Với những nhân sự lãnh đạo U40, con đường phía trước quả là áp lực, thách thức lớn với họ, buộc họ chọn lựa thái độ sống: Vì lợi ích quốc gia hay vì cái gì?
LTS:Năm 2015 là năm có rất nhiều những phát ngôn ấn tượng khó quên khiến dư luận XH dậy sóng. Cũng là năm những thảm án, những “án oan thế kỷ” khiến XH bàng hoàng. Cải cách tư pháp, một trong những vấn đề tất yếu và hối thúc không thể né tránh. Bởi đó là một trong ba chân kiềng (lập pháp, hành pháp và tư pháp) làm nên sự vững mạnh của quốc gia.
Và đây cũng là năm có hiện tượng mới- một thế hệ U 40- góp phần gánh vác sự nghiệp lớn.
Liệu họ có mở ra nổi- một trang sử mới của dân tộc?
Không thành công cũng thành…. cười
Phát ngôn ấn tượng- từ một tiêu đề của Tuần Việt Nam (báo VietNamNét) giờ đây đã trở thành khái niệm chung của XH, được không chỉ dư luận yêu thích vì sự hài hước, mà vô tình cũng được không ít các bác quan chức…. yêu thích nên cứ “hồn nhiên” tham gia. Dù họ là những người- muốn hay không- cũng là người của công chúng.
Và năm 2015 cũng vậy, nở rộ các phát ngôn ấn tượng về trí tuệ thì không thành công, nhưng lại thành… cười!
Chiếm nhiều hơn cả, có lẽ là thuộc về ông P. Đ. L, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Thành ủy HN, với hai phát ngôn vừa thương dân “không phải lối” vừa coi thường dân.
Thương dân “không phải lối” khi ông biện minh cho việc đốt pháo hoa tốn tiền tỷ rằng: Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thứcbắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”. Xin hãy hỏi những người nghèo, họ cần những giải pháp thiết thực (cần câu) giúp họ thoát nghèo, hay cần xâu cá (ảo) giúp họ quên nghèo trong chốc lát?
Vậy, nhưng lại tỏ ra coi thường dân khi ông bênh vực cho việc chặt cây xanh của t/p, bị phản ứng dữ dội bởi cách triển khai thiếu minh bạch: Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gìđi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì…(VietNamNet, ngày 17/3)
Vô tình, phát ngôn ấn tượng này bị phản ứng dữ dội. Vậy vì sao chính quyền luôn nói: “Vì dân”? Luôn nói dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra? Một chủ trương, nếu không được lòng dân, chủ trương đó có thể thành công hay không? Vụ việc phải dừng lại, là một minh chứng cụ thể cho việc không cần hỏi ý kiến dân!
Nhưng đỉnh cao của phát ngôn ấn tượng năm 2015 có lẽ thuộc về Phó GS.Ts. N H. T (Học viện Hành chính Quốc gia): Đã là kinh tế thị trường thì chạy là tất nhiên, luật hóa cho tiền chạy nổi lên, dễ kiểm soát. Và trên thế giới ai cũng chạy chức chạy quyền, kể cả Obama (Tuần Việt Nam, ngày 28/1).
Trong một bài viết cũng trên Tuần Việt Nam sau đó, người viết bài cho rằng ông đã đánh tráo khái niệm, khi so sánh hiện tượng “chạy”. Bởi nước Mỹ là thể chế tam quyền phân lập. Sự vận động hành lang của các ứng cử viên đều tuân thủ nguyên tắc minh bạch. Nó khác hoàn toàn với kiểu “chạy’ trong bóng đêm chỉ giữa hai cá nhân, kẻ mua người bán ở XH ta.
Còn một khi đã “luật hóa” chuyện chạy kiểu VN, cũng tức là thừa nhận sự thất bại của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Tác giả Đinh Duy Hòa, trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/1, đã có lời bình hóm hỉnh: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Thế mới biết, tư duy con người- một khi nhầm lẫn- sẽ kéo theo biết bao hệ lụy cho cộng đồng.
Hài hước nhất và hồn nhiên nhất có lẽ là phát ngôn ấn tượng của ĐBQH L.N khi kiến nghị đổi mới cách trừng phạt những kẻ tham nhũng: Không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ… xấu hổ. Ông L.N hy vọng sự xấu hổ sẽ khiến kẻ tham nhũng không dám tham nhũng. Hệt chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, khi mà XH còn có cô Tiên, ông Bụt, cô Tấm, Hoàng tử. Và cô Tiên, ông Bụt, cô Tấm, Hoàng tử bao giờ cũng chiến thắng cái Ác, cái Tham. Nhưng người viết bài chỉ sợ rằng, nếu là lồng tre, thì nước Việt này sẽ hết sạch cả… tre.
Hồn nhiên không kém khi phát biểu trước nghị trường về những tồn tại và sự tụt hậu của ngành du lịch, thua kém cả Lào và Campuchia, khiến du khách một đi không trở lại là ông H. T.A – Bộ trưởng Văn hóa- Thể thao- Du lịch: Trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp, chứ hết thời gian rồi thì làm sao bây giờ? Tại sao khi còn thời gian, có bao giờ ông Bộ trưởng tự hỏi mình vì sao bất lực? Lấy cớ hết thời gian đương chức để “chuyền bóng trách nhiệm” vào “lưới” người kế cận, Bộ trưởng VH- TT- DL tự ghi điểm cho mình, một cầu thủ… yếu.
Và khi được phóng viên chất vấn (Lao động, ngày 18/11) ông còn hồn nhiên hơn: Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu QH.
Thực ra, Bộ trưởng khiến cả XH bị stress thì đúng hơn!
Tự nhiên chủ nghĩa nhất, có lẽ là phát ngôn ấn tượng của TS N. V. T – Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề XH của QH khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016: Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng2-3 bữa nhậu (VTV, ngày 19/12) khiến dư luận XH bàn ồn ào, còn người dân, nhất là bệnh nhân thì muốn … mếu.
Ông so sánh về giá trị đồng tiền, có thể đúng! Nhưng sự so sánh khá vô tình và dửng dưng đó bộc lộ tâm lý thường ăn nhậu “zô zô zô, % phần %”, mới nghĩ được như thế. Nhất lại là khi để bảo vệ cho việc tăng giá dịch vụ y tế, tăng mức bảo hiểm y tế, mà số đông người dân thì khó có thể thường xuyên ăn nhậu, nếu chỉ bằng thu nhập lao động của mình. Có gì đó thật xa lạ giữa phát ngôn một quan chức QH với đời sống số đông nhân dân. Thật đáng chê!
Từ xa xưa, ông cha ta có một tổng kết thật sâu sắc và sáng suốt: Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.
Nhưng đọc tất cả các phát ngôn ấn tượng nói trên, dù có bằng cấp đầy mình, các bác vẫn là những học trò…. kém của tiền nhân.
Các loại “kỳ án” và câu hỏi về cải cách tư pháp
Năm 2015 có thể coi là năm của ngành tư pháp- với ý nghĩa xuất hiện rất nhiều loại “kỳ án” gây chấn động và bàng hoàng dư luận XH, làm tốn bao phím mực của báo chí, các trang mạng.
Không coi là “kỳ án” sao được? Khi năm này, chỉ trong vòng hơn một tháng, 03 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái, hung thủ giết nhiều người trong một gia đình. Nghiêm trọng hơn nữa, có những lý do giết người lại bắt nguồn chỉ từ những mâu thuẫn lặt vặt trong đời sống cộng đồng, thậm chí giữa những người có quan hệ họ hàng.
Cái Ác của các vụ “kỳ án” đều mang gương mặt rất trẻ, nhưng rất tối tăm, hoang dại trong nhận thức, tâm địa và hành động.
Không coi là “kỳ án” sao được, khi tiếp theo “người tù thế kỷ” Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan suốt 10 năm, được thả cách đây 02 năm, nay lại đến “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén bị tù oan suốt 17 năm, gần gấp đôi thời gian- cũng với cái án “giết người”…. oan nghiệt.
Cho dù cách nhau xa lắc xa lơ về quê quán, khác nhau về độ phức tạp của vụ án lẫn diễn biến, khác nhau về nhân thân, nhưng vụ án oan của họ giống nhau ở điểm chung rất đáng buồn và hổ thẹn: Được điều tra với sự bức cung, dựng hiện trường, với những sai phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, từ công tác điều tra, đến xét xử của tòa án các cấp.
Bất ngờ nhất, cả hai vụ án được “phá” và sáng tỏ đều do những người… ruột thịt, những người thân không chút nghiệp vụ điều tra hình sự. Vừa buồn vừa hài hước.
Không gọi là “kỳ án” sao được, cho đến tận thời điểm này, năm cũ 2015 sắp khép lại, dư luận XH còn bàn loạn về vụ việc khởi đầu chỉ là quan hệ dân sự, cuối cùng thành vụ án hình sự. Dân gian gọi là “vụ án con ruồi”.
Nhân vật trung tâm- Võ Văn Minh- với lòng tham của một kẻ ít học, ít hiểu biết, bị khép tội “cưỡng đoạt tài sản”, phải nhận 07 năm tù giam, do đòi đền bù 500 triệu đồng/ một con ruồi chết trong chai nước ngọt- sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát mà anh ta mua. Cho dù, đến thời điểm này, vẫn chưa ai kết luận nổi, con ruồi … từ đâu đến!
Võ Văn Minh tham thì thâm đã đành, nhưng cái cung cách “cài bẫy” khách hàng có hệ thống, coi thượng đế chả là cái đinh gỉ gì của THP rút cục gậy ông đập lưng ông. Người viết bài tâm đắc với một comment trên trạng mạng XH: Võ Văn Minh bị án tù 07 năm, còn THP thì án “chung thân”. Cái án “chung thân” không tuyên bố mới thật kinh hoàng, khi THP có nguy cơ bị XH quay lưng lại, và tẩy chay sản phẩm.
Người viết bài không muốn đi sâu vào các “kỳ án” giết người cướp của, giết người vì mâu thuẫn. Bởi đã có những chuyên gia các lĩnh vực am hiểu về tâm lý học, tội phạm học, pháp luật, phân tích kỹ hiện tượng rối loạn các giá trị sống, sự chuyển hóa nhân cách trong một thời cuộc đang có nhiều biến thiên. Nhưng rất chú ý tới vụ việc xét xử lưu động các “kỳ án” giết người. Thậm chí, trong ngành tư pháp, đây còn được coi là tiêu chí…. thi đua?
Mặc dù, với mục đích mang tính cảnh báo, giáo dục và răn đe cộng đồng nói chung, nhưng việc xét xử lưu động các thảm án vào bối cảnh XH đang trên hành trình hội nhập và phát triển, phản chiếu một tư duy tư pháp cũ kỹ, và rất lỗi thời.
Những người hiếu kỳ- khán giả của vụ xét xử lưu động, đã từng thốt lên rất vô cảm, vô tình, trong bài báo “Đi xem…. bắn người” (VietNamNet, ngày 18/12): Tôi tưởng xử xong sẽ bắn, thế là đi xem, sẽ tự răn mình điều gì sau những vụ án xét xử lưu động kiểu này, thậm chí có cả những trẻ vị thành niên? Hay họ sẽ học được những kỹ năng và tâm lý tội ác, qua sự mô tả của các bị cáo tại các phiên tòa lưu động, trên cái nền học hành non nớt, tâm lý biến động giữa bối cảnh XH có không ít bất an vì tiêu cực?
Còn ở vụ án oan Huỳnh Văn Nén, mặc dù gây ra những oan sai nghiêm trọng, dẫn đến hệ lụy cho gia đình họ bị tổn thất vô cùng lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng đến thời điểm này, theo các chuyên gia luật học, khó xử hình sự người gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Bởi vụ án oan này đã quá 15 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Bộ Luật Hình sự 1999), nên rất có thể những người gây oan sai bỗng thành…. vô tội. Còn tòa án lương tâm có…. xử họ không, thì không rõ!
Rất có thể, cũng giống như án oan Nguyễn Thanh Chấn, sẽ có một buổi cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi, Nhà nước đền bù cho một khoản tiền. Còn họ- những người trong cuộc đã gây ra những tổn thất đau thương cho ông Huỳnh Văn Nén và gia đình ông, chỉ cần “rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm khắc”. Xong om!
Thế nhưng XH có quyền đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm xung quanh vụ này:
Vì sao, hàng loạt chứng cứ có dấu hiệu ngụy tạo bị lật tẩy nhưng cơ quan tố tụng vẫn dựa vào đó để kết tội ông Huỳnh Văn Nén và đại gia đình bên vợ của ông (VietNamNet, ngày 11/12).
Vì sao, từ trong tù, đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành- một phạm nhân đang thụ án trong tù, chỉ đích danh 02 kẻ phạm tội giết hại bà Lê Thị Bông (chứ không phải là Huỳnh Văn Nén) được giao cho điều tra viên Cao Văn Hùng xác minh, nhưng bị lãng quên rất khó hiểu?
Vì sao cơ quan chức năng quá tự tin vào năng lực nghiệp vụ của mình, xem thường và phớt lờ tất cả những chứng cứ quan trọng, sau này, lại chính là căn cứ xác nhận Huỳnh Văn Nén không phải kẻ giết người?
Và ngay cả vụ án Tân Hiệp Phát mới đây, chỉ có một… con ruồi chết thôi, cũng đã khiến cả XH ồn ào. Chính các luật sư vạch rõ- quá trình điều tra vụ án cũng vi phạm nghiêm trọng Luật TTHS: Tại sao luật sư và người đại diện theo ủy quyền của công ty THP lại được tham gia quá trình hỏi cung bị cáo? Việc làm trên có dấu hiệu thông cung, làm lộ bí mật điều tra, lộ hướng xét xử. Vậy hồ sơ vụ án, trong đó có lời khai của các bên, có còn giá trị?(VietNamNet, ngày 21/12)
Rõ ràng, cải cách tư pháp là đòi hỏi cấp thiết của XH, và của thời cuộc, nhất là nay mai đất nước gia nhập TPP. Đến bao giờ, ngành tư pháp (trong đó có tòa án) thực sự xứng với vị thế, vai trò thương tôn pháp luật của mình?
U 40 và thì… tương lai
Và năm 2015 này, có một hiện tượng nổi bật về công tác nhân sự khiến cả XH chú ý, ồn ào.
Đó là tiếp sau những vụ việc một người làm quan cả họ được nhờ ở một số địa phương, là hiện tượng một loạt các nhân sự trẻ U40 trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao: Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Giám đốc Sở…tại các địa phương.
Hàng trăm bài viết và bàn luận đa chiều. Nơi này hoài nghi nơi kia tin tưởng.
Hiện tượng đó vốn là bình thường ở các quốc gia văn minh, phát triển.
Có thể thấy ở các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Canada…, người ta gọi đó là hiện tượng “gia đình chính trị”, và rất được XH của họ ngưỡng mộ, nể phục.
Thì ở VN, hiện tượng hậu duệ (vốn được xếp hạng nhất trong thành ngữ mới hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ) kế nghiệp được dư luận XH, kể cả các ĐBQH gọi thẳng là “gia đình trị”, và gây nên những bàn luận. Bởi trước đó, đã từng có những nhân sự kiểu này nhưng đã không tạo ra được “ấn tượng” gì. Dù về danh chính ngôn thuận, rất…. đúng quy trình.
Trả lời VietNamNet, ngày 27/10 Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (cũ) Mai Liêm Trực thẳng thắn: Nói gì thì nói, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là không ít những vị lãnh đạo cả cấp TƯ và địa phương còn lạm dụng quyền lực để xếp cho con chỗ an nhàn. Thực chất, đấy cũng là một hình thức tham nhũng chính trị. Tại sao chuyện “con ông cháu cha” chúng ta nói mãi mà không xử lý được? Có phải vì nó đã thành phong trào, ông này thấy ông kia làm được thì cũng tìm cách làm theo? Bởi vậy dư luận mới ì xèo trên báo chí về hiện tượng quan chức cả huyện, cả tỉnh là họ hàng.
Như vậy, sự phản ứng khác nhau của dư luận giữa các quốc gia nằm ở sự khác biệt của hai nền quản trị: Đó là cơ chế quản lý công khai- minh bạch, mới có được sự tuyển chọn công bằng; và ngược lại…
Nhưng bình tâm xem xét, đặt trong bối cảnh đặc thù của XH Việt Nam, thì những U40 này họ có những ưu thế riêng: Có học vấn cao, được đào tạo bài bản từ các quốc gia tiên tiến, hoàn cảnh vị thế gia đình thuận lợi, không phải nhân sự “bình dân” nào, dù giỏi giang cũng có được…. thảm nhung trải trước mặt.
Có điều, con đường đó dù là thảm nhung nhưng cũng đầy “gai của hoa hồng”. Bởi chính trị, và làm lãnh đạo là con đường vốn không mượt mà như cái danh của nó. Ở đó chỉ tài năng cùng nhân cách thực sự, mới có thể khiến người dân ngưỡng mộ và kính trọng. Chỉ khi đó, quyền lực mới thực sự gắn với quyền uy. Và cũng bởi trong thế giới phẳng và đa chiều ngày nay, bất cứ “cái ghế” nào, cũng đều phải chấp nhận sự sàng lọc năng lực, nhân cách một cách sòng phẳng trong thực tiễn. Nếu không, dù quyền lực (cái ghế) vẫn còn nhưng quyền uy (uy tín) đã … mất.
Năng lực và nhân cách người lãnh đạo mà người dân đòi hỏi đó là gì nếu không phải là đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết? Và hành xử sòng phẳng đó là gì, nếu không phải như ông Mai Liêm Trực đã rất thẳng thắn:
Lãnh đạo phải mạnh, sạch và có tầm nhìn. Thứ nhất, mạnh về năng lực, về vị thế, uy tín xã hội. Thứ hai, phải sạch, không dính vào tham nhũng. Thứ ba, phải có tầm nhìn mới dẫn dắt được chứ chỉ có kiến thức chưa đủ. Tầm nhìn và bản lĩnh chỉ có thể được chứng minh qua thực tiễn, không chỉ qua phát biểu hay qua quá trình đào tạo.
Mặt khác, cũng theo ông Mai Liêm Trực, phải có sự sàng lọc: Khi chúng ta đột phá trong cơ chế bổ nhiệm nhanh, vượt cấp thì quy trình đánh giá kết quả cũng phải sòng phẳng, minh bạch. Nếu đã có cơ chế lên nhanh như vậy thì cũng phải có cơ chế xuống nhanh. Bởi lâu nay có hiện tượng lên thì nhanh nhưng xuống lại rất khó khăn. Không thể tránh khỏi sai lầm trong việc chọn người nhưng nếu không làm được việc thì phải xuống chứ đừng ngồi đó mãi. Có như vậy, cán bộ mới trưởng thành, công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ mới lành mạnh.
Chính vì vậy, với những nhân sự lãnh đạo U 40, con đường phía trước quả là áp lực, thách thức lớn với họ, buộc họ chọn lựa thái độ sống: Vì lợi ích quốc gia hay vì cái gì?
Chợt nhớ đến câu chuyện về gia tộc của TT Bush (Mỹ). Gia tộc này đã tạo nên hai đời tổng thống, thứ 41 và 43, cũng như đã sản sinh ra hai vị thống đốc bang và nhiều chính trị gia đầy quyền lực khác. Người viết tiểu sử nhà Bush- Peter Schweizer cho biết: Gia tộc này đã thiết lập 03 “lời sấm truyền” để mọi người trong gia tộc thừa hưởng và phát huy. Đó là: Tự thân; Tôi không thực sự giàu có; Tôi chạy đua để phụng sự đất nước mình (Dân trí, ngày 13/11).
Họ- những lãnh đạo U.40 của nước Việt- liệu có “chạy đua để phụng sự đất nước mình”, có mở ra nổi trang lịch sử mới của đất nước, được đánh dấu từ năm mới 2016 này không?
Điều đó, chỉ có thì… tương lai mới trả lời!
Trí Lê (Theo VietNamnet)
Trả lời