Chuyến đi cuối năm về vùng sâu xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei (Kon Tum), chúng tôi nghe nhiều điều thú vị về các phong tục kiêng cử và phạt vạ của dân làng ở đây. Thầy giáo Bùi Sơn Hạnh, Hiệu phó Trường tiểu học Ngọc Linh kể, đã dạy ở xứ này thì ít nhiều cũng chứng kiến nhiều phong tục lạ của đồng bào Xê Đăng vùng này.
Đặc biệt vào tháng 12 (Âm lịch) hằng năm, người Xê Đăng tổ chức lễ ning nơng (tháng nghỉ ngơi sau vụ thu hoạch lúa) nên thường rất kiêng cữ. Thầy Hạnh kể, ngày còn dạy học ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), có một lần thấy học sinh ở làng Tân Túc nghỉ học nhiều quá nên đi bộ vào làng vận động.
Cây nêu dựng trước nhà người Ja Rai để làm lễ ăn dê, trâu – Ảnh: Phạm Anh
Khi đến đầu làng, thấy đồng bào bài trí nhiều hoa văn sặc sỡ, có treo cây nêu báo cho khách biết là làng đang cữ, nhưng thầy Hạnh lúc ấy lại… mù tịt việc này. Đến khi bước vào làng thấy đồng bào tổ chức lễ ăn uống, thầy giáo Hạnh thì được đón tiếp vui vẻ, được ăn heo, gà, uống rượu ghè cả ngày hôm đó.
|
|
Theo anh Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng du lịch, Sở VHTTDL Kon Tum, người Gia Rai khi đã thành vợ thành chồng thường rất ít khi bỏ nhau. Những đôi vợ chồng nếu không sống được với nhau, phải chia tay thì luật tục quy định, nếu người vợ bỏ chồng thì chịu phạt một ghè quý, 1 con bò. Ngoài ra, nếu các con ở với bố, người vợ phải chịu phạt thêm một con bò cho mỗi đứa con (để chồng nuôi con). Tương tự như vậy nếu người chồng bỏ vợ cũng sẽ bị phạt với lễ vật như trên.
|
|
|
Ngỡ mình “trúng mánh”, nhưng đến chiều hôm ấy, khi bóng dương đã khuất sau dãy Ngọc Linh hùng vĩ, thầy Hạnh xin phép làng ra về. Ông trưởng làng Tân Túc là ông A Gioi nói nghiêm khắc: “Thầy giáo không được ra khỏi làng. Những ngày này, dân làng, trẻ em không được ra khỏi làng. Người ngoài đi vào làng thì không được ra. Bởi thần làng ở đây không cho phép”.
Lúc này, thầy Hạnh mới hiểu, thì ra mình bị phạt vạ là phải ở lại làng. Ấy là đối với thầy giáo nên làng không phạt gà, phạt rượu cần, còn người khác không thoát được. “Mình chỉ bị giữ lại làng một đêm thôi, sau đó già làng ở đây cho về. Nếu là người khác phải bị phạt vạ và phải ở lại làng cả tuần, 10 ngày mới cho về”, thầy Hạnh nói.
Thầy giáo A Bách dạy ở Trường tiểu học Ngọc Linh (người Xê Đăng), kể: những ngày làng ở cử, ai lỡ bước vào nhà ở làng này, được mời ăn, uống nhưng từ chối là dân làng rất ghét. Nếu đã ăn rồi cũng nên ăn “phép” một miếng, uống một ngụm rượu nhỏ thôi là được người làng đón tiếp nồng hậu, được mời ăn thịt chuột rừng (mà đồng bào rất quý).
Hay như trong những ngày ở cữ, bất cứ người làng hay khách đều không được mang rau diếp cá vào nhà; không ai được ăn thịt gà cùng với trái ớt, còn thịt chó, muốn ăn thì đến nhà rông hoặc tìm con suối nào ngoài làng để làm thịt và ăn.
Ai vi phạm những điều cấm kỵ này đều bị làng phạt vạ. Người Xê Đăng ở đây quan niệm, nếu phạm cấm kỵ đó, làng sẽ bị đau ốm, chết chóc, mùa màng không được mùa.
Nhà rông của người Ja Rai ở xã Ya Xier, huyện Sa Thầy – Ảnh: Phạm Anh
Anh Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hóa-thể thao-du lịch Kon Tum, cho hay, ngày huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô chưa tách ra hai huyện, anh làm giáo viên đất này chứng kiến nhiều chuyện phạt vạ và kiêng cữ của đồng bào Xê Đăng. Một lần, anh đi vận động học sinh đi học, nhưng đến đầu làng thì thấy dựng cây nêu và hai cây lồ ô vót nhọn bắt chéo ở đầu làng, dấu hiệu của làng đang đuổi tà ma nên rất kiêng cữ.
“Lúc này, mình mắc võng ở đầu làng đợi một vài ngày làng hết cữ thì vào. Ai ngờ cả tuần như thế, người làng tới bữa là mang cơm, thịt ra cho ăn, còn dứt khoát không được vào”, anh Minh kể. Có vài lần, muốn xin vào thì người gác đầu làng nói sẽ bị phạt vạ. Sau này, anh Minh mới hiểu, muốn vào các làng này trong những ngày kiêng cữ thì phải được già làng là lễ ở nhà rông, lấy máu gà bôi lên mặt để thần làng nhận ra đó là người làng.
|
Nhà sàn truyền thống của người Ja Rai – Ảnh: Phạm Anh
|
Học sinh đồng bào Xê Đăng ở xã Ngọc Linh – Ảnh: Phạm Anh
|
Già làng bắt gian phu
Theo lời kể anh Đỗ Văn Minh, ngoài chuyện kể trên, anh còn chứng kiến nhiều cảnh đồng bào dân tộc thiểu số ở đây bắt gian phu và phạt vạ. Một lần ở xã vùng sâu huyện Sa Thầy, anh thấy già làng bắt ba thanh niên đứng ở con suối bắt máng nước vào làng, sau đó nhảy xuống ngụp đầu xuống nước. Hồi lâu, thấy một thanh niên ngoi đầu lên trước, già làng bảo: “Mày là cha của đứa bé”.
Hỏi ra, anh Minh mới biết, có một thiếu nữ trong làng mang thai nhưng không biết ai là “thủ phạm” nên mời vả 3 thanh niên có quan hệ tình cảm này ra suối lặn. Theo luật làng, ai ngoi đầu lên trước là gian phu, phải bắt phạt vạ.
Hoa phong lan ở xã Mường Hoong, dưới chân núi Ngọc Linh – Ảnh: Phạm Anh
Già làng A Heh ở làng làng Rắc, xã Ya Xier, huyện Sa Thầy bảo, xưa nay các già làng đều “bắt gian phu” kiểu đó. Cách đây mấy năm, có một giáo viên về xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) dạy học. Một đêm thầy giáo này say nên ngủ lại nhà cô gái tên Y Blêu. Sau đó, Y Blêu có chửa và khai đó là sản phẩm của thầy giáo nọ. Làng bắt thầy giáo chịu vạ, nhưng thầy giáo không chịu. Thế là làng làng xử theo luật làng: bắt thêm 2 đứa thanh niên làng và thầy giáo ra suối lặn. Cuối cùng, thầy giáo ngoi đầu lên trước, nhưng vẫn không phục.
Lúc này, làng xử theo cách thứ hai: bắt cả 3 người ra máng nước làng, rồi chặt 3 ngọn cây le cắm xuống đất, ngọn le ai lá héo trước là “tác giả”. Cuối cùng, ngọn le của thầy giáo cũng héo trước. Vì không chịu lấy Y Blêu nên thầy giáo nọ chịu phạt vạ rất nặng, phải vắt tiền túi, mượn của gia đình ở dưới xuôi mới đủ tiền mua đồ phạt vạ với trâu trắng, heo trắng, dê trắng, gà trắng.
Hay như chuyện cách đây 6-7 năm của A Brết ở làng Chứ, xã Ya Ly. Dù có vợ con nhưng A Brết theo và sống ở vợ chồng với gái làng bên. Làng Chứ vào cuộc và bắt quả tang nên phạt vạ A Brết. Theo già làng A Duỗi ở làng Chứ, lúc phạt vạ, A Brết phải mua gà trắng, heo trắng, dê trắng và trâu trắng cùng rượu ghè cho làng ăn uống và nộp cả trăm triệu đồng. Sau đó, A Brết không muốn ở với vợ nữa nên phải để căn nhà và sân vườn cho vợ con mình rồi đâu biền biệt không thấy quay về.
Phạm Anh (thanhnien.vn)