không còn tùy’

Theo Giáo sư Giang, Trung Quốc có mục tiêu và tham vọng chiến lược trên Biển Đông, tuy nhiên, việc thực hiện được hay không ‘là còn tùy’. Ông nói:

“Việc Trung Quốc họ thực hiện từng bước mục tiêu của họ thì mình cũng không ngăn cản được, đó là mục tiêu của họ dồn toàn lực họ làm, thế nhưng họ làm được hay không là phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.

“Việt Nam mà tỉnh táo mà hiểu được những cái đó, thì bằng nhiều chính sách: đa phương hóa, tranh thủ, rồi ngoại giao v.v…, thì không phải là họ sẽ thực hiện được một cách dễ dàng.

Gần đây, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và khu vực từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế cũng khẳng định với BBC cho rằng tham vọng và chính sách chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông là không thay đổi.

Và do đó, ông đặt vấn đề Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ‘ba không’ của mình, mà theo đó Việt Nam cam kết “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”

Bình luận mới đây về khả năng Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cùng các động thái được cho là đe dọa chủ quyền khác với Việt Nam, Tiến sỹ Kế nói:

“Trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, hay tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà phải dựa vào các lực lượng khác.

“Mà tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là cần phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa sự đe dọa hay là mối nguy từ phía Trung Quốc.

“Và Việt Nam không thể nào một mình thực hiện theo chủ trương tôi gọi là ‘tuyệt đối ba không’ được.

“Bởi vì nếu thực hiện ‘ba không’ như vậy, thì mối nguy an ninh là rất rõ và tiềm chứa một nguy cơ là Trung Quốc sẽ ỷ thế vào và yêu cầu Việt Nam không được làm trái với điều mà Trung Quốc nói là ‘hoàn toàn nói ngược’.

“Chúng ta tuyên bố ‘ba không’, thì không có lý do gì chúng ta liên minh với các nước khác để cân bằng với Trung Quốc, cho nên tôi nghĩ đến lúc chúng ta phải xét lại để hiểu thế nào là ‘ba không’.

“Trong trường hợp Tổ quốc lâm nguy hoặc toàn bộ không gian Biển Đông bị đe dọa, thì tôi nghĩ Việt Nam phải triển khai một chiến lược an ninh kết hợp các quốc gia khác.

“Chúng ta không phải liên minh nước này chống nước kia, nhưng chúng ta rõ ràng cần phải có sự hỗ trợ quốc tế và các thế lực có sức mạnh thực sự, có thể ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm được sứ mệnh đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông.”

‘Đổi chiến lược hay không?’

Quan điểm của TSKH Lương Văn Kế mới đây cũng tìm thấy sự tương đồng trong một bài báo trên đăng trên một trang mạng về Nghiên cứu Quốc tế của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, ông Hiệp cho rằng: “Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ “hữu nghị viễn vông”.

“Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông. Theo nghĩa đó, liên minh không nên được hiểu là đi với nước này để chống nước kia, mà là đi với nước nào để chúng ta có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.”

Song hôm thứ Sáu, khi được hỏi Việt Nam nên tiếp tục chiến lược ngoại giao như cũ, hay cần đổi mới khác đi, Giáo sư Vũ Minh Giang, cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục kiên định với chính sách ‘đa phương’ quan hệ và ‘ba không’ để giữ ‘độc lập’ và tránh ‘đối đầu’ với Trung Quốc.

Ông nói: “Kinh nghiệm của Việt Nam cho hay, cho đến nay Việt Nam có được những thành công trong quá trình phát triển của mình, là ở chỗ phải giữ được độc lập.

“Đặc điểm của Việt Nam nó là một vùng, theo nghiên cứu của tôi, giao thoa văn hóa, địa chính trị rất đan xen, và có vẻ như là nghiêng ngả hẳn về một phía nào đó, thì nó không giống địa chính trị của Việt Nam.

“Vì vậy làm sao đó giỏi ở chỗ cân bằng, thì đây là cả một nghệ thuật chứ không đơn giản.”

Tuy nhiên, mới đây, một nhà nghiên cứu là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh Triết Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai, nói với BBC, ông tin rằng Việt Nam cần có một tuyên bố mới về chiến lược trong lĩnh vực ‘liên minh an ninh’ này, trong tình hình mới.

Ông nói: “Chúng tôi quan niệm là phải nói phương châm thế này: chúng tôi sẵn sàng liên minh, liên kết với bất cứ ai ủng hộ lợi ích của Việt Nam chống lại những kẻ phá hoại và vi phạm chủ quyền của Việt Nam, chống lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, thì chúng tôi sẵn sàng liên minh, liên kết với họ để bảo vệ lợi ích của tôi.”

Nguồn: BBC Việt Ngữ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề