Đang có những nghi ngờ về khả năng ông Obama có thể đưa TPP qua “cửa ải” Quốc hội Mỹ…
Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, ngày 10/12 tuyên bố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không nên được đưa lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, thậm chí là trước khi ông Obama rời Nhà Trắng.
Tuyên bố được ông McConnel đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Washington Post được xem là một trở ngại lớn đối với TPP – thỏa thuận giữ vai trò định hình di sản nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Obama.
“Sai lầm lớn”
Ông McConnell, người trước đây ủng hộ những nỗ lực nhằm tăng quyền đàm phán thương mại cho ông Obama, phát tín hiệu rằng ông chưa quyết định sẽ bỏ phiếu thuận hay chống đối với TPP.
“Chắc chắn là thỏa thuận này không nên được gửi đến [Quốc hội Mỹ] trước cuộc bầu cử. Tôi không cho là như vậy, và tôi có một số vấn đề lớn với thỏa thuận này”, ông McConnell nói trong cuộc trả lời phỏng vấn. “Tôi cho là Tổng thống sẽ mắc một sai lầm lớn nếu tìm cách để thỏa thuận được bỏ phiếu thông qua trong thời gian diễn ra bầu cử”.
Những tuyên bố này dẫn tới những nghi ngờ về khả năng ông Obama có thể đưa TPP qua “cửa ải” Quốc hội Mỹ.
Sau một năm giữ cương vị thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện, ông McConnell đang có những nỗ lực để cho thấy rằng từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2017, ông Obama sẽ không có được bất kỳ một dự luật lớn nào được thông qua tại Quốc hội.
Ngoài ra, tuyên bố trên của ông McConnell cũng là một trong những phát biểu công khai gay gắt nhất về triển vọng TPP từ các thủ lĩnh Cộng hòa – những người hầu như không thể hiện bất kỳ sự ủng hộ nào đối với TPP kể từ khi 12 quốc gia thành viên đạt thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10.
Trước đây, Nhà Trắng vẫn hy vọng rằng sự ủng hộ mạnh mẽ mà Đảng Cộng hòa dành cho dự luật đàm phán nhanh sẽ đưa ông Obama và phe Cộng hòa xích lại gần nhau hơn, từ đó dọn đường cho việc thông qua lần cuối TPP.
Đàm phán nhanh là đạo luật cho phép ông Obama có thêm quyền để hoàn tất TPP.
Ông McConnell nhấn mạnh, đạo luật đàm phán nhanh cũng trao cho Tổng thống tiếp theo các quyền tương tự. “Tổng thống tiếp theo, cho dù là ai, cũng có quyền xem xét lại thỏa thuận này, nếu thỏa thuận chưa được thông qua”, ông McConnell nói.
Theo đạo luật đàm phán nhanh, ông Obama phải đợi 90 ngày sau khi công bố thỏa thuận TPP cuối cùng mới đặt bút ký vào thỏa thuận và gửi tới Quốc hội. Điều này có thể xảy ra vào ngày 4/2/2016.
Sau đó, các nghị sỹ sẽ làm việc với chính quyền để xác định xem sẽ bỏ phiếu vào ngày nào. Các trợ lý của ông Obama nói việc bỏ phiếu có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 3/2016.
Thuốc lá và dược phẩm
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo Quốc hội để thông qua TPP sớm nhất có thể vào năm sau”, phát ngôn viên Nhà Trắng Brandi Hoffine nói khi được Washington Post hỏi về những tuyên bố của ông McConnell.
“Chúng tôi không nhận thấy có bất kỳ lý do gì để trì hoãn thỏa thuận đem lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ thông qua cắt giảm thuế quan đối với 18.000 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, bao gồm Trung Quốc, không đứng ngoài lề trong thương mại, và chúng ta cũng không nên đứng ngoài”, phát ngôn viên Hoffine nói.
Tuy nhiên, không chỉ ông McConnell mà nhiều thành viên quan trọng khác của Đảng Cộng hòa như thượng nghị sỹ Orrin G. Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện, cũng phản đối TPP.
Cả ông McConnell và ông Hatch cùng bày tỏ lo ngại đặc biệt về những điều khoản TPP liên quan đến các công ty thuốc lá và dược phẩm. Cũng giống như ông McConnell, ông Hatch trước đây ủng hộ dự luật quyền đàm phán nhanh.
Bang Kentucky của ông McConnell là một trong những bang trồng thuốc lá lớn nhất của Mỹ, còn bang Utah của ông Hatch có ngành dược phẩm đang phát triển mạnh.
Một số ứng cử viên hàng đầu của phe Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng như tỷ phú Donald Trump hay thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz đều không ủng hộ TPP. Tất cả các ứng cử viên của phe Dân chủ, bao gồm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng phản đối thỏa thuận này.
Các quan chức chính quyền Obama bày tỏ lo ngại việc trì hoãn thông qua TPP ở Quốc hội có thể dẫn tới trở ngại chính trị ở các quốc gia khác đối với thỏa thuận mất hơn 5 năm để đàm phán này. Một số nước có thể quyết định rút khỏi TPP, nhất là một khi các nhà làm luật Mỹ đòi thay đổi nội dung thỏa thuận.
Tuần trước, ông Obama đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn và quan chức tại Nhà Trắng. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nhìn chung ủng hộ TPP, nhưng một số tổ chức doanh nghiệp mạnh như Hội đồng Thương mại Mỹ chưa chính thức ủng hộ thỏa thuận này.
Trả lời